“Gì mà “Thiền định cướp đi người chồng tuyệt vời”… Rồi cô lấy cái chuyện “thương anh Vũ”. Thương cái gì? Người chồng đã đau đớn tột cùng, đau đủ kiểu như vậy, mà còn làm như vậy thì làm sao mà có tình thương được đến ngày hôm nay?, ông Đặng Lê Nguyên Vũ trải lòng.
Sau 49 ngày thiền định trên núi M’Drak, ngoài những lần tham dự phiên tòa ly hôn, Chủ tịch HĐQT Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ chỉ 2 lần gặp gỡ với một nhóm nhỏ phóng viên để giãi bày câu chuyện gia đình, chuyện Trung Nguyên.
Tình cờ cả hai lần ấy đều sau hai lần xuất hiện kín đặc các mặt báo của vợ ông – bà Lê Hoàng Diệp Thảo, kể về câu chuyện “ngôn tình” với “người chồng Đặng Lê Nguyên Vũ tuyệt vời” trước khi thiền định, chuyện bà không muốn ly hôn, mà muốn gia đình đoàn tụ để chăm sóc ông Vũ. Xen lẫn giữa những giọt nước mắt trên các bài báo dài vài nghìn chữ là đơn tố tụng “nhóm thao túng”, xin “cứu anh Vũ, cứu Trung Nguyên” được gửi khắp nơi từ Quốc hội, Chủ tịch nước đến Bộ Công An.
Nhằm chia sẻ thông tin đa chiều, chúng tôi xin trích lại một phần buổi nói chuyện của ông Đặng Lê Nguyên Vũ trong buổi gặp mới đây.
Nói cái này là nỗi niềm. Tòa 3 năm xử hòa giải đủ kiểu. Ly hôn cũng là cô (bà Lê Hoàng Diệp Thảo – PV) khởi xướng… Đầu tiên qua không đồng ý. “Còn nước còn tát”, mà còn mấy đứa nhỏ nữa.
Sau thấy cô tính phần trăm, chia đôi, tiền và cổ phần cô bao nhiêu, mấy đứa nhỏ bao nhiêu, rồi cộng lại biểu quyết hết trong Hội đồng quản trị, rồi quyết ly hôn. Tính toán đến như vậy. Sống với một con người không từ thủ đoạn làm mọi thứ, bao nhiêu lười khuyên như vậy. Nếu là các người anh em, mình chịu được không?
Xử ly hôn 3 năm đến thẩm phán cũng mệt. Vẫn với thẩm phán Xuân, 3 năm Trung Nguyên tê liệt hết, không biết bao nhiêu tháng áp dụng biện pháp khẩn cấp, chi tiền ra ngoài không chi được. Cũng con người đó phá.
Qua nói qua chỉ giữ Trung Nguyên thôi, tiền của cô cô giữ đi. Qua nói cực chẳng đã, khi tổ luật sư thấy cô và bên đó tính ghê quá, mà giờ tiền bạc, nếu không cấn trừ thì sau này qua cũng không có tiền qua trả. Tính trả ra cũng phải trả hơn nghìn tỷ. Tiền đâu ra trả khi tài sản cô giữ hết? Tài sản cô giữ nhiều hơn số đó nhiều lắm.Tiền đó là bề nổi thôi.
Những người anh chị em ở đây bất bình, nói miết, nên cuối cùng mới có đơn phản tố, chứ trước đó qua can đâu có đơn phản tố. Cô tính mết, tính từng li từng tí. Con dấu công ty cô khống chế toàn bộ, liệt hết ở đây.
Cô là hung thần của tổ chức này.Có những lúc bảo vệ ở đây từng tầng giống như bảo vệ nguyên thủ. Đâu ai dám kháng cự cô, nhưng cô đưa thông tin ra ngoài giống như ở đây đang là chiến dịch gì đó trấn áp một người phụ nữ chân yếu tay mềm.
Người vợ qua ghê gớm lắm, không đơn giản.
