“Nhà sản xuất đòi tôi đưa cô bé nữ diễn viên chính đi nhậu tiếp khách để mời đầu tư. Tôi chửi thẳng mặt ngay”, đạo diễn Duy Nguyễn kể.
Đạo diễn Duy Nguyễn không phải là cái tên được nhiều khán giả biết tới như Charlie Nguyễn hay Victor Vũ… nhưng trong giới, anh là một người rất có uy tín ở mọi đoàn phim.
Một phần vì sự nghiêm túc chỉnh chu trong lao động nghệ thuật của anh, một phần vì tính cách cương trực, dám đả phá cái xấu, mặt trái của nghề và bảo vệ những người thấp cổ bé họng trong đoàn khỏi sự áp bức, bóc lột của nhà sản xuất.
Với tính cách đó, dĩ nhiên, đạo diễn Duy Nguyễn sẵn sàng chia sẻ thẳng thật về những mảng tối gai góc trong nghề mà không sợ mất lòng ai. Bởi theo anh, không có người đứng giữa lằn ranh xấu – tốt. Cho dù anh không làm điều xấu nhưng ngay cả việc đả phá cái xấu cũng không dám làm thì anh đã không phải là người tốt rồi.
Nghỉ ngang khi nhà sản xuất đòi đưa nữ diễn viên chính đi tiếp khách
Vài năm gần đây có nhiều trường hợp diễn viên tố nhà sản xuất thiếu nợ, quỵt cát xê, làm ăn không đàng hoàng. Lăn lộn bao nhiêu năm trong nghề, từ góc nhìn của một đạo diễn, anh nghĩ gì về nghề làm phim của mình?
Tôi vừa đạo diễn phim “Thầy ơi, em có bầu” do công ty Thiên Phúc của Đức Thịnh – Thanh Thuý sản xuất. Phim chưa ra rạp nhưng các ê-kíp trong đoàn đã được thanh toán đầy đủ tiền lương. Từ quay phim trở xuống, nhà sản xuất không thiếu ai một đồng.
Trách nhiệm của tôi là đợi phim ra rạp xong mới nhận đủ phần mình nhưng tôi chấp nhận, chỉ cần nguyên ê-kíp trong đoàn không ai phàn nàn gì là được.
Đạo diễn Duy Nguyễn
Điều đó chứng tỏ nhà sản xuất làm việc rất nghiêm túc. Hiểu một cách đơn giản là họ làm ăn minh bạch. Và nguyên tắc của tôi là làm việc với nhà sản xuất nào cũng vậy, tài chính phải minh bạch, rõ ràng thì tôi mới làm.
Tuy nhiên không phải nhà sản xuất nào cũng được như vậy. Trong số 10 nhà sản xuất phim hiện nay, có khoảng 3,4 nhà sản xuất làm ăn kiểu bất chấp. Phim thắng, họ trả đủ. Phim thua lỗ thì nhà sản xuất xù luôn tiền mồ hôi công sức của mọi người. Họ có tư tưởng biến diễn viên, anh ê-kíp trong đoàn thành nhà đầu tư với mình hoặc làm cu li cho họ.
Anh có thể nói rõ hơn về hiện tượng này và khi gặp thì anh xử lý thế nào?
Tôi không chấp nhận kiểu làm phim bất chấp như vậy. Không thể làm phim xong ai cũng đói, gia đình tan rã, hoặc công sức lao động không được trả xứng đáng.
Vài năm trước, tôi bỏ ngang phim do H.S.L sản xuất. Phim 40 tập, tôi đã làm được 13 tập, nhưng nhà sản xuất không trả tiền cho diễn viên và ê-kíp quay. Không có tiền, nhà sản xuất đòi tôi đưa cô bé nữ diễn viên chính đi nhậu tiếp khách để mời đầu tư. Tôi từ chối ngay. Anh ta kêu người khác đưa cô bé đó đi nhưng dĩ nhiên là diễn viên từ chối.
