Theo quan điểm của luật sư Thơm, nếu cơ quan chức năng xác định nữ sinh V.A ném con khi cháu bé đã tử vong thì V.A sẽ đối diện với tội danh xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt.
Vụ việc nữ sinh Đinh Thị V.A (21 tuổi, trú tại Quảng Bình, hiện đang là sinh viên năm 4 trường Đại học Văn hoá) ném con sau khi sinh từ tầng 31 toà nhà HH2A khu chung cư Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai xuống đất tử vong đang gây xôn xao dư luận gần hai ngày qua.
Bước đầu tại cơ quan công an, V.A khai nhận, vào tối 18/10, sau khi sinh con, thấy cháu bé không khóc, thở nên cho vào túi bóng ném từ cửa thông gió nhà vệ sinh của căn phòng 31…2 tầng 31 toà nhà HH2A xuống đất.
Sau lời khai nhận của V.A, rất nhiều người bất bình trước hành động của nữ sinh này.
Bên cạnh đó, nhiều người cũng đặt ra câu hỏi về việc V.A phải đối diện với mức hình phạt nào của pháp luật.
Hiện trường vụ việc.
Để giải đáp thắc mắc trên, PV đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Anh Thơm – Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh đoàn Luật sư TP. Hà Nội.
Luật sư Thơm cho biết, hành động của nữ sinh V.A là rất đáng lên án gây bức xúc, bất bình trong dư luận.
Không chỉ thế, hành động này còn đi ngược lại với thuần phong mỹ tục tốt đẹp của người Việt Nam, vi phạm đạo đức nghiêm trọng.
Để có thể xử lý vụ việc một cách chính xác, nghiêm minh cơ quan công an cần phải làm rõ nguyên nhân cái chết của cháu bé.
Căn phòng V.A sinh con.
Đồng thời khám nghiệm tử thi để làm rõ cháu sơ sinh tử vong trước khi bị V.A ném xuống đất hay cháu bị ném từ trên tầng cao xuống mới tử vong. Bởi lời khai của V.A ban đầu mới chỉ là một phía và phải có kết luận từ phía cơ quan chức năng.
Luật sư Thơm nêu quan điểm, nếu cơ quan công an xác định cháu bé tử vong sau khi bị V.A ném xuống đất thì nữ sinh này sẽ phải đối diện với tội “Giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ” theo điều 124 Bộ Luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017). Mức hình phạt cao nhất mà nữ sinh này phải đối diện là 3 năm tù.
Còn trong trường hợp V.A vứt bỏ con khi cháu bé đã tử vong trước đó thì phạm tội Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt theo điều 319, Bộ luật hình sự 2015.
Với tội danh này, nữ sinh năm thứ 4 trường Đại học Văn hoá có thể bị phạt tù đến 2 năm hoặc cải tạo không giam giữ từ 3 tháng đến 2 năm.
Trường hợp phạm tội vì động cơ đê hèn hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, V.A có thể chịu mức án cao nhất lên đến 7 năm tù.
Trước đó, vào khoảng 20h ngày 18/10, tại lối đi cạnh tòa nhà HH2A và HH1C thuộc khu chung cư HH Linh Đàm (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội), người dân đã phát hiện một trẻ sơ sinh còn dây rốn có dấu hiệu bị ném từ trên cao xuống.
Qua xác minh, mẹ bé chính là người gây ra vụ việc. Người mẹ vứt con này tên thật Đinh Thị V.A. (21 tuổi, quê tại xã Yên Hòa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình), là sinh viên năm 4 Trường đại học văn hoá Hà Nội.
Tại cơ quan điều tra, V.A. đã thừa nhận hành vi của mình. Cô ta khai nhận đã tự sinh con trong nhà vệ sinh thuộc căn hộ của bạn trai ở tầng 31 của tòa nhà. Tuy nhiên sau khi sinh, V.A. phát hiện con đã tử vong nên quyết định vứt đứa bé qua cửa sổ.
Điều 319. Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt
1.Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
b) Chiếm đoạt hoặc hủy hoại vật có giá trị lịch sử, văn hóa;
c) Vì động cơ đê hèn;
d) Chiếm đoạt bộ phận thi thể, hài cốt.
Điều 124: Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ
1. Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm