Đây là lần thứ hai Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực chính thức của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc sau nhiệm kỳ đầu tiên vào năm 2008-2009.
Theo đó, trong phiên bỏ phiếu kín tại Đại hội đồng lúc 9h sáng ngày 7/6 (giờ New York), tức 21 giờ (giờ Hà Nội), Việt Nam với 192/193 phiếu, đã thay thế Kuwait, là đại diện nhóm các nước châu Á – Thái Bình Dương trở thành thành viên không thường trực HĐBA LHQ khóa 2020-2021.
Nhiệm kỳ mới của Việt Nam sẽ bắt đầu từ ngày 1/1/2020.
Trong cuộc bỏ phiếu cho nhiệm kỳ đầu 2008-2009, Việt Nam cũng thắng đậm với kết quả 183/190 phiếu.
Thực tế, so với thành viên thường trực, các thành viên không thường trực của HĐBA đối diện với nhiều thách thức hơn. Cụ thể, các chương trình nghị sự có yêu cầu rất cao và các thành viên thường trực có nhiều kinh nghiệm, nhân lực hơn trong quá trình chuẩn bị. Ngoài ra, quyền phủ quyết của thành viên thường trực sẽ giúp các quốc gia này có tiếng nói hơn.
Khoảnh khắc Việt Nam chính thức trở thành Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ
Thông qua lần bỏ phiếu này, Việt Nam đã chứng tỏ phương châm ngoại giao đúng đắn, nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của bạn bè quốc tế, qua đó tiếp tục nâng cao vị thế, uy tín trên thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng từng nhấn mạnh: “Với kinh nghiệm đã đúc kết được, với tinh thần hợp tác tích cực và chân thành và sự ủng hộ của các nước thành viên LHQ, chúng ta tự tin sẽ đảm đương và hoàn thành tốt trọng trách tại HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, tiếp tục đóng góp lớn hơn vào hòa bình, phát triển và thịnh vượng trên thế giới”.
Trước đó, trong cuộc họp báo ngày 6/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, để chuẩn bị cho việc tham gia HĐBA, Việt Nam đã tích cực triển khai các công tác về nội dung, nguồn lực, nhân sự, thông tin tuyên truyền, và xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan; tham vấn, trao đổi kinh nghiệm với các nước, các cơ quan của Liên Hợp Quốc và các tổ chức nghiên cứu quốc tế.
“Thành công của các hoạt động chính trị đối ngoại Việt Nam có sự đóng góp rất to lớn của các tầng lớp nhân dân. Do đó, việc chuẩn bị cho công tác tuyên truyền trong mọi tầng lớp nhân dân cũng rất quan trọng, nhằm nâng cao hiểu biết và nhận thức của người dân về các sự kiện và vai trò của Việt Nam trong các công việc chung của khu vực và thế giới”, bà Lê Thị Thu Hằng nói.
Hội đồng bảo an là một trong 6 cơ quan chính của Liên Hợp Quốc, được thành lập nhằm duy trì hoà bình và an ninh quốc tế. Theo Điều 4 và 25 của Hiến chương LHQ, tất cả các nước thành viên LHQ đồng ý chấp nhận và thực thi các quyết định của HĐBA.
Trong nhiệm kỳ 2008-2009, Việt Nam đã có những đóng góp không nhỏ trong nỗ lực quốc tế nhằm giải quyết xung đột ở những điểm nóng trên thế giới, thúc đẩy hoạt động giữ gìn hòa bình của HĐBA, đóng góp sáng kiến về tăng cường vai trò của phụ nữ trong hòa bình và an ninh.
Với việc trúng cử nhiệm kỳ mới này, Việt Nam được kỳ vọng sẽ thúc đẩy vai trò và có cơ hội đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng quốc tế cũng như sẽ gặt hái nhiều thành công hơn về mặt ngoại giao khi có cơ hội tham gia sâu hơn vào việc định hình các thể chế đa phương.
Đáng chú ý, nhiệm kỳ 2010-2021 tại HĐBA LHQ trùng với năm Việt Nam nắm giữ vai trò chủ tịch luân phiên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Như ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam nhận định: “Việt Nam có vị thế đặc biệt, “độc nhất vô nhị” vì có rất ít quốc gia vừa là thành viên Hội đồng Bảo an vừa là Chủ tịch một khối đa phương lớn như ASEAN trong cùng một thời gian. Đây sẽ là cơ hội lớn cho Việt Nam”.