Thủ tướng Anh Theresa May. Ảnh: AFP
Như đã tuyên cáo từ trước đó, Thủ tướng Anh Theresa May đã thôi đảm trách cương vị Chủ tịch đảng Bảo thủ Anh từ ngày 7.6 vừa qua.
Bà May rời đi trong nước mắt
Theo thông lệ chính trị trên đảo quốc này, bà May chỉ còn là Thủ tướng Anh cho tới khi đảng cầm quyền này bầu chọn ra được thủ lĩnh mới. Quá trình bầu chọn này không phải là chuyện của ngày một, ngày hai.
Những giọt nước mắt của bà May và những hình ảnh về bà May không kiềm chế được cảm xúc khi tuyên bố từ chức ngày 25.5 vừa qua cho thấy nỗi tiếc nuối của người phụ nữ này, buộc phải rời bỏ quyền lực trong thất vọng và đau đớn, thậm chí còn cả trong tủi hổ và tai tiếng.
Nhưng bi kịch quyền lực của bà May cũng đồng thời còn là bi kịch số phận của chính nước Anh bởi bà May lên cầm quyền nhờ chuyện nước Anh ra khỏi EU (Brexit), tự nhận về sứ mệnh xử lý chuyện Brexit và rồi cuối cùng phải ra đi trong thất bại và thất sủng cũng vì Brexit.
Di sản chính trị của người nữ thủ tướng thứ hai của nước Anh là Brexit không chỉ vẫn dang dở mà còn bế tắc, là những sai lầm tai hại trong cầm quyền mà không chỉ rất khó hiểu mà còn rất dễ tránh khỏi nhưng vẫn mắc phải và nước Anh bị phân hoá còn sâu sắc và trầm trọng hơn trước cả trên chính trường lẫn trong nội bộ xã hội.
Thủ tướng Anh Theresa May đã thôi đảm trách cương vị Chủ tịch đảng Bảo thủ Anh từ ngày 7.6 vừa qua. Ảnh: Outlook India
Di sản này là thách thức đối với người kế nhiệm bà May ở Anh. Nếu nhìn vào quan điểm chính sách nói chung và về xử lý chuyện Brexit nói riêng của tất cả 11 ứng cử viên hiện tại của đảng Bảo thủ Anh thì không khó khăn gì để có thể nhận thấy là tất cả những người này hiện đều chẳng khác gì bà May, tức là đều không cho thấy có kiến giải gì khả dĩ hơn giúp đảo quốc này xử lý được ổn thoả chuyện Brexit trong thời gian tới. Tất cả hiện đều lúng túng và bế tắc ý tưởng giải pháp như bà May.
Nước Anh tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa
Đối với đảng Bảo thủ Anh, vấn đề sinh tử hiện tại không phải là xử lý chuyện Brexit mà là phục hồi uy tín và sự tin cậy trong cử tri để duy trì được vị thế cầm quyền. Brexit chỉ là một trong những cuộc khủng hoảng hiện đe doạ tương lai của đảng này. Brexit không kích hoạt sự trượt dốc của đảng trong sự tin cậy của cử tri nhưng đã làm cho sự trượt dốc này diễn ra nhanh chóng hơn và mạnh mẽ hơn.
Bế tắc ý tưởng và định hướng chính sách như thế, nội bộ hỗn loạn như thế, đảng này đã bị mất đi sự tin tưởng của cử tri vào khả năng lãnh đạo đất nước ở thời khó khăn và dẫn dắt đất nước thoát được ra khỏi khủng hoảng.
Nếu không củng cố sự thống nhất trong nội bộ và không thoát được ra khỏi tình trạng sơ cứng và giáo điều hiện tại trong đường lối chính sách cầm quyền nói chung và trong chuyện Brexit nói riêng thì rồi đây đảng này còn thê thảm hơn so với trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vừa rồi.
Bà May và những đảng phái chính trị trong quốc hội Anh hiện tại đã xô đẩy nhau vào tình trạng tự nước Anh bây giờ không còn giải quyết nổi chuyện Brexit nữa rồi. Quốc hội Anh đã bác bỏ kịch bản Brexit mà không có thoả thuận nào với EU, cũng bác bỏ việc tổ chức cuộc trưng cầu dân ý mới ở Anh về Brexit và lại còn không chấp nhận kết quả đàm phán của chính phủ của bà May với EU về Brexit.
Như thế có nghĩa là quốc hội Anh muốn có thoả thuận mới với EU về Brexit, tức là đàm phán lại toàn bộ hay một phần nào đấy về Brexit. Như thế cũng còn có nghĩa là sau khi bà May ra đi, nước Anh chỉ còn có hai sự lựa chọn là trông chờ EU thay đổi quan điểm lâu nay và chấp nhận đàm phán lại để thoả thuận lại với EU về Brexit và tự thay đổi để có được thoả thuận với EU về Brexit, mà tự thay đổi ở đây chỉ có thể là tổng tuyển cử mới trước thời hạn để có quốc hội mới quyết định Brexit hay tổ chức cuộc trưng cầu dân ý mới về Brexit.
Tất cả những ứng cử viên kế nhiệm bà May đều không muốn, nếu như không muốn nói là đều hết sức tránh, cả hai sự lựa chọn nói trên bởi lo ngại là Đảng Bảo thủ còn thất thế hơn vậy nữa trong cuộc bầu cử quốc hội tới và cử tri Anh rất có thể sẽ không còn ủng hộ Brexit nữa nếu tổ chức trưng cầu dân ý lại.
Cựu Bộ trưởng ngoại giao Anh Boris Johnson hiện được coi là sáng giá nhất trong số các ứng cử viên kế nhiệm bà May. Người này vừa tung ra chiêu dùng việc phía Anh không hoàn tất nghĩa vụ tài chính với EU – mà bà May đã công nhận và chấp nhận – để gây áp lực buộc EU nhượng bộ nhiều hơn nữa cho Anh trong chuyện Brexit.
Ông Johnson dùng chiêu thái cực hoá quan điểm để tranh thủ sự ủng hộ trong đảng Bảo thủ, nhưng lại bộc lộ là bản thân bế tắc ý tưởng chính sách như thế nào.
Người dân trên đảo quốc này hiện mới chỉ biết là tới đây sẽ có thủ tướng mới chứ vẫn không biết Brexit rồi đây sẽ như thế nào. Họ không còn ủng hộ và tin tưởng bà May và muốn bà May ra đi, nhưng nhiều khả năng rồi đây họ tránh được vỏ dưa nhưng lại gặp và trượt vỏ dừa.
Tiêu đề do tòa soạn đặt lại