Đặc khu trưởng Hong Kong Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga). Ảnh: Nora Tam
Quyết định này đồng nghĩa với việc chính quyền Hong Kong nhượng bộ 1 trong 5 yêu sách của người biểu tình.
Vào khoảng 17h51′ cùng ngày, các đài truyền hình địa phương đã bắt đầu phát sóng đoạn phát biểu được ghi hình từ trước của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, trong đó bà chính thức đưa ra tuyên bố rút lại hoàn toàn dự luật dẫn độ.
Hong Kong trở thành một nơi xa lạ
Mở đầu bài phát biểu, bà Lâm nói:
“Hơn hai tháng qua, các cuộc biểu tình nổi lên từ Dự luật về Tội phạm Bỏ trốn vẫn tiếp diễn. Các công dân, cảnh sát và phóng viên của chúng ta đã bị thương trong các vụ bạo lực”.
“Có những cảnh tượng hỗn loạn ở sân bay và ga tàu điện ngầm; đường phố và hầm bỗng nhiên bị chặn, gây ảnh hưởng và bất tiện tới cuộc sống thường nhật. Các du khách băn khoăn liệu thành phố của chúng ta có còn là một nơi an toàn để du lịch và làm ăn hay không”.
“Gia đình và bè bạn hứng chịu áp lực, các cuộc tranh cãi bùng phát. Chúng ta cũng đã chứng kiến tình trạng ngược đãi, bắt nạt ở một số trường học và trên mạng internet. Đối với nhiều người, Hong Kong đã trở thành một nơi xa lạ”.
“Các vụ việc trong hơn 2 tháng qua đã khiến người Hong Kong bàng hoàng và buồn bã. Tất cả chúng ta đều rất lo lắng về Hong Kong, về quê nhà của chúng ta. Tất cả chúng ta đều hy vọng tìm được cách để vượt qua bế tắc và các thời đoạn bất ổn hiện nay”.
Rút hoàn toàn luật dẫn độ
Tiếp đó, lãnh đạo Hong Kong đề cập tới những yêu cầu của người biểu tình và quan điểm của chính quyền Hong Kong.
Trong số “5 yêu cầu” mà công chúng đưa ra, trên thực tế chúng tôi đã phản ứng trong nhiều dịp:
(i) Trước tiên là về vấn đề rút Dự luật. Ngày 15/6, tôi đã thông báo tạm đình chỉ Dự luật và sau đó tái khẳng định rằng “Dự luật đã chết”, rằng toàn bộ công tác lập pháp đã ngừng lại.
(ii) Thứ hai là về vấn đề thành lập Ủy ban Điều tra. Chính phủ tin rằng các vấn đề liên quan tới các hành động khi thi hành luật của cảnh sát đã được xử lý tốt nhất bởi Hội đồng Khiếu nại Cảnh sát Độc lập (IPCC) hiện hành, cơ quan được thiết lập chính xác cho mục đích này. Ngoài giải quyết các khiếu nại về các sĩ quan cảnh sát, IPCC còn đảm nhiệm tiến hành một cuộc nghiên cứu tìm hiểu tình hình thực tế về việc xử lý các sự kiện do công chúng đề nghị ở quy mô lớn đã diễn ra sau ngày 9/6.
Tâm điểm sẽ là vụ Yuen Long ngày 21/7, sự kiện khiến công chúng lo ngại nghiêm trọng. Nghiên cứu nhằm tìm kiếm sự thực, đánh giá cách cảnh sát xử lý các vụ biểu tình và đưa ra đề xuất cho chính phủ. IPCC đã thiết lập một nhóm gồm nhiều chuyên gia quốc tế để hỗ trợ công việc cho mình và sẽ công khai các kết quả nghiên cứu, cũng như đề xuất.
(iii) Thứ ba là vấn đề biểu tình biến thành bạo động. Chúng tôi đã giải thích rằng, thực ra không có tác động pháp lý về cách mô tả hoặc phân loại những sự vụ như vậy. Cơ quan pháp lý đã đảm bảo với công chúng rằng mỗi quyết định khởi tố đều dựa trên bằng chứng thu thập được và tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp, cũng như Bộ quy tắc Khởi tố.
(iv) Thứ tư là về vấn đề hủy bỏ cáo buộc nhằm vào người biểu tình, đối tượng bạo động và bỏ truy tố. Tôi đã giải thích rằng việc này đi ngược lại pháp quyền và không thể chấp nhận được. Nó cũng đi ngược lại Luật Cơ bản, trong đó khẳng định rằng quá trình khởi tố hình sự phải do cơ quan tư pháp xử lý, không bên nào được can thiệp.
(v) Thứ năm là về vấn đề tổ chức phổ thông đầu phiếu. Thực ra, đây là mục tiêu sau cuối được trình bày trong Luật Cơ bản. Như chúng tôi đã nói trước đó, nếu chúng ta đạt được điều này thì các cuộc thảo luận phải được tiến hành trong khuôn khổ pháp lý và trong một bầu không khí có lợi cho sự tin tưởng và thấu hiểu lẫn nhau, không khiến xã hội bị phân cực thêm nữa.
Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho biết, phản ứng của chính quyền Hong Kong đối với 5 yêu cầu của người biểu tình đã được cân nhắc kỹ lưỡng và nói: “Nhiều người nói rằng chúng ta cần một cơ sở chung để bắt đầu một cuộc đối thoại và việc này phải bắt đầu từ Trưởng đặc khu”.
Bà đưa ra 4 đề xuất nhằm khởi động cuộc đối thoại nêu trên:
1) Chính quyền sẽ chính thức rút lại dự luật
2) Chính quyền sẽ hoàn toàn hỗ trợ Hội đồng Khiếu nại Cảnh sát Độc lập (IPCC)
3) Bắt đầu từ tháng này, Lam cùng các quan chức của bà sẽ đi tới các khu dân cư để tìm hiểu những phàn nàn của người dân và tìm kiếm giải pháp.
4) Một nghiên cứu độc lập về nguồn cơn các vấn đề xã hội sẽ được tiến hành.
Cuối cùng, Trưởng đặc khu Hong Kong nhấn mạnh rằng, ưu tiên trước nhất của chính quyền Hong Kong là chấm dứt bạo lực, bảo vệ pháp quyền và khôi phục trật tự, cũng như an toàn xã hội.
“Để làm được như vậy, chính quyền phải nghiêm khắc thi hành luật pháp nhằm vào những hành vi bạo lực và phi pháp. Tôi và nhóm của mình hy vọng 4 hành động vừa được thông báo có thể giúp xã hội của chúng ta tiến về phía trước. Chúng ta hãy cùng thay bất đồng bằng đối thoại và cùng tìm kiếm giải pháp”.
Với quyết định rút hoàn toàn dự luật dẫn độ của chính quyền Hong Kong, SCMP cho rằng điều này đồng nghĩa với việc chính quyền đặc khu đã chấp nhận nhượng bộ 1 trong 5 yêu sách do người biểu tình đưa ra.
Trước đó, SCMP dẫn nguồn tin cho biết, trưởng đặc khu Hong Kong có cuộc gặp với những thành viên thân Bắc Kinh vào chiều nay tại tư gia. Các đại biểu Hong Kong tại Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc và Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân toàn quốc (Chính hiệp) Trung Quốc cũng được mời tới cuộc gặp.