Sau đó, nhà sản xuất đòi đuổi cô bé diễn viên chính. Thấy cách làm việc không đàng hoàng, tôi chửi thẳng mặt và nghỉ ngay. Cho tới bây giờ tôi vẫn thấy đó là quyết định đúng đắn.
Sau đó, nhà sản xuất này đi khắp nơi nói xấu tôi nhưng tôi không quan tâm. Cho tới một ngày, nhà sản xuất này bị chính Huy Khánh và Thanh Bình (chồng diễn viên Ngọc Lan) “xử” vì giật cát xê của họ. Vụ việc từng nổi như cồn trên báo chí năm 2015.
Kiểu làm phim của của họ là bất chấp, xù được ai thì xù. Nhà sản xuất nắm được tâm lý ngại ồn ào, ngại đụng chạm, sợ phiền toái của diễn viên và những người trong nghề. Họ dễ chấp nhận thua thiệt và thường im lặng ngậm bồ hòn làm ngọt nên nhà sản xuất xem họ như công cụ kiếm tiền của mình, tha hồ bóp cổ.
Hiện nay, rất nhiều nhà sản xuất chơi chiêu trò này. Nhưng tôi tin làm phim kiểu đó không tồn tại lâu dài. Sớm muộn cũng bị đánh bật ra khỏi ngành.
Đạo diễn Duy Nguyễn trên phim trường
Đừng làm phim kiểu bất chấp
Gần đây, nghe anh em trong nghề bàn tán rôm rả về chuyện nhà sản xuất phim điện ảnh Bình tĩnh mà yêu đang thiếu nợ diễn viên. Nghe nói rất nhiều anh chị em diễn viên, thậm chí cả đạo diễn cũng chưa lấy được đồng nào. Chuyện này anh có biết không?
Bộ phim này, bạn gái tôi cũng tham gia một vai phụ. Hiện tại, cô ấy cũng chưa lấy được đồng nào. Phim này do N.U sản xuất, có cả Huy Khánh và Phi Ngọc Ánh đóng. Vụ việc banh chành hết rồi.
Cách đây vài ngày, tôi đăng stastus vụ công ty H.C thiếu nợ diễn viên và cả vụ việc với nhà sản xuất H.S.L thì cậu này nhắn tin cho tôi, năn nỉ đừng đưa chuyện của cậu ta lên.
Cậu ta từng là người tôi đào tạo làm nghề, nhưng tôi dạy nghề chứ không dạy kiểu làm ăn bất chấp như vậy.
Cậu ta giờ đã bán phim cho đơn vị khác với giá 7 tỉ đồng theo dạng “bán lúa non”. Số tiền người ta đầu tư ban đầu hơn 1 tỉ cậu ta cũng không trả cho diễn viên đồng nào. Cứ mỗi lần diễn viên, anh em ê-kíp trong đoàn gọi điện thì anh ta trốn, không nghe máy.
Hồi Bảo Anh chưa thi The Voice, chính tôi đưa Bảo Anh đi làm phim. Hôm đó, cả ê-kíp về quán cháo của mẹ Bảo Anh ăn. Tôi giới thiệu với mẹ Bảo Anh rằng N.U là đệ tử ruột, em út trong nhà.
3 ngày sau, tôi đi Hà Nội quay, cậu ta tới nhà của mẹ Bảo Anh vay 3 triệu rưỡi, dù mới biết người ta. Tôi điện cho mấy cậu đàn em trong nghề chạy qua nhà bảo “mày không trả tiền cho mẹ Bảo Anh ngay là ông Duy từ mặt”.
Vậy là cậu ta mới đem tiền qua trả. Sau lần đó là tôi biết con người cậu ta thế nào. Tôi chủ động né, không thân thiết nữa.
Không nổi tiếng với nhiều khán giả nhưng trong nghề, Duy Nguyễn là đạo diễn uy tín và…
Quay lại chuyện làm phim bất chấp. Hiện nay một số người có kiểu tư duy cứ làm đi, không có tiền thì nợ, phim thắng thì trả, thua lỗ thì xù luôn.
