Mỗi năm có hàng trăm nghìn người tử vong do ung thư, người dân lo sợ bệnh ung thư tìm đến cách tầm soát để phát hiện sớm. Nhưng các tầm soát ung thư hiện nay chưa thực sự hiệu quả.
Tầm soát hay chẩn đoán sớm ?
Thông tin Globocan đưa ra năm 2018 về tình hình bệnh ung thư trên toàn cầu: Việt Nam không phải là nước cao nhất mà nằm trong nhóm thứ ba với tần suất mắc mới từ 138-183 ca trên 100.000 dân mỗi năm.
Cụ thể, trong năm 2018, ước tính có khoảng 164.000 ca mới, với tỷ lệ mắc mới chuẩn hóa theo tuổi, giới và các loại bệnh là 151/100.000 dân. Những thông tin này không làm giảm bớt ám ảnh về những cái chết vì ung thư, vì chất độc trong thực phẩm và tình trạng ô nhiễm môi trường.
Người ta tìm đến ngành y, hy vọng có được giải pháp thích đáng cho vấn đề phòng ngừa và phát hiện sớm ung thư.
Chính vì thế, đủ các gói tầm soát ung thư ra đời ở các phòng khám và bệnh viện. Có bệnh viện tư nhân đưa ra mức gói tầm soát ung thư công nghệ cao về công nghệ gen với chi phí khủng kèm theo vocher nghỉ dưỡng ở resort.
Nhìn chung mỗi gói khám đại loại đều gồm thử máu, chụp hình và khám- chỉ khác số lượng nhiều ít. Điều đáng ghi nhận là những gói khám ung thư như thế này ít gặp trên thế giới, vì nó đi ngược lại y đức và không có cơ sở khoa học.
Tầm soát hay chẩn đoán sớm ?
Trước hết, cần phân biệt tầm soát và chẩn đoán sớm. Sự phân biệt này là cần thiết vì nó cực kỳ quan trọng khi cân nhắc về lợi, hại của một phương pháp chẩn đoán và giúp bác sĩ và bệnh nhân có một thái độ rõ ràng hơn.
Tầm soát là thực hiện trên một người bình thường, hoàn toàn không có triệu chứng, tầm soát trên cộng đồng, trên những người có yếu tố rủi ro và trong tầm soát người ta ưu tiên áp dụng những biện pháp không gây tổn thương và hạn chế mức xâm hại với người tham gia.
Chẩn đoán sớm nhằm phát hiện bệnh ở một giai đoạn có thể điều trị hiệu quả và đem lại tiên lượng tốt cho bệnh nhân, dù đã bắt đầu có triệu chứng lâm sàng. Chẩn đoán sớm ở từng cá nhân, thực hiện trên bệnh nhân đang có triệu chứng và công việc của người bác sĩ là phải tìm ra nguyên nhân gây bệnh.
Vì thế, những xét nghiệm dù có mức xâm hại cao hơn nhưng cần thiết thì vẫn được chấp nhận. Và mấu chốt của chẩn đoán sớm là bệnh nhân nhận ra bất thường và đi khám sớm.
Tầm soát ung thư luôn là vấn đề lớn cho ngành y tế các nước, không những vì số lượng bệnh nhân ung thư quá nhiều mà vì chi phí của mọi phương pháp điều trị đều quá cao.
Do đó, việc tầm soát ung thư cần có tính chiến lược và được áp dụng ở mức cộng đồng, thể hiện ở 2 điểm: việc thực hiện cần có quy chế nghiêm ngặt, có hướng dẫn cụ thể và việc chi trả không thuộc về cá nhân mà các nhà bảo hiểm bắt buộc phải đảm nhận.
Cách làm của Mỹ cũng tương tự ở hầu hết các nước phát triển, bác sĩ cho chỉ định tầm soát theo hướng dẫn-bảo hiểm thanh toán theo yêu cầu. Cần phải thấy một điều là chi phí cho tầm soát là rất cao nhưng các chương trình tầm soát ung thư được xác định là không tính đến trên chi phí mà chỉ dựa trên chuyên môn.
