Đa phần các bậc làm cha mẹ đều khẳng định họ sẵn sàng dành mọi điều tốt đẹp cho con cái nhân danh tình yêu. Nhưng những điều tốt đẹp ấy rất nhiều khi không xuất phát từ mong muốn của trẻ và cũng không vô điều kiện như câu nói đầu môi.
Đa phần các bậc làm cha mẹ đều khẳng định họ sẵn sàng dành mọi điều tốt đẹp cho con cái nhân danh tình yêu. Nhưng những điều tốt đẹp ấy rất nhiều không xuất phát từ mong muốn của trẻ và cũng không vô điều kiện như câu nói đầu môi.
Ít ngày trước, mạng xã hội Trung Quốc xôn xao với bức thư tuyệt mệnh của người mẹ 80 tuổi với nội dung bà hối hận vì đẻ 4 con trai, rằng nếu có kiếp sau, bà mong họ sẽ không là con mình nữa. Nguồn cơn của những lời tuyệt mệnh đau lòng này là bởi bà cụ cảm thấy con không trọng đãi mình, không quan tâm chăm sóc, phụng dưỡng mình, bỏ rơi mình…
Bức thư đã được đồng cảm mạnh mẽ trên mạng xã hội Trung Quốc và Việt Nam. Nó chạm đến nỗi đau của nhiều người già, mà như các cụ hay nói: Tre già có người chuộng, người già ai chuộng đâu. Các cụ cũng nói, người già và trẻ con và một vòng tuần hoàn xoắn ốc, trẻ con hay dỗi hờn, nói năng bập bẹ, đi đứng khuỳnh khoàng, ăn cơm rơi vãi, cần được chăm chút nâng niu, sợ bị bỏ rơi, sợ không được chú ý. Người già cũng y hệt vậy, một cách buồn tẻ hơn…
Người ta buồn vì nghĩ rằng mình hy sinh cả đời cho con, dành cho chúng nó những thứ tốt đẹp nhất từ khi thai nghén, nuôi lớn, dựng vợ gả chồng, bao bọc yêu thương. Những mong đến khi xế chiều, tóc đã bạc, chân sẽ run, sẽ được con cái chăm sóc, sống những ngày an yên bên con cháu, ấy vậy mà cuối cùng lại bị đối xử bạc bẽo đến vậy.
“Già cậy con”, dường như cả nghìn năm nay người ta nghĩ vậy. Con cái ở những đất nước mang tư tưởng thuần túy Á Đông như Trung Quốc và Việt Nam dường như được sinh ra với nghĩa vụ lớn lao như thế: phụng dưỡng bố mẹ. Ai không làm theo guồng quay ấy sẽ bị coi là kẻ bất hiếu.
Ơ, chậm lại một chút đã nào, không phải các ông bố bà mẹ luôn nói rằng dành những điều tốt đẹp cho con vì tình yêu vô điều kiện hay sao. Nhưng thấp thoáng đâu đó chẳng phải vẫn là sự mong cầu đền đáp, mong con có trách nhiệm lo lắng tuổi già cho mình, mong con làm mình vui, cho mình ăn no mặc ấm…
Rõ ràng hiếu thuận với cha mẹ là 1 truyền thống văn hóa tốt đẹp, nhưng khi mong mỏi như vậy, có phải bạn đang đòi hỏi một cuộc trao đổi có đi có lại không? Ví thử, bà mẹ có 4 người con trai này, (và cả những bà mẹ, ông bố khác) đừng sinh con với kỳ vọng “về già có người lo” thì có phải sẽ không có những lời oán trách như vậy, không có lời cay đắng “mẹ mong các con sẽ không bị những đứa con của mình bỏ rơi”?