Một số nhà sản xuất rất lưu manh. Họ ngại diễn viên ngôi sao lên tiếng tố nên thanh toán đầy đủ cho những người này, còn những người chưa nổi tiếng, những con người thấp cổ bé họng trong đoàn thì bị xù, bị lơ… vô thời hạn.
Hiện có một phim mà tôi chưa tiện nêu tên. Phim quay ở Đà Nẵng, thuê một gia đình chuyên làm thiết kế ngoài đó làm. Tiền công của người ta hơn 300 triệu, mới thanh toán 30%, còn 200 triệu, khi đoàn rút về Sài Gòn thì trốn họ luôn.
Tôi đi quay nhiều nên anh em thiết kế ở Đà Nẵng biết tôi. Họ gọi điện cho tôi hỏi địa chỉ nhà sản xuất kia. Bởi hiện tại, họ gọi điện thì công ty không ai nghe máy. Tất cả đều trốn tránh.
Một bác ở quận 8 chuyên cho nhà sản xuất thuê xe cũng đang bị một đơn vị sản xuất nợ mấy trăm triệu. Nhà sản xuất định trốn nợ sang Mỹ. Bác đó bảo “mày có trả tiền không hay để lúc mày đi Mỹ, tao ra sân bay ôm bánh máy bay lôi mày lại”. Nhà sản xuất này cũng nổi tiếng lắm.
Người ta gọi thì tắt máy, đổi số điện thoại. Họ truy được số mới thì né tiếp. Dời nhà, chuyển cả công ty để trốn nợ. Cách làm việc như vậy khiến mọi người bị mất niềm tin vào nghề làm phim.
rất được lòng anh em làm phim.
Đạo diễn hèn thì không thể bảo vệ cho ê-kíp của mình
Như anh vừa nói, một số diễn viên ngôi sao tuy biết nhà sản xuất làm bậy với nhiều diễn viên trong ê-kíp nhưng không lên tiếng chỉ vì họ đã được trả đủ cát xê. Họ nghĩ đã “xong” phần mình rồi, nghe mọi người than thở thì ậm ừ thông cảm rồi thôi. Anh nghĩ thế nào về cách hành xử này?
Chuyện này tồn tại bao lâu nay rồi. Nhà sản xuất sợ áp lực từ diễn viên ngôi sao nên phải trả cho đủ để tránh phiền phức. Còn những thành phần “thấp cổ bé họng” trong đoàn phim thì sao?
Ví dụ như gia đình làm hiện trường thiết kế ở Đà Nẵng kia, khi đoàn phim rút hết về Sài Gòn, họ biết tìm ai để đòi nợ khi nhà sản xuất không ai nghe điện thoại. Họ cũng không biết địa chỉ công ty ở đâu.
Cùng đường, họ chỉ còn biết nhờ tới những công ty chuyên đi thu hồi nợ để gỡ gạc chút tiền mồ hôi nước mắt. Nhà sản xuất thì nói chuyện tiền tỉ nhưng với những người đó, một hai trăm triệu là con số lớn lắm.
Ở cuộc sống này, chỉ có người tốt hoặc người xấu, đừng tìm cách đứng giữa lằn ranh ấy. Bạn biết việc xấu mà bạn không lên tiếng đả phá thì bạn đã xấu rồi. Bạn thấy người ta bị ức hiếp, bóc lột, bạn có thể bảo vệ họ mà lại im lặng thì bạn có phải người tốt không?
Ngay như đạo diễn cũng thế. Đạo diễn là người đầu tàu của một đoàn phim mà không có tiếng nói, không dám bảo vệ ê-kíp anh em bên dưới mình thì đương nhiên nhà sản xuất sẽ bóp cổ người lao động.
Tôi không nổi như Charlie Nguyễn hay Victor Vũ nhưng tôi là người làm nghề nghiêm túc và rất công bằng với anh em trong đoàn phim.
Bởi cách làm việc chuyên nghiệp
Lúc tôi quay “Thầy ơi, em có bầu”, đang làm, nhà sản xuất có gì đó không hài lòng với tổ thiết kế, đòi đuổi để kêu người mới. Tôi nói ngay “nhóm thiết kế là người tôi kêu vào làm. Anh đuổi họ là tôi nghỉ. Muốn gì thì phải ngồi họp với nhau, không phải muốn đuổi là đuổi”. Họp xong, nhà sản xuất mới biết mình hiểu lầm rồi xin lỗi.