Nếu cần thì phải làm, bảo hiểm phải tự cân đối để thanh toán. Chính nhờ loại trừ gánh nặng chi phí và được tổ chức bài bản qua hệ thống bác sĩ gia đình, mỗi người dân đều có cơ hội ngang nhau để được tầm soát ung thư một cách tiêu chuẩn theo đúng yêu cầu.
Đủ các gói tầm soát ra đời
Ở Việt Nam cho đến nay vẫn chưa có hệ thống bác sĩ gia đình đúng nghĩa và Bộ Y tế cũng không có những hướng dẫn rõ ràng về việc tầm soát ung thư. Việc tầm soát này hoàn toàn mang tính cá nhân ở hai phương diện chỉ định và chi trả.
Hoặc người ta đọc báo thấy những thông tin mang tính hù dọa, sợ quá. Hoặc bạn bè người thân mới mất vì ung thư, lo lắng quá … bèn đi tầm soát ung thư và không được bảo hiểm chi trả,
Tầm soát không phải bao giờ cũng có lợi
Có 3 vấn đề, đáng để người ta cân nhắc khi muốn đi tầm soát.
– Tốn kém: các xét nghiệm tầm soát ung thư, đặc biệt là nhóm chẩn đoán hình ảnh, đều có chi phí rất cao. Nếu làm khi không cần, hoặc làm những thứ không cần, đều là phí tiền của cá nhân và phí tài nguyên của ngành y tế.
– Rước lo vào người: các xét nghiệm dấu ấn ung thư có độ nhạy và độ chuyên biệt rất kém và các chẩn đoán hình ảnh cũng không khá gì hơn. Khi thăm dò, tỷ lệ phát hiện ung thư thật sự khá thấp so với những tổn thương lành tính khác như u lành, vôi hóa, nang nước, tổ chức xơ… mà ít khi các nhà X quang có thể khẳng định là chẳng có gì quan trọng.
Khi đó, các biên bản chẩn đoán hình ảnh thường kết thúc bằng những kết luận như… chưa loại trừ ác tính,… cần kết hợp lâm sàng,… đề nghị sinh thiết để kiểm tra.
Những câu thần chú này đưa quả bóng trách nhiệm về phía bác sĩ lâm sàng và họ bắt buộc phải làm thêm nhiều xét nghiệm khác, nhiều chẩn đoán hình ảnh khác hoặc thậm chí làm sinh thiết để có thể an tâm về mối họa ung thư.
– Hại sức khỏe khi có âm tính giả. Điều mà người đi khám ít để ý, là những chương trình tầm soát ung thư cũng có giá trị rất hạn chế. Nó không bao gồm tất cả các loại ung thư mà chủ yếu chỉ là một số loại phổ biến nhất.
Ngay cả đối với từng loại ung thư chuyên biệt, khả năng bỏ sót chẩn đoán cũng không phải nhỏ. Phết cổ tử cung, chụp nhũ ảnh có thể bỏ sót từ 10-20%, test tìm máu trong phân có thể âm tính giả đến 50%.
Người đi tầm soát có thể quá tin vào kết quả tầm soát mà bỏ qua những thay đổi bất thường trong cơ thể mình, dẫn đến việc phát hiện bệnh quá trễ. Không những thế, nhiều quảng cáo về tầm soát chỉ đưa ra ưu điểm khi làm CT toàn thân mà không cho người chụp biết họ phải chịu một liều chiếu xạ lên đến 15-20 msV, bằng 200 lần chụp phổi.
Việc lạm dụng các thủ thuật nội soi cũng là một hiện tượng phổ biến, phần nào vì chi phí nội soi hiện nay quá thấp.
Chính vì có những bất cập như thế, việc xác định tuổi bắt đầu tầm soát và test nào dùng để tầm soát đều phải dựa trên những bằng chứng cụ thể, được khuyến cáo bới bác sĩ chứ không phải theo ý thích của bệnh nhân.
Dùng những test quá mơ hồ sẽ gây ra nhiều dương tính giả hay âm tính giả, đều đưa đến nhiều hậu quả không lường. Trên thực tế, điều này hoàn toàn đang được buông thả ở nước ta, khi các đơn vị y tế gom càng nhiều càng tốt các test khác nhau để bán dưới hình thức những gói tầm soát ung thư.