Hai năm chứng kiến con cứ nằm một chỗ và nghe mà không có phản ứng gì với những lời nói của mình, ông Diệt vẫn tin chắc chắn con hiểu được.
Căn bệnh bất ngờ của cậu học trò
Bùi Ngọc Thạch (sinh năm 2014) là bệnh nhân được cả BV Đa khoa Hòa Bình biết đến. Thậm chí đến cả những người bán hàng rong ở ngoài cổng cũng biết tới cậu bé bị viêm não Nhật Bản có thâm niên nằm viện lâu nhất tại khoa Hồi sức tích cực.
Sau hai năm, Thạch đã nở nụ cười đầu tiên khi bác sĩ gọi “Thạch ơi, Thạch ơi, nhìn xem này có giống cô giáo con không?”. Nụ cười bạc tỷ đó đã đánh dấu suốt 2 năm qua bằng biết bao nỗ lực của gia đình Thạch cùng các y bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Nhớ lại như in những ngày đầu con chỉ kêu đau đầu. Vợ chồng ông Diệt (bố Thạch) cũng không chú ý vì nghĩ rằng do con mải chơi. Ngày đó vào dịp trung thu năm 2017 (tháng 10/2017) Thạch đi học về vẫn kêu đau đầu.
Thấy con sốt lên 38 độ 7, vợ chồng ông Diệt bảo nhau chườm mát và hạ sốt cho con nhưng không có tác dụng. Bé Thạch được đưa lên Bệnh viện huyện theo đúng tuyến. Tại đây, Thạch có dấu hiệu co giật, đập chân tay vào thành giường và sốt cao liên tục.
Ông Diệt kể về hành trình ngày tháng chữa bệnh cho con.
Bác sĩ bệnh viện tuyến dưới nghi ngờ viêm màng não chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Các xét nghiệm ở bệnh viện đa khoa tỉnh cũng cho kết quả tương tự nên bé Thạch được nhanh chóng chuyển xuống Bệnh viện Nhi Trung ương.
Ông Diệt nhớ đó là ngày chủ nhật, 11h trưa Thạch mới vào tới bệnh viện. Các bác sĩ nhanh chóng làm các chiếu chụp và xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán Thạch bị viêm não do vi rút viêm não Nhật Bản. Em nhanh chóng rơi vào tình trạng nặng phải thở máy, hồi sức tích cực.
Thạch được đưa lên điều trị tại tầng 3, khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi trung ương và nơi đây em đã nằm điều trị suốt 6 tháng ròng rã.
Mỗi ngày nghe tin con đều là tin xấu. Thạch phải mở khí quản. Lần mở đầu tiên thất bại, ông Diệt được nhân viên y tế gọi vào thông báo phải làm cam kết. Giám đốc Bệnh viện cũng nói rằng, trường hợp của cháu rất xấu, gia đình phải chuẩn bị tinh thần.
Cậu bé Thạch lúc học lớp 8.
Ông Diệt kể không khí trong nhà như vỡ trận chỉ còn tiếng khóc, làng xóm tới hỏi thăm. Có người khuyên ông nếu cháu nặng quá thì cho về nhà. Là người cha, ông Diệt bảo không bao giờ cho phép mình bỏ cuộc. Ông một mình ở Bệnh viện Nhi chăm con và thường thông báo tình hình về nhà cho gia đình. Ông còn không dám gọi điện cho vợ vì sợ vợ không chịu nổi.
Ông Diệt kể, nhìn máu ở khí quản (khu vực mở nội khí quản) tuôn ra, ông nghĩ rằng con mình chẳng thể sống nổi nữa rồi. Cứ nghĩ tình cha con chấm dứt ở đây trái tim người cha như bị bóp nghẹt.
Trong giây phút đó, sự sống chỉ còn 10% ông vẫn ký vào cam kết. Các bác sĩ lại tiếp tục mở lại nội khí quản cho Thạch. Lần này, nhìn tấm ga trải giường con nằm đỏ sẫm màu máu, máu đông vón lại lòng người cha thắt từng khúc.
6 tháng ở Bệnh viện Nhi Trung ương, người cha này không dám thuê phòng trọ. Ông cho rằng thuê phòng trọ xa quá nếu bác sĩ gọi thì không chạy vào kịp. Ông cứ tranh thủ ngả lưng ra chỗ nào cùng được. Buổi tối, ông ôm cái gối cùng manh chiếu ra khu vực nhà cũ ngoài sảnh nằm nhờ. Ban ngày, ông chỉ quanh quẩn ở khu vực phòng ICU. Điều ông sợ nhất là tin xấu.
TS Tình hỏi Thạch mắt em đã mở to và nhìn theo bác sĩ, Thạch bắt đầu cười nhiều hơn.
Thạch cứ nằm đó thở máy, ăn bằng truyền dịch. Ánh mắt em vô hồn. Bác sĩ thông báo em bị di chứng của viêm não Nhật Bản, não bị tổn thương rất lớn.
Con cứ nằm viện, ngày ngày vẫn không tiến triển, ông Diệt kể có người họ hàng cũng góp ý ông nên đưa con về để bé được ra đi. Nhưng với vợ chồng ông dù vay nợ, dù cuộc đời còn lại ở bệnh viện cùng con ông cũng cam lòng. Thế rồi vợ ông ở nhà xoay chạy tiền gửi xuống Hà Nội, trong nhà có chút tài sản gì cũng bán để gửi xuống Hà Nội cho chồng chăm con.
Con trai cả của ông Diệt cũng 30 tuổi nên giúp bố mẹ kiếm tiền cứu em trai. Mỗi lần đến thăm em chẳng vào nhìn được em vì nước mắt chảy lã chã. Ông Diệt được coi là người mạnh mẽ nhất nhà nhưng có lúc cũng nước mắt lăn dài vì lo lắng.
Khi được 6 tháng, bác sĩ tư vấn nên đưa Thạch về tuyến dưới. Việc điều trị cho em cần rất nhiều thời gian. Thạch phải được chăm sóc và phục hồi chức năng. Ông Diệt đưa con về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Tại đây, Thạch được đưa vào khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện. Căn phòng đó gắn chặt với em suốt từ tháng 3/2018 tới nay.
Cuốn nhật ký của người cha ở bệnh viện đó là những khoản tiền được hỗ trợ và những khoảnh khắc bệnh tình của Thạch nặng diễn tiến như thế nào.
Khi về Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tình trạng của Thạch vẫn rất xấu. Em vẫn bất động, thần kinh trung ương bị tổn thương không thể điều khiển được vận động, ánh mắt vô hồn, các ngón tay nắm chặt.
Ông Diệt kể, về đây cũng bao phen sóng gió. Có lần, hút đờm cho Thạch không hiểu vì sao con lại tự cắn vào lưỡi mình. Máu chảy không cầm nổi và ông Diệt đã nghĩ con không ở với mình nữa. Bệnh viện phải huy động các bác sĩ từ Khoa Răng Hàm Mặt sang hỗ trợ.
Nụ cười bạc tỷ
Cứ như thế, thời gian đưa nhanh đến nỗi ông chẳng còn nhớ nổi ngày tháng nào. Có lúc giật mình con mình đã nằm viện cả năm rồi đến giờ đã 2 năm. Hai năm chứng kiến có lúc cả tháng con không có gì thay đổi, 2 năm chứng kiến con cứ nằm một chỗ và nghe những lời nói từ cha mình. Ông tin, con không phản ứng nhưng chắc chắn con biết.
Nhìn con đang hồi phục từng ngày, ông Diệt đã không còn thấy mệt mỏi, thời gian dài đằng đẵng đã qua người cha bỏ lại phía sau để hi vọng con sẽ trở lại bình thường
Có lúc Thạch ngủ, mở mắt ra không thấy cha đâu, hai khóe mắt em lại có nước mắt chảy dài. Thấu hiểu điều đó, ông Diệt cố gắng không rời xa con. Đợi con ngủ ông lại khẽ khàng đi ra ngoài nằm ở hành lang bệnh viện.
Thạch nằm viện quá lâu tới mức bà bán cơm, bác bán cháo cũng biết hoàn cảnh. Mỗi ngày ông Thạch lau người cho con 3 lần, trở mình để không bị loét thịt do tì đè.
Những lúc khác ông ngồi cạnh cứ rủ rỉ nói chuyện với con, kể cho con nghe về gia đình, về mẹ, về chị gái, về anh trai và em trai. Cô giáo, các bạn, những trận bóng đã do nhà trường, thôn xóm tổ chức… ông kể hết cho con. Ông bảo Thạch biết hết vì em yêu bóng đã và bóng chuyền lắm.