Theo Luật Doanh nghiệp 2015, các nghị quyết HĐQT lấy ý kiến bằng văn bản sẽ được thông qua khi được số cổ đông đại diện cho ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết tán thành.
Sau khi tòa phán quyết chia tài sản theo tỷ lệ 6:4 (bà Thảo nhận 4 phần và phải nhượng lại toàn bộ cổ phần Trung Nguyên cho ông Vũ, bà Thảo đã khóc cho rằng bản án quá bất công với mẹ con bà. 2 tuần sau, bà nộp đơn kháng cáo, xin không ly hôn và mong đoàn tụ với ông Vũ.
Ở đây có mấy luật sư của qua, qua bảo cứ làm hết cho cô tỉnh ra. Với những người quý qua, thương qua, cô cho thông tin giả, đi đâu cô cũng “cứu Trung Nguyên”, “cứu anh Vũ”. Qua làm sao mà phải cứu, Trung Nguyên bị sao mà phải cứu?
Cô làm những chuyện mà lòng người, lòng trời đâu dung tha. Qua biết trước mọi chuyện, nhưng cứ nương theo vậy.Bảo qua đi viện, qua phòng hội đồng qua đi. Qua chiều hết mọi thứ. Có cái gì thuyết phục cô bằng cái đó đâu.
Đâu có người chồng nào giữ thương hiệu của mình như con ngươi trong mắt, vậy mà nói qua như điên khùng, rồi gì mà “Thiền định cướp đi người chồng tuyệt vời”, rồi ra cho số liệu giả, đâu có như vậy.
Đưa qua vào nhà thương điên là có kế hoạch, thậm chí bắt cóc luôn. Đem vô cái đã, cùng nhau vô trong đó khống chế qua, kiểm soát Trung Nguyên cái đã…
Qua nói vấn đề không phải là tiền. Xưa giờ 20-30 năm, két sắt rồi sổ sách tài chính qua đâu có coi, nhưng cái gì không phải của cô thì cô đừng có lấy. Bao nhiêu lời khuyên mà cô vẫn độc tâm như vậy qua không cho. Cô có phá, có làm gì đi nữa qua cũng không cho phép.
Qua muốn dạy cô một bài học cuối cùng để cô ngộ ra điều đó mà thôi. Tiền bạc qua đâu có cần. 20-30 năm như vậy, cô còn dám ra tòa hỏi “Từ ngày cưới nhau anh có chuyển khoản cho em đồng nào?”. Qua không biết nói sao nữa. Cô giữ tiền hết, tiền đâu qua chuyển? Mà chuyển để làm gì? Nói lạ lùng như vậy, mà bên truyền thông, bên tòa đâu có biết rõ nội tình.Trừ cái thẻ tín dụng nếu qua đi nước ngoài có xài chút xíu, qua đâu cầm tiền làm chi, cô giữ hết.
Chính cái đó, cô nghĩ có thể dùng tiền với quyền thao túng mọi thứ khác, cộng thêm tình thương. Rồi lấy cái chuyện “thương anh Vũ”. Thương cái gì? Người chồng đã đau đớn tột cùng, đau đủ kiểu như vậy, mà còn làm như vậy thì làm sao mà có tình thương được đến ngày hôm nay? Rồi cô lên nói riết về mấy đứa con. Những chuyện đó lấy nước mắt nhiều lắm. Gì mà “Mẹ đã thất bại trong việc bảo vệ gia đình”… Xin lỗi các con! Ba không biết nói sao với mấy chuyện như vậy.
Chuyện cô nói qua không cho thờ phụng tổ tiên, dùng chuyện đó kéo cho qua dính vô cái “đạo lạ”… Các người anh em không thể tưởng tượng được đúng không.
