Ông Dương Trung Quốc.
ĐBQH Dương Trung Quốc cho rằng, các cơ quan chức năng cần xem xét lại, cân nhắc cụ thể việc công nhận liệt sỹ đối với các y, bác sỹ đã hy sinh ở Việt Nam khi chống dịch SARS.
Các y, bác sỹ hy sinh trên tuyến đầu chống dịch nên xem xét công nhận liệt sỹ
Trong quá trình chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân ở đại dịch SARS hồi năm 2003, tại Việt Nam đã có 5 y, bác sỹ của Bệnh viện Việt – Pháp hy sinh tại Việt Nam, 1 người mất sau khi về Pháp.
Tuy nhiên, trả lời trên Tuổi trẻ, bác sỹ Võ Văn Bản, Phó Tổng giám đốc Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội cho biết, sau khi các bác sĩ, nhân viên y tế qua đời khi làm nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh lạ lần đầu xuất hiện trên thế giới, bệnh viện đã đề nghị truy tặng danh hiệu liệt sĩ nhưng chưa ai được công nhận.
Còn chia sẻ với PV, ông Nguyễn Thế Vĩnh, chồng y tá Nguyễn Thị Lượng (người hy sinh đầu tiên do mắc SARS khi chăm sóc bệnh nhân quốc tịch Mỹ, gốc Hong Kong) cũng cho hay, từ sau khi vợ ông mất đến nay, chưa nhận được một hình thức truy tặng, khen thưởng nào.
“Hồi đó, khi vợ tôi cùng một số y, bác sỹ mới hy sinh, có thông tin nói đã đề nghị công nhận liệt sỹ nhưng sau 17 năm đến giờ vẫn chưa thấy”, ông Vĩnh nói.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng, các y, bác sỹ đã hy sinh trong cuộc chiến đấu với dịch SARS ở Việt Nam hồi năm 2003 là những người đáng trân trọng.
Theo ông Quốc, nếu nhìn vào “cuộc chiến với dịch Covid-19” hiện nay ở Trung Quốc cũng như Việt Nam sẽ cho thấy sự vất vả, nguy hiểm của lực lượng y tế.
“Có thể thấy, với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới mà gặp phải tình trạng dịch bệnh thì lực lượng xung kích, quan trọng nhất chính là các nhân viên y tế.
Do đó, với những y, bác sỹ không may bị nhiễm bệnh trong quá trình chăm sóc bệnh nhân, thực hiện nhiệm vụ rồi hy sinh thì việc truy tặng các danh hiệu, khen thưởng, thực hiện chế độ, công nhận liệt sỹ là điều rất nên.
Bởi, bên cạnh việc an ủi, chia sẻ với gia đình thì đây là điều khích lệ tinh thần đối với các y, bác sỹ khi “lâm trận” chiến đấu với dịch bệnh”, ông Quốc nói.
Ngôi miếu thờ 6 y bác sĩ hi sinh trong đại dịch SARS. Ảnh: Tiền phong
Với riêng trường hợp 5 y, bác sỹ hy sinh trong dịch SARS hồi năm 2003, ông Quốc nêu quan điểm, nên có sự nhìn nhận, đánh giá lại và công nhận, truy tặng các danh hiệu hay huân, huy chương cho các “chiến sỹ”.
“Tôi hoàn toàn ủng hộ việc các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần nhìn lại sự hy sinh của các y, bác sỹ trong cuộc chiến chống dịch SARS và ngoài việc lập miếu thờ tại bệnh viện nên có sự công nhận, truy tặng các danh hiệu, huân, huy chương phù hợp.
Ngoài ra, nếu trường hợp nào chưa có chính sách, chế độ với họ cần phải xem xét, thực hiện.
Hiện nay và sau này, chúng ta chắc chắn sẽ còn phải chống chọi với nhiều vấn đề liên quan đến dịch bệnh nên rất cần những chính sách, chế độ cụ thể cho các y, bác sỹ ở tuyến đầu”, ông Quốc nêu quan điểm.
Về việc có nên xem xét công nhận liệt sỹ với các y, bác sỹ đã hy sinh trên không?, vị nam ĐBQH khóa 14 đề nghị các cơ quan có trách nhiệm cần xem xét lại, cân nhắc cụ thể việc này để từ đó có thể trở thành một quy chế, giá trị chung.
“Tôi hoàn toàn tán thành việc nhìn lại, bởi với những gì đã diễn ra hiện nay sẽ làm cho chúng ta phải suy nghĩ sâu sắc hơn về các điều đã xảy ra, nhất là với các y, bác sỹ hy sinh trước đó.
Không ai muốn dịch bệnh và cũng chả ai muốn mình là liệt sỹ cả nhưng hoàn cảnh đặt họ vào vị trí đó, đồng thời, hành vi dũng cảm của họ có đóng góp cho xã hội, vì bình yên cho người dân thì nên ghi nhận, xem xét”, ông Quốc nhấn mạnh.
Nếu không công nhận liệt sỹ cũng nên xem xét khen thưởng, truy tặng huân, huy chương
Còn đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Phó Ban Dân nguyện của Ủy ban TVQH cho rằng, nếu đúng, cần phải xem xét lại quy trình, lỗi ở đâu mà đến nay, đối với 5 y, bác sỹ hy sinh ở Việt Nam khi chống dịch SARS chưa nhận được hình thức truy khen thưởng.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng
“Theo tôi cần phải nghiên cứu rõ để có hình thức truy tặng các danh hiệu, khen thưởng, động viên đối với các y, bác sỹ này và hỗ trợ đối với gia đình, đặc biệt với các hoàn cảnh éo le, khó khăn.
Bởi đó không chỉ thể hiện sự ghi nhận với họ mà còn để động viên, khích lệ các bác sỹ đang hàng ngày, hàng giờ làm nhiệm vụ chống dịch bệnh”, ông Nhưỡng nói.
Về việc có nên xem xét công nhận liệt sỹ với các trường hợp này không, vị Phó Ban Dân nguyện của UB TVQH cho rằng, hiện nay, chúng ta đã có đầy đủ các quy định của pháp luật nên các cơ quan chức năng cần căn cứ vào đó để xem xét cụ thể.
“Với trường hợp đặc biệt trong việc tham gia chống dịch SARS của các y, bác sỹ này thì cơ quan chuyên môn nên vào cuộc xem xét nghiên cứu cụ thể, chặt chẽ.
Nếu không đủ điều kiện công nhận liệt sỹ thì nên xem xét có khen thưởng, tặng huân, huy chương để ghi nhận công lao của các y, bác sỹ”, ông Nhưỡng nêu.
Cũng liên quan đến việc nay, trao đổi với PV, một lãnh đạo Cục Người có công (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho hay, sẽ kiểm tra lại xem trước đây đã từng có đề nghị nào về việc công nhận liệt sỹ với 5 y, bác sỹ hy sinh tại Việt Nam trong trận chiến chống dịch SARS chưa.
Vị này nói thêm, sau khi kiểm tra xong, có thông tin sẽ cung cấp lại cụ thể.
Hoàng Đan, theo Trí Thức Trẻ