2 tháng nay, sức khỏe của Thạch tiến triển nhiều. Em phản ứng được với những gì xung quanh. Nếu hỏi em biết là em chớp mắt, hai chân đã có thể nhấc lên. Các ngón tay cũng khẽ động đậy. Đó là những khoảnh khắc khiến tim người cha vỡ oà.
Từ ngày thứ 6 tuần trước, nụ cười của Thạch xuất hiện trở lại. Mọi người trong khoa Hồi sức tích cực đều vui mừng, gia đình em ai cũng thấy tim râm ran sung sướng. Sự sống của em đã tiến triển nhanh hơn.
Mẹ và em trai vào thăm, hỏi cậu bé là cậu cười, ánh mắt vui sướng. Bạn bè tới thăm, Thạch biết dùng ánh mắt níu chân bạn. Khi cha đặt điện thoại bên tai hay cho Thạch xem trận bóng đá là cậu bé cũng sôi nổi hẳn.
So với thời điểm 1, 5 năm về trước ánh mắt em vô hồn đờ đẫn thì nay ánh mắt em thay đổi với gia đình và bác sĩ là cả một điều kỳ diệu.
Cuốn sổ nhật ký của người cha ở viện
Hai năm nằm viện, hành trang theo suốt người cha này đó là cuốn sổ tay nhỏ xíu. Cuốn sổ ông Diệt ghi lại những tháng ngày của con như cuốn nhật ký bệnh viện.
Từ tiền viện phí đóng tới bát cháo miễn phí, từ số tiền được các mạnh thường quân giúp đỡ tới những cái bỉm, hộp sữa được tặng. Ông Diệt ghi lại hết. Cuốn sổ đã hết những trang giấy trắng và cậu con trai đã hồi tỉnh kỳ diệu.
Nét chữ của người cha được lưu lại từng ngày
Ông Diệt kể ông ghi lại vì muốn sau này con tỉnh lại ông sẽ cho con đọc lại nó, con nằm viện được sự giúp đỡ của những bạn bè, người thân của các bác sĩ hay những người dưng nhưng họ thương cho hoàn cảnh của em. Con được cứu không chỉ có cha mẹ mà cả những người khác cùng hỗ trợ.
Ngoài ra, ông Diệt kể cứ đến tối khi con ngủ, ông lại cầm cái bút không biết viết gì cho con nên đành ghi chép lại cho đỡ buồn.
TS BS Hoàng Công Tình – Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết, với trường hợp của cháu Thạch là ca thành công. Trước nay khoa cũng có nhiều bệnh nhân bị viêm não Nhật Bản di chứng đưa về nhưng sau đó bệnh nhân đều tử vong. Chỉ riêng cháu Thạch là tiến triển chậm nhưng có đánh giá phục hồi.
Bác sĩ Tình cho biết với những bệnh nhân như Thạch khi nằm thở máy thì nguy cơ không phải từ di chứng mà nhiễm khuẩn bệnh viện cũng rất lớn. Cháu có thể viêm phổi do thở máy, loét da do tì đè vì bé nằm quá nhiều. Nhưng may mắn, Thạch được gia đình và nhân viên y tế chăm sóc rất chu đáo nên đến hiện tại cháu chưa bị một vết loét nào, phổi cũng không bị ảnh hưởng nhiều, đây là điều cực kỳ may mắn.
Hiện tại, Thạch tiếp tục được điều trị, thở máy và phục hồi chức năng. Bác sĩ Tình tâm sự gia đình của Thạch thực sự quyết tâm. Có lúc bác sĩ cũng “nản” nhưng thấy cha của em khí thế cứu con không 1 phút nào ngơi thậm chí chỉ còn 1% họ cũng đi đến cùng.
Gia đình Thạch được BHYT thanh toán 100 % nên chi phí viện phí cũng đỡ hơn. Gia đình chỉ thêm chút tiền đi lại, chăm nom em. Hai năm qua bố của em là trụ cột gia đình đã bỏ công việc cùng con ở bệnh viện. Hoàn cảnh cũng khó khăn nên Thạch cũng được nhiều người giúp đỡ.