Nông nghiệp ‘chưa thoát 3 lời nguyền’ manh mún, nhỏ lẻ, tự phát

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông Lê Minh Hoan nói như vậy tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chiều nay, 7/6.
Các đại biểu QH tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Các đại biểu QH tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu Chu Thị Hồng Thái (đoàn Lạng Sơn) đề cập đến tình trạng thời gian qua, giá phân bón, vật tư nông nghiệp tăng làm người nông dân gặp nhiều khó khăn.

Đại biểu Hoàng Anh Công (đoàn Thái Nguyên) nêu tình trạng ùn tắc hàng nông sản xuất khẩu tại các cửa khẩu khu vực phía Bắc, gây nên rất nhiều khó khăn, tốn kém rất lớn, ảnh hưởng nhiều đến nền sản xuất nông nghiệp và đề nghị Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết giải pháp để giúp người nông dân để nâng cao chất lượng hàng nông sản, nâng cao giá trị nông sản và qua đó để tăng cường xuất khẩu và xây dựng một nền xuất khẩu bền vững.

Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) chỉ rõ tình trạng nông nghiệp có phát triển nhưng đời sống của người nông dân chưa cao; tình trạng “được mùa mất giá” và những cuộc giải cứu nông sản chưa có hồi kết; giá vật tư đầu vào liên tục tăng cao, sản xuất phần chủ yếu theo chiều rộng, còn mang tính tự phát; tiêu thụ còn phụ thuộc và một số thị trường… Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết những giải pháp căn cơ để giải quyết các vấn đề này.

Đại biểu Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam) đặt câu hỏi về giải pháp để khẳng định thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới.

Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Lê Minh Hoan cho biết, Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định rõ chúng ta chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, trong đó nhấn mạnh đến yếu tố thị trường.

Chia sẻ với bà con nông dân cùng doanh nghiệp trong giai đoạn vừa qua đã đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như việc ùn ứ ở cửa khẩu phía Bắc; vấn đề vật tư phân bón, giá nguyên liệu đầu vào của ngành nông nghiệp đều tăng cao trong bối cảnh thị trường đã bị đứt gãy…

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cảm ơn 14 triệu nông dân Việt Nam đã rất năng động, linh hoạt để góp phần làm nên kết quả xuất khẩu nông nghiệp, nông lâm, thủy sản trong năm 2021 đạt 48,6 tỷ USD trong bối cảnh khó khăn.

Về vấn đề giá nguyên liệu đầu vào, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, vấn đề này liên quan tới thị trường, quản lý doanh nghiệp, vật tư đầu vào sản xuất, nhập khẩu và xuất khẩu…

Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, khi đứt gãy chuỗi cung ứng trong giai đoạn dịch bệnh và nhất là cao điểm ùn ứ cửa khẩu phía Bắc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao cùng vào cuộc dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để hạn chế thấp nhất thiệt thòi, thiệt hại cho nông dân.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho biết, đây là trường hợp bất khả kháng do khác biệt trong quy định chống dịch của hai bên.

“Nước ta làm nông nghiệp nhưng phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu từ phân bón, thuốc, nguyên liệu để chế biến thức ăn. Đây là vấn đề Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có giải pháp nhằm nâng cao tính tự chủ của ngành nông nghiệp, để tạo ra cái giá trị gia tăng cao hơn, giảm rủi ro thị trường”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Công thương cũng đã có rất nhiều phiên họp, làm việc với các hiệp hội, ngành hàng phân bón, các doanh nghiệp… liên quan đến lĩnh vực này cố gắng thuyết phục. Bộ trưởng cho biết, trong nền kinh tế thị trường không dễ mà áp đặt một mệnh lệnh hành chính. Trong hoàn cảnh này, các hiệp hội cũng đã có những can thiệp nhất định…

Giải pháp khắc phục tình trạng “được mùa mất giá”

Về giải pháp khắc phục tình trạng “được mùa mất giá”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói rằng, đây là quy luật kinh tế cung – cầu và phải khống chế quy luật này qua hai cách.

Theo đó, khi dư thừa thì phải tăng chế biến để giảm lượng đưa ra thị trường và chuẩn hóa sản phẩm nông sản để thị trường thông suốt. Do đó, giải pháp cho câu chuyện được mùa mất giá là tổ chức lại sản xuất, chuẩn hóa ngành hàng, thông tin minh bạch thị trường xuất khẩu, nội địa.

“Bộ Nông nghiệp nhận khuyết điểm trong điều hành, chuẩn hóa nông sản. Chưa tổ chức lại sản xuất thì chưa thành công và đối mặt rủi ro khi không đồng nhất nguyên liệu một loại nông sản, và khi đó chưa đồng nhất thương hiệu”, ông nói và cho hay sẽ sớm cùng các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài giải quyết việc này.

Về câu chuyện nhiều nhà vườn phải phá bỏ vườn thanh long do bí đầu ra, chi phí vật tư đầu vào tăng cao, theo Bộ trưởng Nông nghiệp, chỉ khoảng 1/10 sản xuất theo quy trình hợp tác xã, phần lớn là bà con trồng không theo quy chuẩn. “Sự cạnh tranh giữa các nhà vườn, hợp tác xã tạo ra sự bất ổn để có danh chính ngôn thuận một vùng nguyên liệu ổn định”, ông nhận xét.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao các viện nghiên cứu chuẩn hóa lại quy trình sản xuất, trồng trọt để giảm chi phí đầu vào. “Các nước đang hướng tới nền nông nghiệp ít hơn để được nhiều hơn. Tức là tối thiểu hóa chi phí, và tối đa hóa lợi nhuận bằng khoa học nông nghiệp. Chúng ta cũng phải phấn đấu theo hướng này”, ông nói.

Về tình trạng ùn tắc nông sản tại cửa khẩu phía Bắc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, ùn ứ nông sản tại cửa khẩu chỉ là vấn đề đột biến trong thời gian ngắn, do vấn đề kiểm soát dịch bệnh phía Trung Quốc khác với Việt Nam.

Tuy nhiên, ông thừa nhận thị trường Trung Quốc ngày càng khó tính, trong khi nông dân Việt Nam đã quen đây là thị trường dễ tính. Trung Quốc đang siết chặt chất lượng nông sản, vệ sinh an toàn thực phẩm trong khi nông dân chậm thay đổi, tất nhiên có trách nhiệm của các bộ ngành Trung ương.

Về giải pháp, ông Hoan nói 14 triệu hộ nông dân trên cả nước khó truyền thông hết được, nên đầy rủi ro. Chỉ có cách là tổ chức lại ngành hàng sản xuất, tổ chức thị trường để thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Các bộ Nông nghiệp và Ngoại giao đang xây dựng dự thảo chiến lược xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, để chuyển dần dần, rồi một ngày nào đó nông sản Việt Nam danh chính ngôn thuận nhập khẩu sâu vào nội địa, ở phân khúc thị trường cấp cao. Để làm được điều này đòi hỏi phải chuẩn hóa chất lượng sản phẩm.

Về vấn đề thương hiệu nông sản, lãnh đạo ngành nông nghiệp nói khác với nhãn hiệu, thương hiệu cần mất nhiều năm để có niềm tin của người tiêu dùng. “Phải bắt đầu bằng hệ sinh thái ngành hàng chứ không phải từ Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn”, ông Hoan nêu quan điểm.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn TP Hà Nội) đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết định hướng đổi mới để đưa nông nghiệp nước nhà đến tầm cao mới cũng như giải pháp về tính an toàn của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đặt câu hỏi chất vấn.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đặt câu hỏi chất vấn.

Trả lời, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói rằng, khi nào 100 triệu dân Việt Nam được an toàn khi sử dụng thực phẩm là câu hỏi được lặp lại rất nhiều từ trước đến nay, từ khóa XI.

Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn nói rằng ông không thoái thác trách nhiệm, nhưng ngành nông nghiệp có tính liên ngành rất cao, có tính hệ thống trên dưới trong ngoài, vận hành theo kinh tế thị trường. Vì vậy, không thể bằng một mệnh lệnh hành chính là có thể thay đổi được.

Ngay cả sản xuất nông nghiệp hữu cơ cũng phải an toàn, được kiểm chứng bởi hệ thống phân phối.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, đáng tiếc là chúng ta chưa có hệ thống để đánh giá chất lượng nông sản, dẫn đến nền nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi lời nguyền manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Vấn đề này có trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đồng bằng sông Cửu Long màu mỡ, nhưng bây giờ kiểm đếm lại vẫn là manh mún, dẫn đến hệ lụy rất nhiều. Nếu không tổ chức được ngành hàng sản xuất thì còn rủi ro, trong đó có vai trò địa phương. Ông Hoan “tha thiết” mong muốn các địa phương cùng vào cuộc để xây dựng nền nông nghiệp chất lượng cao.

Tăng quy mô sản xuất, “tập trung đất đai mềm”

Trả lời về phát triển nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp sinh thái tại các địa phương, Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn dẫn chứng mô hình kinh doanh vận tải của Grab, Uber hay cho thuê nhà Airbnb và cho rằng, trong thời đại công nghiệp 4.0, làm nông nghiệp có thể không cần phải đầu tư và sở hữu nhiều đất, mà có thể tận dụng thế mạnh của nền kinh tế liên kết, kinh tế chia sẻ.

“Phải thay đổi tư duy nông nghiệp công nghệ cao thì mới phát triển được”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, ngoài hướng tập trung tích tụ đất đai hướng tới tăng quy mô sản xuất, xây dựng vùng nông nghiệp cao, vẫn có những phương thức tập trung đất đai mềm, thích ứng với từng điều kiện ở từng địa phương, kết hợp nguồn lực nhà nướcvới nguồn lực xã hội để cùng phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Ngoài ra, Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ đồng tình với quan điểm của đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (đoàn Hải Dương) trong việc phát triển nông nghiệp sinh thái tạo ra giá trị xây dựng, chuyển từ nền nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp xanh, sinh thái, bền vững. Đó cũng là hướng tiếp cận, chiến lược mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang định hướng triển khai.

Hoàng Nam (Pháp luật Plus, Báo Pháp Luật Việt Nam)
Nguồn: https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/nong-nghiep-chua-thoat-3-loi-nguyen-manh-mun-nho-le-tu-phat-d183335.html