Bàn thờ đó dùng lâu rồi, trong căn nhà ở Tú Xương. Qua là đàn ông, cô là phụ nữ, ở nhà cô thì cô cũng đâu phải con trưởng. Cha mẹ ai mình cũng quý, cha mẹ mất, thì nhà từ đường trên đó thì cô thờ. Còn dưới này thờ chung thôi, ảnh thờ đâu chi.
Cô đem ông nội, cha của cô về để trên bàn thờ, hàng ngày thắp nhang phải lên như vậy. Qua nói như vậy thì cha mẹ qua cũng buồn. Mình phải có tôn ti trật tự, bàn thờ tổ tiên còn ông nội qua, ông cố, ông sơ…, kỳ lắm.
Mình thờ cúng thì thôi, về để vào nhà từ đường của cô. Anh cả của cô phải có trách nhiệm chứ mình đâu có trách nhiệm. Thôi mình cất cái hình đi, thắp nhang trong lòng là hiểu. Qua cất hình đi, gói lại gửi về trên nhà. Không cha qua xuống tâm tư chớ: “Con mình sợ vợ sao, để vợ ngự trị trong nhà”. Người làm dâu như vậy cũng mang tiếng, ảnh hưởng người chồng của mình.
Tấm lòng cô cứ thể hiện mình là chủ gia đình, kể cả gia đình lớn, cư xử như vậy không đúng. Làm như vậy vô mặt anh mình luôn, rồi người chồng của mình ra làm sao. Vậy mà cô dùng cái đó, nói qua không cho thờ phụng tổ tiên ông bà… Đâu phải vậy.
Cái đó độc hại lắm nghe, đâu đơn giản như vậy. Câu chuyện khi đó cô thông tin ra trùng với làn sóng “Hội thánh đức chúa trời”, không thờ phụng cha mẹ, tổ tiên. Mấy anh em an ninh, công an nghe đến “đạo lạ”, ra công văn khắp trường đại học, không cho qua thuyết giảng.
Không ai phá Trung Nguyên như cô. Sau khi tòa xử xong, phải mất 2-3 năm Trung Nguyên mới gượng dậy được. Bởi với những chiết khấu thị trường trong cả nước thế này, mấy đứa nhỏ (nhân viên Trung Nguyên – PV) khó khăn vô cùng. Qua nhắn bọn nhỏ ráng chịu cho qua. Tòa xử xong hết thì cô đừng can thiệp nữa.
Hãy để Trung Nguyên giúp nó, giúp đất nước nhiều hơn, hãy để Trung Nguyên ra toàn cầu. Kiếm ăn thì cô kiếm ở đâu cũng được.
Toàn bộ hoạt động ở nước ngo ài của Trung Nguyên đều bị ảnh hưởng vì cô can thiệp, ra văn bản, dùng con dấu để làm ăn với đối tác.
Trung Nguyên đâu có nhóm nào thao túng. Nếu nhìn hệ quy chiếu khác biệt, Trung Nguyên có sự khác biệt gì so với các tập đoàn khác không? Phải coi lại hệ quy chiếu định vị, định đồ. Các sản phẩm phải thay đổi hết, thay đổi từng công nghệ của nhà máy. Giờ là giai đoạn đầu tư chứ đâu phải giai đoạn khai thác nữa.
Tình hình cô ra, thậm chí tố nhóm này, nhóm kia, đâu có làm được. Nên qua li hôn cho xong đi, chứ phá kiểu này ai dám vào. Không ai làm được hết. 5 chuyện chuẩn bị cho một tổ chức đi xa thì 4 chuyện đã có hết, còn chuyện thực hành thì cô phải tách ra, đừng can thiệp.
Trước cô lấy quyền làm vợ, quyền chức vụ, quyền cổ đông, thì giờ quyền chức vụ cực chẳng đã qua mới cắt chức cô. Cô không chịu, đòi ly hôn, thôi ly hôn thì ly hôn. Từ xưa tới giờ qua nhượng bộ nhiều.
Cực đoan, ngoan cố, làm những chuyện không ai làm được. Cô chỉ có tu và sám hối mới hết tội.