Ổn định kinh tế – xã hội cũng chính là chiến thắng dịch bệnh

Sau gần 2 năm ứng phó với đại dịch COVID-19, biến chủng Delta xuất hiện, Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đều bị ảnh hưởng tiêu cực.
TP Hồ Chí Minh đang cố gắng tạo điều kiện tốt nhất để đón người lao động quay lại làm việc.

TP Hồ Chí Minh đang cố gắng tạo điều kiện tốt nhất để đón người lao động quay lại làm việc.

Sau một thời gian phản ứng cẩn trọng, Việt Nam đã chuyển hướng rất kịp thời từ chủ trương “Zero COVID-19” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều chính sách trong các lĩnh vực an sinh xã hội, lao động… tiếp tục được ra đời, thực thi để ổn định kinh tế – xã hội.

Tạo điều kiện tốt nhất để đón người lao động quay lại làm việc

Đó là những thông tin được hai khách mời trong chương trình livestream “Dân hỏi – Thành phố trả lời” của TP HCM với chủ đề “Lao động – việc làm trong phục hồi sản xuất, kinh doanh”.

Trong vai trò của khách mời, ông Nguyễn Văn Lâm – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP HCM cho biết, kể từ đầu tháng 10, TP HCM đã chủ động làm việc với các tỉnh lân cận trong khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và Tây Nguyên để tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người lao động (NLĐ).

Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố rất lớn, trong đó có nhiều doanh nghiệp cần hàng ngàn lao động để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, qua nắm tình hình, Sở LĐ-TB&XH nhận thấy số lượng NLĐ quay trở lại chưa như kỳ vọng do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu do việc di chuyển chưa đồng bộ giữa các tỉnh, thành và điều kiện tiêm vaccine

Để khắc phục tình trạng đó, Sở Giao thông Vận tải TP HCM đã chủ động làm việc với các tỉnh tạo điều kiện cho NLĐ di chuyển, đồng thời Sở Y tế TP HCM bố trí tiêm vaccine ngay cửa ngõ TP để đón NLĐ. Việc tiêm vaccine cũng được triển khai đến địa phương nơi NLĐ đang về tạm tránh dịch và cả ngay nhà máy, xí nghiệp nới NLĐ đến làm việc.

“Việc thực hiện các gói an sinh xã hội, đặc biệt là gói thứ 3 cho thấy thành phố luôn trân trọng những đóng góp của NLĐ cho sự phát triển chung của thành phố. Trong gói đợt 3, nhiều NLĐ bất ngờ được nhận khi quay trở lại thành phố để làm việc bởi trước khi về quê, họ đã được lập danh sách” – ông Lâm cho biết.

Trước thắc mắc của nhiều người liệu có an toàn không khi quay lại làm việc, ông Lâm cho biết NLĐ hoàn toàn yên tâm vì các doanh nghiệp được phép mở cửa hoạt động đều đã đáp ứng những tiêu chí về phòng chống dịch COVID-19. Thêm nữa, NLĐ sẽ được tiêm đầy đủ vaccine trước khi đến nơi làm việc nên không phải lo lắng với dịch bệnh.

Ông Nguyễn Quang Cường, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên TP HCM cho rằng, NLĐ về quê đang chuẩn bị quay lại TP HCM rất lớn vì họ khó có thể tìm được công việc phù hợp ở quê nhà. Các doanh nghiệp đang cố gắng kết nối lại với NLĐ của mình, trong khi nhiều NLĐ cũng chủ động gọi cho công ty để hỏi thăm về việc làm. Điều đó cho thấy cả doanh nghiệp và NLĐ đang nỗ lực kết nối với nhau, trong đó có việc nhiều doanh nghiệp muốn đưa xe về tận quê để đón NLĐ quay trở lại.

Với vai trò là địa chỉ cầu nối cho dịch vụ việc làm, được biết hiện Trung tâm dịch vụ việc làm TP HCM trực thuộc Sở LĐ-TB&XH TP HCM đang kết nối với hàng trăm doanh nghiệp với hàng ngàn vị trí việc làm. NLĐ chỉ cần gọi đến Trung tâm sẽ lập tức được tư vấn, kết nối, thậm chí phỏng vấn online trước với nhà tuyển dụng. Làm như vậy sẽ giúp NLĐ tiết kiệm được thời gian, công sức tìm việc mà còn có sự lựa chọn tốt hơn cho công việc của mình.

Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên thuộc Thành đoàn TP HCM cũng đang có chương trình “Combo việc làm 3 trong 1” để khi NLĐ tìm đến với Trung tâm sẽ được giới thiệu việc làm miễn phí, được test COVID-19 miễn phí để đi phỏng vấn, được giới thiệu nhà trọ giá rẻ hoặc 0 đồng.

16 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường

Mới đây, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022.