Thế nhưng cũng có những đạo diễn, bị nhà sản xuất chửi như chửi con, thậm chí đòi đuổi mà vẫn cắm mặt vào làm thì dĩ nhiên, nhà sản xuất làm sao tôn trọng e-kíp ở dưới. Đối với nhà sản xuất, những người đó chỉ là cu li.
Một số đạo diễn phủ phục nhà sản xuất, vì ham hố làm để ra tác phẩm của mình, lấy tên đi nhận dự án khác mà bất chấp nhà sản xuất cư xử tệ với anh em là không được.
Đả phá tư duy “thượng đội hạ đạp”
Bởi vậy, nhiều người trong nghề vẫn nói, thế giới showbiz là thượng đội hạ đạp?
Đúng vậy nhưng về mặt nhân quyền đó là sai. Diễn viên ngôi sao hay diễn viên quần chúng thì đều là người lao động, chỉ vì cái danh showbiz ảo mà đi phân cấp con người là không đúng, không nên.
Riêng tôi, gặp diễn viên ngôi sao ép mọi người trong đoàn phải theo mình là tôi chửi ngay.
Tôi từng làm việc với Trấn Thành và Minh Hằng. Vừa quay cảnh đầu tiên là tôi nói ngay với Trấn Thành: “Em bận thì người ta cũng bận. Anh đi làm kiếm tiền, em cũng đi làm kiếm tiền nên không có trò ngôi sao nha Thành”. Trấn Thành cười hì hì quay với tôi cả ngày tới 3 giờ sáng vẫn cười vui vẻ, ôm tôi bình thường.
Tôi không bao giờ có chuyện tôn trọng diễn viên nổi tiếng một cách quá đáng mà đối xử không ra gì với ê-kíp làm với mình.
Cùng làm nghề chung với nhau, mắc chứng gì tôi mà phải tôn trọng diễn viên ngôi sao quá đáng. Cùng lắm là tôn trọng nhau vì giỏi nghề, có tiếng nhưng nếu làm việc chuyên nghiệp thì tôi sẽ càng thương và nể hơn. Còn kiểu coi thường người khác là tôi không nể, tôi chửi thẳng.
Và tính cách bộc trực.
Thế nhưng trong showbiz, dù muốn hay không thì chuyện phân chia giai cấp cũng rất rõ ràng?
Đúng. Nó rõ tới mức một số đạo diễn và DOP (đạo diễn hình ảnh) tự phong cho mình cái quyền vua ở phim trường. Nhưng tôi thì khác, tôi đả phá cái nếp nghĩ đó. Tôi tin rằng cách hành xử của tôi, ít đạo diễn nào làm được.
Tôi đi làm, nhà sản xuất đưa menu riêng là tôi từ chối. Tôi ăn chung với anh em. Anh em ăn cái gì tôi ăn cái đó. Đạo diễn hay DOP thì cũng là con người mà. Con người thì bình đẳng chứ sao phân chia đẳng cấp.
Tôi ghét nhất đi đoàn phim mà nhà sản xuất ghi: nước của đạo diễn, nước của diễn viên. Thấy tờ giấy ghi thế là tôi xé ngay và nói “nếu em không đủ tiền thì để anh đưa tiền mua thêm chứ đừng phân chia như vậy”.
Bởi thế nên khi tôi bước xuống đoàn phim, anh em ê-kíp thích lắm. Khi làm việc, mình khó về chuyên môn thì anh em mới nể. Còn đã ra phim trường, đều là người lao động như nhau hết. Ai cũng đi làm kiếm tiền.
Có thể đạo diễn được ngồi ghế êm hơn, có quạt mát hơn để tập trung đầu óc cho sáng tạo nghệ thuật nhưng không có quyền la lối, chửi bới, sỉ nhục người khác.
Cảm ơn anh đã chia sẻ!