“Một người khác cũng diễn như vậy nhưng tệ hơn tôi, lại còn ăn cắp ý tưởng, nhưng vào game show diễn nên giám khảo ngồi dưới khen nức nở” – NSƯT Thành Lộc chia sẻ.
Mới đây, tại chương trình Share your secret, nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc đã nói thẳng về vấn đề game show truyền hình hiện nay.
Showbiz là một cuộc chơi, đã vào cuộc chơi thì phải chấp nhận luật chơi
Bị khán giả quên lãng và nói hết thời tôi có buồn nhưng không sợ vì đó là quy luật tất yếu rồi.
Nghệ thuật là một cuộc chơi và phải có lề luật của nó. Ai chơi đúng luật thì tồn tại lâu, ai sai luật thì bị đào thải sớm. Đây là quy luật tất yếu thôi.
Nghề trình diễn này đòi hỏi con người ta phải có thanh sắc, vẹn toàn. Nói đến thanh sắc là phải có thanh xuân. Tôi tính tuổi sung sức nhất của một diễn viên là ở độ tuổi 40. Lúc đó họ tỏa sáng cao nhất.
Ai chơi đúng luật chơi thì sẽ tỏa sáng thêm 20 năm nữa rồi tàn đi. Showbiz là một cuộc chơi, đã vào cuộc chơi thì phải chấp nhận luật chơi thôi.
Vài người lên làm chuyện hết sức vô duyên, chọc cười một nghệ sĩ lớn nào đó rồi được mấy chục triệu
Chuyện giữ lửa với nghề là phải cố gắng mà giữ. Xung quanh tôi có nhiều tác động từ bên ngoài, làm tôi nản chí.
Nói đơn giản, khi bước ra sân khấu, tôi đổ mồ hôi mẹ mồ hôi con, sôi cả máu cả nước mắt để diễn được một đoạn diễn xuất thần, lấy được nhiều tràng pháo tay của khán giả. Nhưng cả khán phòng đó cũng chỉ có đến vài trăm người xem.
Rồi một người khác cũng diễn như vậy nhưng tệ hơn tôi, lại còn ăn cắp ý tưởng, nhưng vào game show diễn nên giám khảo ngồi dưới khen nức nở: “Em diễn tuyệt vời quá, làm tôi nổi da gà”.
Khán giả đến trường quay xem thì được trả tiền để xem và vỗ tay. Sau đó đoạn diễn ấy lại được tới cả chục triệu lượt xem.
Điều này khiến tôi chạnh lòng, khi mình đổ mồ hôi mẹ mồ hôi con thì không ai biết tới.
Trong cuộc đời đâu có công bằng, luôn có những sự bất công như vậy.
Tôi xem những talk show trên truyền hình. Có những người là tiến sĩ, giáo sư, học thuật rất cao đến để truyền đạt kiến thức cả cuộc đời họ, nhưng chẳng ai mở ti vi lên xem mấy cái đó.
Tôi biết, với những chương trình như thế, thù lao trả cho những người đó, cho mấy chục năm nghiên cứu của họ chỉ vài trăm ngàn thôi.
Nhưng ở game show, một vài người lên làm vài chuyện hết sức vô duyên, lấy cái vô duyên đó ra chọc cười một nghệ sĩ lớn nào đó rồi được mấy chục triệu.
Điều này rõ ràng là nghịch lí rất lớn của cuộc đời, khiến tôi tổn thương. Nhưng cái này là tự tôi làm tổn thương tôi, tự tôi đi đau lòng hộ người khác thôi, chứ cũng chẳng ai làm tổn thương.
Khi diễn xong, nhiều người còn đợi tôi ra để bắt tay tôi cảm ơn
Cái giúp tôi còn giữ được lửa nghề là những đồng nghiệp xung quanh tôi. Xung quanh tôi vẫn có những người cùng đồng cam cộng khổ với tôi. Rồi chính khán giả, công chúng cũng truyền cảm hứng cho tôi.
Khán giả vẫn chăm chú ngồi xem tôi diễn. Khi diễn xong, nhiều người còn đợi tôi ra để bắt tay tôi cảm ơn. Họ đã bỏ tiền ra xem mình diễn mà còn chờ mình ra để cảm ơn nữa.
Nó cho tôi thấy con đường tôi đi là đúng và được một thành phần khán giả theo dõi. Không nhiều thì ít, miễn là có người đồng cảm thì tôi vẫn giữ được lửa nghề.
Nhiều đạo diễn không thích tôi đóng phim
Trong phim Ngôi nhà bươm bướm, nhân vật của tôi là Hồ Ngọc Hân, thuộc cộng đồng LGBT. Tôi thích nhân vật này ở chỗ, đây không phải người giải phẫu chuyển giới.
Anh ta không thích ăn mặc lòe loẹt, vẫn ăn mặc như đàn ông nhưng trong tâm thế lại luôn nghĩ mình là phụ nữ. Anh ta đã sống trọn vẹn với trách nhiệm, bổn phận của một người làm vợ, làm mẹ. Đây là điều khiến tôi cảm thấy vô cùng thú vị.
Khó khăn lớn nhất của tôi khi diễn vai này là tôi bị áp lực tâm lí, sợ lẫn lộn giữa sân khấu và điện ảnh.
Trước giờ nhiều đạo diễn không thích tôi đóng phim. Họ nói tôi đóng bị sân khấu hóa quá. Đó là áp lực lớn của tôi.
Bởi vậy, tôi muốn qua nhân vật này để chứng minh cho mọi người thấy tôi không bị sân khấu hóa khi đóng phim.
Trong phim này, tôi có tham gia chỉnh sửa kịch bản. Tôi đã gặp biên kịch và đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh để xin phép cho tôi đổi lại một số tình huống của câu chuyện. Nếu ai thấy hợp lí thì để lại.
Nếu xem phim, các bạn sẽ thấy, bà Hân không bao giờ cho ông Cường nắm tay ở chốn đông người hay ngoài công viên vì hai người rất giữ kẽ với nhau. Người Sài Gòn dù sống thoáng, nhưng khi thấy hai người đàn ông nắm tay nhau đi ngoài đường, họ vẫn nhìn. Nhất là hai người đàn ông có tuổi, họ lại càng nhìn.
Tôi có sửa kịch bản, để bà Hân nói với ông Cường: “Mình ơi, mình cho phép em được dựa vào vai mình được không?”.
Tức là bà Hân muốn một lần được công khai với xã hội, ngoài đường phố rằng bà ấy là vợ ông Cường.
Cảnh đó được quay khá kĩ, khi máy để từ sau lưng quay nhẹ một người đàn ông từ từ dựa vào vai một người đàn ông khác.
Tôi nghĩ, trong vấn đề tình cảm, đôi khi người ta thèm công khai trước xã hội xem họ là gì. Bởi vậy, 10 giây ngắn ngủi của cảnh quay đó là tôi xin đạo diễn cho tôi một lần được làm theo ý mình như vậy.