 

Ổn định kinh tế - xã hội cũng chính là chiến thắng dịch bệnh. (Ảnh minh họa)

Ổn định kinh tế – xã hội cũng chính là chiến thắng dịch bệnh. (Ảnh minh họa)

Theo đó, Báo cáo của Chính phủ đánh giá, 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021 – 2025. Dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.

Dịch COVID-19 có thể xuất hiện phức tạp, nguy hiểm hơn. Tăng trưởng kinh tế thế giới không đồng đều, chưa vững chắc và thấp hơn năm 2021; rủi ro tiếp tục gia tăng. Trong nước, kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó dịch bệnh tiếp tục được nâng lên nhưng sức chống chịu và nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân giảm sút. Nguy cơ chậm phục hồi kinh tế, suy giảm tăng trưởng vẫn còn tiềm ẩn nếu không kiểm soát được dịch bệnh một cách cơ bản để mở cửa trở lại nền kinh tế; rủi ro lạm phát gia tăng; thiên tai, biến đổi khí hậu là nguy cơ luôn tiềm ẩn.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã đề ra 16 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường; trong đó tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khoảng 6 – 6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; bội chi ngân sách nhà nước so với GDP khoảng 4%.

Để đạt được các mục tiêu này, Chính phủ đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội; triển khai hiệu quả Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch, có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của các cấp, các ngành ngay từ đầu năm 2022.

Các địa phương vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn nhưng không trái với định hướng của Trung ương; tiếp tục mở rộng độ bao phủ, tăng tốc chiến dịch tiêm vắc xin cho người dân; nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là điều trị ở cơ sở; tổng kết thực tiễn, bổ sung, hoàn thiện và thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch..

Ngoài ra, tập trung thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội phù hợp, khả thi; điều chỉnh linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách khác để vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; vừa hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu, tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh đầu tư, có cơ chế huy động thêm nguồn lực cho phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội…

Từ góc nhìn của chuyên gia, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia cho rằng Báo cáo kết quả phát triển kinh tế – xã hội năm 2021, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022 mà Thủ tướng Chính phủ trình trước Quốc hội đã hướng tới “mục tiêu kép”, song cũng lắng nghe, cân nhắc với tinh thần cầu thị những đề xuất mới, như đề xuất cho phép các nhà máy trong khu công nghiệp duy trì sản xuất trong điều kiện bảo đảm phòng chống dịch, đề xuất cho phép doanh nghiệp chủ động nhập vắc xin…

Nhờ đó, Chính phủ và nhiều ngành, địa phương đã có điều kiện để cân nhắc tích cực hơn các kịch bản, lộ trình và biện pháp mở cửa trở lại nền kinh tế, hướng tới phục hồi và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới.

Theo TS. Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Chính phủ đã chuyển hướng rất kịp thời từ chủ trương “Zero Covid-19” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, thể hiện rất rõ ở Nghị quyết 128. “Tôi nghĩ rằng thích ứng linh hoạt, sống chung với COVID-19 một cách chủ động, khoa học, cũng có thể hiểu là chiến thắng dịch bệnh”, TS. Tô Hoài Nam cho biết.

Đánh giá các gói hỗ trợ an sinh xã hội, kinh tế là tương đối rõ ràng, đúng hướng, TS. Tô Hoài Nam cho hay, trong bối cảnh dịch COVID-19, Chính phủ đã có nhiều chính sách khác nhau nhưng cùng mục tiêu hỗ trợ cho người dân, người lao động gặp khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc miễn giảm, hoãn các loại phí thuế, cung cấp các khoản vay bảo lãnh, tín dụng, giảm giá điện, nước… để duy trì sự tồn tại của các doanh nghiệp, giảm thiểu lao động thất nghiệp. Việc xác định các đối tượng được hỗ trợ cũng nhận được sự đồng thuận cao trong cộng đồng doanh nghiệp, người dân, các chuyên gia và cả các cơ quan nhà nước.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp với những thay đổi khó lường, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia đã lựa chọn sống chung với dịch bệnh. Để nền kinh tế phát triển ổn định trong tình hình phức tạp này, ông Cấn Văn Lực gợi ý 4 vấn đề Việt Nam cần lưu ý về chính sách tài khóa và tiền tệ năm 2022.

Theo ông Lực, khi đưa ra các cơ chế, chúng ta cần phải lồng ghép chương trình phòng chống dịch COVID-19 với phục hồi, thúc đẩy kinh tế – xã hội của năm tới và những năm tiếp theo.

Còn ông Tô Hoài Nam cho rằng chúng ta cần xây dựng kế hoạch chuyển dần mục tiêu “phải tăng trưởng kinh tế” sang mục tiêu “giữ ổn định vĩ mô”, tạo việc làm cho người lao động cũng như tạo các nền tảng, động lực cho tăng trưởng kinh tế.

 

 

Theo Hoa Bùi (Pháp luật Plus, Báo Pháp Luật Việt Nam)

https://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/on-dinh-kinh-te–xa-hoi-cung-chinh-la-chien-thang-dich-benh-d169751.html