Tại phiên thảo về kinh tế – xã hội của Quốc hội sáng nay, đại biểu Dương Trung Quốc đã nhắc lại vụ việc liên quan đến cụ Lê Đình Kình (Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội) “tự làm gãy chân”.
Phát biểu trước Quốc hội vào sáng nay, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đề cập đến vấn đề khiếu nại, tố cáo và cho rằng, tình trạng này chúng ta đã khắc phục từng bước nhưng cần triệt để.
“Có nhiều cử tri hỏi chúng tôi, đã 1 năm trôi qua rồi nhưng câu hỏi anh đặt ra ở Quốc hội đã ai trả lời chưa”, ông Quốc nêu.
Ông Quốc nhắc lại, cách đây 1 năm, tại kỳ họp thứ 4, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội đã nói vụ việc liên quan đến Đồng Tâm (Mỹ Đức), trong đó, cho rằng cụ Lê Đình Kình, một cụ già 82 tuổi tự làm gãy chân của mình.
“Lúc đó, cách trả lời của tôi là để cho dư luận đánh giá. Gần 500 đại biểu nghe xong có tiếp tục trả lời câu hỏi đó thực hư thế nào không?.
Trong khi cụ Kình đã có văn bản gửi lên rằng, nếu đó là kết luận thì cụ sẽ mắc tội nặng là vu khống cho công an và đề nghị xử lý.
Văn bản của cụ, tôi biết đã gửi Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội nhưng đến nay chưa nhận được trả lời. Chuyện tưởng nhỏ nhưng lòng tin của người dân mất nhiều”, ông Quốc thông tin.
Ông nhấn mạnh, những việc như vậy cơ quan chức năng phải trả lời ngay và đủ khả năng để trả lời.
“Với tinh thần cầu thị thì mọi sai lầm chúng ta đều có thể khắc phục nếu được người dân chia sẻ. Tôi mong Chính phủ, Thủ tướng không chỉ quan tâm đến những vấn đề lớn mà cả những vấn đề nhỏ để có sự phát triển bền vững hơn”, ông Quốc nói.
Trước đó, sáng 6/11/2017, tại phiên thảo luận của Quốc hội, đại tá Đào Thanh Hải (nay là Thiếu tướng), Phó Giám đốc Công an Hà Nội đã làm rõ câu hỏi mà đại biểu Dương Trung Quốc nêu tại phiên thảo luận kinh tế – xã hội về việc, lực lượng công an đánh ông Lê Đình Kình gây thương tích chưa được xử lý.
Theo ông Hải, ngay sau khi xảy ra vụ việc ở Đồng Tâm, Bộ Công an đã rất nghiêm túc thành lập đoàn thanh tra do Thứ trưởng Bộ Công an làm trưởng đoàn.
Quá trình thanh tra cũng đã kiểm tra rất kỹ toàn bộ quy trình công tác, chấp hành pháp luật, thực thi pháp luật của Công an Hà Nội.
Phó Giám đốc Công an Hà Nội thông tin sự việc xảy ra khi cơ quan điều tra tiến hành bắt ông Lê Đình Kình, gia đình ông này đã xông vào chống lại lực lượng thi hành nhiệm vụ, giằng co và xảy ra việc ông Kình bị gãy chân.
Ông Kình có tố giác một cán bộ đã đánh ông bị gãy chân. Tuy nhiên, theo ông Hải, thực tế trong quá trình thanh tra, điều tra, kiểm tra lại thấy người cán bộ công an đó tuy có mặt tại hiện trường nhưng không hề tham gia vào việc bắt giữ và cách đó một đoạn.
“Căn cứ vào kết luận thanh tra thì không có vấn đề gì liên quan đến việc lực lượng thi hành nhiệm vụ đánh gây thương tích cho ông Lê Đình Kình cả.
Đây hoàn toàn là trong quá trình giằng co giữa lực lượng thực thi nhiệm vụ và gia đình ông Kình xông vào cản trở việc thực thi của cơ quan điều tra nên xảy ra việc đáng tiếc như vậy”, ông Hải nhấn mạnh.