Tôi hỏi bạn một câu cực kỳ nghiêm túc đây: Chúng ta đẻ con để làm gì? Hẳn sẽ có rất nhiều câu trả lời hợp lý mà chúng ta có thể nghĩ ra. Vì “ai cũng thế”, vì “đứa con sẽ gắn kết vợ chồng, các bạn sẽ được trải nghiệm làm cha làm mẹ”, vì “cần có người nối dõi tông đường chứ”, vì “để có người an ủi tuổi già cô quạnh”… Luôn có một mục đích nghe rất thú vị. Xin lỗi bạn, nhưng tôi phải nói thẳng, đó là những lý do cực kỳ ích kỷ.
Đừng đẻ con vì bản năng nhân giống để duy trì và tăng số lượng loài của mình lên.
Đừng đẻ con làm công cụ gắn kết mối quan hệ vợ chồng.
Đừng coi con là một vật sở hữu để bạn có quyền trên con, la hét, chửi mắng, đánh đập thế nào cũng được.
Đừng đẻ con để được bất tử, để “nối dõi tông đường” thông qua việc duy trì bộ gene một cách liên tục.
Đừng đẻ con rồi coi con cái là bản sao của chính mình, đặt vào những kỳ vọng con có thể thực hiện những gì mình mong muốn nhưng không có khả năng thực hiện được.
Đừng đẻ con để có người phụng dưỡng, bản thân có chỗ dựa về mặt tinh thần, vật chất khi về già. Đó là một sự ích kỷ và dựa dẫm. Khi câu nói “sinh con để chăm sóc về già” được nói ra, tất cả tình cảm gia đình thiêng liêng sẽ biến mất. Chẳng phải nó quá sòng phẳng sao? Cha mẹ sinh bạn ra, chăm bẵm bạn, kiên nhẫn với bạn để sau này bạn sẽ báo đáp tương tự.
Ủa kỳ vậy? Lũ trẻ nào có được cha mẹ hỏi ý kiến trước khi họ đưa ta đến thế giới này, rằng chúng có MUỐN như thế không! Chúng ta làm tình với nhau và tạo ra những đứa trẻ, sau đó tụi nhỏ được nuôi lớn để sau này chăm sóc lại chúng ta? Như thế nếu tính trong một cuộc trao đổi, thì ngay từ đầu cuộc đổi trao này đã không công bằng lắm thì phải.
Ồ, vậy lý do sinh con vì tình yêu có vẻ hợp lý nhất chăng? Người ta vẫn luôn nói sinh con vì tình yêu, nghe thì rất hay nhưng tình yêu đó thường rất hay đi với kỳ vọng. Những kỳ vọng ấy, thật nặng, đè lên phận người khi họ vừa lọt lòng. Rất nhiều người tự biến con cái thành tương lai của bản thân, họ bỏ ra không ít tiền bạc và công sức để “đầu tư” không hẳn chỉ để cho con mà để lấy tấm vé an toàn cho tương lai của mình.
Ngẫm mà xem, biết bao gia đình, nếu trong nhà có nhiều con, nhiều người sẽ đầu tư cho đứa có tiềm năng hơn, hoặc đầu tư cho con trai hơn con gái, vì, nói thẳng là, con gái sẽ đi lấy chồng và trở thành con nhà người khác, còn con trai mới là chốn nương thân cuối đời, làm bệ đỡ cho tuổi già yếu đuối. Người ta cứ nói sẽ yêu con vô điều kiện, yêu con vì chính con, nhưng mấy ai thực sự làm được thế?
Với tôi, sinh con là để yêu thật đấy, nhưng không chỉ có vậy. Mà sinh con là để cha mẹ học cách trưởng thành.
Tôi sinh con vì tự nguyện muốn biết cảm giác mang nặng đẻ đau của người mẹ, muốn được cảm nhận cảm giác thơm lên cặp má nhỏ xinh của con, được cho con bú, hay sà vào lòng gọi “mẹ ơi”. Tôi sinh con để sống có ý nghĩa hơn. Nếu không có con, tôi nhất định sẽ không nỗ lực nhiều đến thế. Có con cái cũng như gánh thêm phần trách nhiệm, làm chúng ta không ngừng nