Ảnh: The New York Times
Sáng nay (31/8), hàng nghìn người Hong Hong đã tập trung để biểu tình trong tuần thứ 13 liên tiếp mặc dù trước đó 1 ngày, nhiều nhà hoạt động đã bị chính quyền bắt giữ.
Nhiều người biểu tình nói trên mạng xã hội rằng họ sẽ biểu tình cho dù có được cảnh sát cho phép hay không. Tới giữa trưa nay, người biểu tình thuộc mọi độ tuổi đã tới các sân bóng đá và sân bóng rổ ở quận thương mại Wan Chai. Giao thông bị tắc nghẽn, nhiều người biểu tình hô: “Chiến đấu vì Hong Kong” và “Giải phóng Hong Kong”.
Theo Channel News Asia, cảnh sát Hong Kong đã cấm kế hoạch biểu tình ngày hôm nay sau khi các cuộc đụng độ bạo lực nổ ra liên tiếp trong thời gian qua. Cảnh sát cũng cảnh báo sẽ “can thiệp nghiêm khắc” vào biểu tình. Các nhân viên an ninh đã dựng rào chắn gần Văn phòng liên lạc Trung Quốc ở Hong Kong và vòi rồng đã được chuẩn bị sẵn sàng đề phòng các tình huống xấu nhất.
Người biểu tình Hong Kong ra đường ngày 31/8.
Đứng trước dòng người biểu tình, một số các sĩ quan cảnh sát giơ biển hiệu: “Người biểu tình đang phá luật. Họ có thể bị xét xử.”
Một số nhóm thậm chí đã bắt đầu di chuyển về phía nhà của trưởng đặc khu Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga. Dự kiến, đoàn biểu tình sẽ đi qua trụ sở của cảnh sát Hong Kong.
Một số hình ảnh về cuộc biểu tình sáng nay (31/8). Ảnh: Twitter/SCMP
Ngày hôm qua (30/8), cảnh sát đã bắt giữ ít nhất 3 nhà hoạt động của phong trào biểu tình, bao gồm Joshua Wong – cựu thủ lĩnh của Phong trào Dù vàng hồi năm 2014 – và Agnes Chow. Cảnh sát cho biết cả hai đã bị bắt giữ vì các cáo buộc liên quan tới cuộc biểu tình ngày 21/6 khi hàng nghìn người bao vây trụ sở của cảnh sát Hong Kong.
Cuộc khủng hoảng chính trị gần đây ở Hong Kong được đánh giá là “sự kiện tồi tệ nhất” kể từ khi Anh trao trả khu vực này cho Trung Quốc vào năm 1997. Vụ việc bùng nổ giữa bối cảnh người dân Hong Kong bức xúc với dự luật dẫn độ cho phép đưa tội phạm từ Hong Kong tới xét xử ở Trung Quốc. Dự luật tuy đã bị hoãn nhưng không bị hủy bỏ như yêu cầu của người biểu tình.
Ông Vincent Ho, 40 tuổi, đã tới Wan Chai cùng với vợ và con trai. Ông cho biết ông đã cân nhắc liệu có đem theo con mình hay không và ông cùng gia đình sẽ rời đi ngay lập tức nếu có những sự việc nguy hiểm phát sinh.
Ông Ho cho biết dự luật dẫn độ đã khiến ông nghĩ về tương lai của con mình.
“Chúng tôi đang bị tước mất sự tự do. Hệ thống chính quyền Hong Kong đang bị hủy hoại, và nếu không có nó, thì sẽ chẳng còn Hong Kong nữa,” ông nói.
Những người biểu tình nói họ rất lo lắng nhưng sẽ không lùi bước. Simon Chang, một người tham gia cuộc biểu tình ngày hôm nay, nói: “Chúng tôi phải đứng lên và bày tỏ quan điểm của mình trước khi quá muộn.”
Một người biểu tình đề nghị giấu tên nói: “Chúng tôi phải cố gắng và trông chờ xem điều gì sẽ xảy ra. Chúng tôi không thể đoán trước được điều gì.”
Trong những tuần vừa qua, một vài người biểu tình đã ném gạch và bom xăng khác vào cảnh sát. Trong khi đó, cho tới giữa tháng 8, nhân viên an ninh Hong Kong đã phải bắn hơn 1.800 lượt khí ga hơi cay và đạn cao su để giải tán đám đông.
Theo The Guardian, các nhà quan sát cho rằng Bắc Kinh đang nỗ lực hết sức để dẹp các cuộc biểu tình trước ngày kỉ niệm 70 năm thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Trung Hoa, một sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng đối với chính quyền Bắc Kinh.