Quảng cáo Facebook đã thực sự trở thành một công cụ nói xấu và lăng mạ một chiều, bị nhiều kẻ rắp tâm lợi dụng không ngần ngại.
Những ngày gần đây, toàn bộ dư luận nói chung cũng như cộng đồng Internet nói riêng đang thực sự ngỡ ngàng với đoạn clip về một người phụ nữ lớn tiếng quát tháo, lăng mạ nhân viên hàng không ngay tại quầy check-in ở sân bay. Được biết, nguyên nhân ban đầu liên quan tới việc quá cân hành lý. Tuy nhiên, nếu thái độ gay gắt của người phụ nữ tên Hiền trong clip đã đủ để gây rất nhiều sự chú ý, thì một trong những câu nói theo sau cũng tiếp tục khiến nhiều người phải giật mình không kém:
“Thái độ của tao thế đấy, tao năn nỉ mày mày không cho nên bố mày phải nói như thế đấy. Cái loại mày ra ngoài đường người ta vả vào mặt mày. Một ngày tao phải chạy 5 triệu tiền Facebook cho con này ế chồng!”
Chạy quảng cáo để nói xấu, bôi nhọ: Hành vi không xa lạ trên Facebook
Facebook hoạt động dưới danh nghĩa một mạng xã hội miễn phí khi không bắt người dùng trả tiền để tham gia sử dụng. Dẫu vậy, họ sẽ duy trì dịch vụ của mình nhờ việc khai thác thông tin thói quen và sở thích người dùng để chạy quảng cáo. Lợi nhuận của Facebook chủ yếu đến từ chính hình thức hợp tác quảng cáo hoặc marketing trung gian này, được đăng ký từ chủ tài khoản hoặc đối tác có nhu cầu giới thiệu sản phẩm.
Bất kỳ ai sở hữu một tài khoản Facebook bình thường và hợp lệ đều được phép chạy quảng cáo tuỳ ý. Vậy chuyện gì sẽ xảy ra nếu “sản phẩm” được quảng cáo là danh tính, hình ảnh đích thân người khác bị bêu riếu và bôi nhọ?
Đáng buồn thay, câu trả lời sẽ không có quá nhiều kịch bản đa dạng: Miễn là họ đáp ứng đủ những điều kiện cơ bản của Facebook như làm chủ một Page Facebook, có thẻ tín dụng liên kết để trả phí gia hạn, không vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng chung như đăng kèm quảng cáo ảnh phản cảm, khiêu dâm… Facebook sẽ chấp nhận chạy quảng cáo chỉ trong chốc lát.
Các luồng tin quảng cáo trên Facebook có thể được dùng để lăng mạ người khác dễ dàng, không có quy định ngăn cấm nghiêm ngặt.
Với khả năng chi trả thấp nhưng chọn được phạm vi quảng cáo lan truyền rộng đi kèm nội dung và lời lẽ giật gân tố cáo chuyện gì đó, chắc chắn hàng trăm nghìn người sẽ dễ dàng chú ý và chia sẻ xa hơn. Kể cả khi chưa ai biết đúng sai thế nào, người bị nhắm đến vẫn là bên thiệt hơn vì bị bêu riếu thông tin và hình ảnh cá nhân, suy giảm uy tín, vì tất nhiên chủ bài đăng sẽ nói tốt về mình bằng đủ mọi lý lẽ.
Cách thức này dễ dàng và gây ảnh hưởng nặng nề hơn hẳn việc đăng status thông thường, bởi tài khoản cá nhân khó có thể tiếp cận được nhiều người dùng như việc chạy quảng cáo. Trong khi đó, chạy quảng cáo có thể khoanh vùng trước khu vực nào dành cho người dùng sống gần đó, chọn thêm sở thích cá nhân liên quan để càng nhiều người liên quan như gia đình, bạn bè, hàng xóm biết càng tốt. Từ đó, cuộc sống cá nhân của mục tiêu bị hại sẽ dần đảo lộn vì thông tin tiêu cực này.
Trung bình, chỉ cần trả khoảng 20.000-50.000 đồng/ngày là tin quảng cáo có thể tiếp cận tới 2000 người. Nếu mức ngân sách bà Hiền doạ lên tới 5 triệu, lượng người thấy được có thể tương đương cả một quận với quy mô vài trăm nghìn người, chưa kể còn các công cụ giúp tối ưu khác để tăng lượng tiếp cận.
Mọi chỉnh sửa như khu vực, độ tuổi, sở thích của người dùng cần tiếp cận đều có thể được chọn dễ dàng. Mức ngân sách 2 USD (khoảng 50.000 đồng) đã tiếp cận được lượng người dùng dự kiến 1.000-3.000.
Trong trường hợp phát hiện mình là người bị chỉ mặt điểm tên trong post quảng cáo nói xấu, người bị hại gần như không có cách nào chủ động thay đổi được diễn biến hiện tại kể cả khi đó là thông tin sai lệch và công kích có chủ ý. Nếu báo cáo (report) nội dung lên Facebook, số lượng report phải đạt đến con số cao mới có thể gây tác động. Còn lại, một là tìm được đích thân người đăng giải quyết nội bộ, hai là im lặng cam chịu chứ không thể làm gì hơn. Đây thực sự là một bài toán đau đầu không chỉ dành cho chính Facebook và quy trình xử lý của họ mà còn cho cả những người dùng đang nằm trong vòng rủi ro bị doạ nạt lăng mạ, nói xấu một cách “quy mô” như vậy bất cứ lúc nào.