Ông Dương Trung Quốc: Lời xin lỗi của Công ty nước sạch sông Đà “là vô nghĩa, cứ xử lý theo luật”

ĐBQH Dương Trung Quốc.

Theo ông Quốc, chúng ta có thể lên án những người làm sai như ở Công ty nước sạch Sông Đà nhưng không thể không nhắc đến trách nhiệm của các cơ quan chức năng, lãnh đạo liên quan.

Lời xin lỗi “vô nghĩa” của Công ty nước sạch sông Đà

Sáng 25/10, Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) đã có thông cáo báo chí thừa nhận trách nhiệm của đơn vị và xin lỗi khách hàng về sự cố dầu thải bị đổ trộm tràn vào nguồn nước sản xuất của công ty này tại Hòa Bình.

“Chúng tôi xin được cung cấp nước miễn phí trong kỳ xảy ra sự cố (tương đương một tháng tiền nước)”, thông cáo của Viwasupco nhấn mạnh.

Bên lề kỳ họp Quốc hội chiều 25/10, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, sự cố nước sạch sông Đà bị ô nhiễm dầu thải gây bức xúc những ngày qua dù có cái rủi nhưng cũng lại “có cái may”.

Theo ông Quốc, cái may, chính là từ sự cố này chúng ta mới phát hiện ra điều cực kỳ nguy hiểm, đó là các cơ quan quản lý Nhà nước không quan tâm nhiều đến an toàn của người dân trong việc sử dụng nước.

“Chúng ta có thể lên án những người làm sai như ở công ty nước sạch Sông Đà, nhưng không thể không nhắc đến trách nhiệm của những cơ quan chức năng, lãnh đạo liên quan.

Giả dụ không phải là dầu thải mà là chất độc hại hơn hay không phải là sự vô ý thức mà là âm mưu, ý đồ thì cái gì sẽ xảy ra. Do vậy, nói trong cái rủi có cái may là ở chỗ đó”, ông Quốc nêu.

Ông nói thêm, qua sự cố này cũng là điều cảnh tỉnh về việc có những dịch vụ công liên quan đến sự an nguy đến sức khỏe, tính mạng của người dân như nước sạch mà Nhà nước không nên cho xã hội hóa toàn bộ.

Nam ĐBQH này cũng nhấn mạnh, ông không đồng tình với việc công ty nước sạch sông Đà xin lỗi và xin được cung cấp nước miễn phí, nhưng lại miễn phí trong kỳ mà nước sinh hoạt bị ô nhiễm dầu thải.

“Tôi nghĩ lời xin lỗi đó vô nghĩa. Ở đây, cứ xử lý theo luật và xử đến nơi, đến chốn, vì phải răn đe. Nếu chúng ta còn để nhờn thì sẽ phải gánh chịu những hậu quả lớn hơn nữa”, ông Quốc nêu quan điểm.

Công ty nước sạch sông Đà rất không nghiêm túc trước sự cố nghiêm trọng

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Giáo sư y khoa, đoàn Hà Nội) nêu rõ, lời xin lỗi sau hơn nửa tháng xảy ra sự cố mới được phía công ty nước sạch sông Đà đưa ra là muộn màng.

“Việc xin được cung cấp nước miễn phí trong kỳ xảy ra sự cố của Công ty nước sạch sông Đà là không thể chấp nhận được”, ông Trí nhấn mạnh.

Trên góc độ chuyên gia y khoa, Giáo sư Trí cho rằng, ông có theo dõi và thấy, kết quả xét nghiệm các mẫu nước sạch sông Đà những ngày qua cho chỉ số bình thường, tốt.

ĐBQH: Lời xin lỗi của Công ty nước sạch sông Đà là vô nghĩa, không thể chấp nhận được - Ảnh 1.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí.

“Với tư cách nhà khoa học về y khoa tôi nói luôn, tất nhiên các chỉ số đó mình cũng tin để dùng, nhưng nói rất thật khi đánh giá các chỉ số thì có những chỉ số mang tính chất chỉ điểm thôi.

Cụ thể, trong nước có thể 20-30 loại vi khuẩn, nhưng người ta chỉ dùng 1 chỉ số chỉ điểm như Ecoli. Cho nên, điều quan trọng nhất là nguồn gốc nước vào phải an toàn”, GS Trí nói.

Ông chia sẻ, lâu nay bản thân ông vẫn nghĩ, nguồn nước sạch sông Đà được lấy từ khu vực giữa lòng hồ sông Đà, nhưng sau sự cố này mới biết rõ, nguồn nước lại được lấy từ hồ Đồng Bài và xung quanh an ninh, an toàn không có.

“Việc đổ dầu thải rất ác nhưng cũng có cái hay là nó lộ ra nhiều vấn đề. Nếu không phải dầu mà họ vứt 20 xác thú vật thì chúng ta sao biết được, bởi nước về đến đây đã hết mùi rồi hoặc những chất độc khác mà trong chỉ tiêu đánh giá không có sẽ vô cùng nguy hiểm.

Do đó, sau sự cố này, tôi cho rằng, vấn đề số 1 vẫn là an ninh nguồn nước”, ông Trí đưa quan điểm.

Nguyên Viện trưởng Viện huyết học – truyền máu TƯ nhìn nhận, việc công ty nước sạch sông Đà chỉ đưa ra một cái thông cáo trong đó, có lời xin lỗi, còn 2 buổi họp báo trực tiếp lại không có một lời xin lỗi nào “là sự rất không nghiêm túc, trước một sai sót chứ không muốn nói là tội rất nghiệm trọng trước nhân dân”.

Ông cho rằng, tùy thuộc vào thiệt hại, người dân có quyền khởi kiện, yêu cầu đơn vị này bồi thường.

Từ ngày 10/10, người dân các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai… phát hiện nước sinh hoạt có mùi dầu hắc như dầu cháy.

Trước đó, cơ quan chức năng xác định, một chiếc xe tải chở dầu nhớt thải đã đổ trộm vào khe núi xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình). Mưa to làm dầu lan vào kênh dẫn của Nhà máy nước sạch sông Đà. Cán bộ công ty phát hiện dầu thải từ sáng 9/10, nhưng không báo cơ quan chức năng.

Ngày 11/10, đoàn kiểm tra liên ngành lấy mẫu nước xét nghiệm, dự kiến có kết quả sau 7 ngày. Nhưng chỉ 4 ngày sau, thành phố công bố nước bị nhiễm độc “chỉ nên dùng tắm giặt, không nấu ăn”. Nước sạch bị ô nhiễm làm đảo lộn cuộc sống của 250.000 hộ dân Hà Nội.

Ngày 22/10, TP Hà Nội công bố “nước sông Đà có thể ăn uống” nhưng nhiều cư dân chưa dám sử dụng nước này mà vẫn dùng nước bình đóng chai.

Cũng liên quan đến vụ việc đổ trộm dầu thải, cơ quan công an đã khởi tố vụ án và khởi tố, lệnh bắt tạm giam 2 tháng để phục vụ công tác điều tra đối với 3 bị can thực hiện hành vi xả chất thải.

3 đối tượng gồm: Lý Đình Vũ (SN 1982), Nguyễn Chương Đại (SN 1994) cùng trú tại xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) và Hoàng Văn Thám (SN 1986), trú tại xã Chi Lễ, huyện Văn Quan (Lạng Sơn) bị bắt về tội “Gây ô nhiễm môi trường”, theo Khoản 2, Điều 235 Bộ Luật Hình sự năm 2015.

Nguồn dầu thải cũng được xác định tuồn ra từ Công ty cổ phần gốm sứ Thanh Hà (CTH – Phú Thọ).