Bà Đỗ Thị Chăm. Ảnh: Hoàng An.
Lãnh đạo huyện Mê Linh nói, một hiệu trưởng mà phát ngôn, hành xử thiếu chuẩn mực thì không xứng đáng làm hiệu trưởng.
Ngày 30/8, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND huyện Mê Linh (Hà Nội) đã có buổi gặp gỡ, trao đổi với PV thông tin liên quan đến vụ bà Đỗ Thị Chăm – Hiệu trường trường mầm non Tam Đồng bị phụ huynh tố có thái độ giao tiếp “không đúng chuẩn mực” khi vị này điện thoại thông báo, con bị gãy chân.
Ông Tuấn cho biết, huyện đã lập đoàn xác minh sự việc, nếu đúng bà Chăm phát ngôn với phụ huynh như báo chí phản ánh thì nữ hiệu trưởng này đã không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, không xứng đáng đứng đầu một cơ sở giáo dục.
Vị lãnh đạo huyện Mê Linh nói, sự việc cháu bé bị ngã gãy chân trong trường học xảy ra vào chiều 28/8 nhưng phải đến hơn một ngày sau, ông mới nhận được thông tin báo cáo của Phòng GD&ĐT.
Theo đó, cháu K. M. A. được xác nhận trong quá trình học tập, vui chơi bị ngã gãy xương đùi. Đại diện UBND huyện đã đến Bệnh viện Đa khoa Phúc Yên thăm hỏi, động viên cháu bé và gia đình.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND huyện Mê Linh.
“Bố cháu A. có trao đổi là gia đình chưa đồng tình với phát ngôn của hiệu trưởng. Chúng tôi cũng đã nắm được nội dung đó, kể cả tin nhắn hiệu trưởng nhắn cho phụ huynh. Về việc này, cô giáo Chăm là hiệu trưởng người đứng đầu một trường mà phát ngôn như vậy là không đúng đắn.
Vấn đề ưu tiên hàng đầu hiện nay là phối hợp chăm sóc sức khoẻ, ổn định tinh thần cho cháu bé và chia sẻ với gia đình. Quan điểm của huyện sẽ là làm việc với các bên liên quan để xác minh sự việc. Tuy nhiên, theo như phản ánh của phụ huynh tôi tin phản ánh đó là đúng. Vì không phải một mình anh Hùng bố cháu M.A. phản ánh mà còn có nhiều người chứng kiến sự việc.
Một người hiệu trưởng không thể phát ngôn như vậy. Hành xử như vậy là không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ của mình, không xứng đáng là một người hiệu trưởng”, ông Tuấn nói.
Về quá trình công tác của bà Chăm, Phó Chủ tịch huyện Mê Linh thông tin, trước năm 2014, bà này từng làm hiệu trưởng trường Mầm non Quang Minh B.
Nhưng quá trình công tác, bà Chăm đã có những vi phạm gây mất đoàn kết nội bộ nên bị kỷ luật, điều chuyển đi trường khác.
Ông Tuấn cho biết thêm, sau vụ việc này, huyện sẽ xem xét lại tư duy, nhận thức của những người quản lý trong môi trường giáo dục. Còn hình thức xử lý nữ hiệu trưởng này thế nào, phải căn cứ vào kết quả của đoàn làm việc.
Trước đó, ông Kiều Quang Hùng, phụ huynh cháu M.A. (SN 2017, học sinh trường Mầm non xã Tam Đồng, huyện Mê Linh, Hà Nội) vừa có đơn gửi đến Chủ tịch UBND huyện Mê Linh và Phòng Giáo dục huyện này với nội dung:
Chiều 28/8, cháu M.A. chơi trong sân trường Mầm non xã Tam Đồng thì bị đu quay gạt vào chân. Cháu còn bé, đau nên khóc lóc vật vã.
Tan học, gia đình đến đón, thấy con mặt tái mét, dù dỗ dành thể nào cũng vẫn khóc, không nín. Gia đình đưa bé đến Bệnh viện Đa khoa Phúc Yên (Vĩnh Phúc) để khám. Cùng đi, có cô giáo chủ nhiệm lớp của A.
Tại bệnh viện, sau khi chụp phim Xquang, các bác sĩ cho biết A. bị gãy xương đùi bên trái do va đập mạnh. Trước hết, cần nẹp sơ cứu, để ngày mai (29/8) tiến hành phẫu thuật cho cháu.
“Tôi thấy cần thông báo cho nhà trường biết sự việc nên đã gọi điện cho cô Đỗ Thị Chăm là Hiệu trưởng trường Mầm non Tam Đồng. Nghe tôi thông báo cháu bị gãy chân, cô Chăm nói với tôi qua điện thoại: ‘Sao anh lại gọi điện cho tôi mà không thông báo cho cô giáo chủ nhiệm lớp cháu?’. Tôi hỏi lại ‘vậy tôi gọi điện thông báo cho chị là sai à?’ thì chị Chăm đáp ‘Không sai. Không đúng. Nhưng mà hơi thừa’”, vị phụ huynh phản ánh.