Năm 2018, Phương Thảo đã đạt tổng số 98,13/100 điểm, vượt qua 261 thí sinh và trở thành người chiến thắng với số điểm cao nhất thế giới trong 71 nước dự thi. Đây là thành tích cao nhất của Việt Nam trong suốt hàng chục năm chinh chiến trên đấu trường Olympic Quốc tế.
Nguyễn Phương Thảo – sinh viên hệ cử nhân tài năng Sinh học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội vừa nhận học bổng toàn phần vào Viện công nghệ Massachuset (MIT) – Trường Đại học số 1 thế giới.
MIT là ngôi trường 7 năm liên tiếp dẫn đầu bảng xếp hạng các trường đại học tốt nhất thế giới (theo bảng xếp hạng uy tín QS) từ năm 2012.
MIT là một trong những trường có tiêu chuẩn tuyển chọn sinh viên khắt khe nhất. Trung bình chỉ khoảng 8% số người dự tuyển có cơ hội được học tập tại trường. Năm 2017, trường có 19.020 đơn xin nhập học nhưng chỉ 1.511 người được nhận.
Nguyễn Phương Thảo – sinh viên hệ cử nhân tài năng Sinh học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội
Trong năm 2017, Phương Thảo là thí sinh nhỏ tuổi nhất trong đoàn thi Olympic quốc tế các môn khoa học tự nhiên của Việt Nam và là cô gái duy nhất giành Huy chương Bạc Olympic Sinh học Quốc tế.
Năm 2018, Phương Thảo đã đạt tổng số 98,13/100 điểm, vượt qua 261 thí sinh và trở thành người chiến thắng với số điểm cao nhất thế giới trong 71 nước dự thi Olympic Sinh học Quốc tế. Đây là thành tích cao nhất của Việt Nam trong suốt hàng chục năm chinh chiến trên đấu trường Olympic Quốc tế.
Phương Thảo đã được Chủ tịch nước trao Huân chương Lao động hạng Ba và vừa được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vinh danh là một trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2018.
NGUYỄN PHƯƠNG THẢO
(2000)
- Học bổng toàn phần trường Đại học lớn nhất thế giới MIT
- Huy chương Vàng Olympic Sinh học Quốc tế năm 2018. Là thí sinh đạt điểm số cao nhất thế giới
- Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước
- Top 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2018
- Huy chương Bạc Olympic Sinh học Quốc tế năm 2017
- Thủ khoa đầu vào của lớp 10 chuyên Sinh Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên
- Giải Nhì học sinh giỏi Quốc gia môn Sinh học năm 2017
Trong bài luận apply: “cuộc sống trước đây ảnh hưởng tới bạn thế nào”, Phương Thảo đã chia sẻ về việc từ nhỏ được vào bệnh viện cùng mẹ, quan sát các bệnh nhân chống chọi với bệnh tật đã thôi thúc Thảo phải làm gì đó để giúp những người gặp vấn đề về sức khỏe có thêm niềm tin, niềm hy vọng.
Người có ảnh hưởng lớn nhất cuộc đời Thảo là bà nội, một người rất yêu thích môn Sinh học. Thời trước, bà không có điều kiện để tiếp tục theo đuổi giấc mơ học hành nên bây giờ Thảo sẽ thay bà hoàn thành giấc mơ ấy.
Bà Thảo là một người phụ nữ cực kỳ đặc biệt, bà từng tham gia chiến tranh với vai trò là y sĩ, Thảo coi bà như một nhà thực vật học thực thụ, chỉ cần nhìn qua là bà đã biết cây nào là cây thuốc, cây nào có độc, cây nào có tác dụng ra sao. Bà có một khu vườn nhỏ, mỗi tối cuối tuần được về nhà ngủ với bà, Thảo nằm nghe bà kể về tất tần tật những cây cỏ hoa lá trên đời, sáng dậy lại cùng bà đi chăm cây.
Không may một thời gian sau đó, bà của Thảo qua đời vì ung thư đại tràng. Và hai căn bệnh trong nhà mà Thảo nghĩ có thể là bệnh di truyền là tiểu đường và ung thư, trước đó, em trai của bà Thảo cũng mất vì căn bệnh ung thư đại tràng. Ngay từ lúc đó, Thảo nghĩ rằng mình cần tìm hiểu về nó, để hiểu về chúng và biết đâu sau này chính Thảo cũng mắc căn bệnh này nên việc nghiên cứu sâu sẽ giúp được cho cả gia đình và chính bản thân Thảo. Thảo còn khao khát tìm ra một hướng đi mới cho căn bệnh này để giúp đỡ nhiều người khác nữa.
“Mình sẽ theo đuổi ngành di truyền học ung thư để không còn ai bị cướp đi tính mạng như bà và ông trẻ mình nữa”, Thảo tâm sự.
Thảo và cô giáo của mình – cô Đỗ Thị Thu Huyền – chủ nhiệm môn Sinh học ở trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội
Bố em làm tài xế, mẹ là y tá, hoàn cảnh gia đình không quá khá giả nhưng bố mẹ luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất. Bố mẹ luôn dạy cho Thảo tư duy phải sống tiết kiệm, những buổi đi học mình phải học sao để lấy lại đủ kiến thức, xứng đáng với số tiền mình bỏ ra.
Thảo từng nói rằng: “Sống là phải chạy, người ta đi thì mình phải chạy mới thành công được, nhưng cũng có những khoảnh khắc mình phải biết dừng lại, ngẫm xem bản thân thích gì, làm tốt điều gì. Nếu ngày đó không mạnh dạn chọn môn Sinh, sẽ không có mình ngày hôm nay. Mình đã từng đắn đo rất nhiều là học vì thầy cô, bố mẹ hay học vì bản thân. Đến bây giờ, mình chưa từng một giây hối hận và sau này cũng sẽ không hối hận”.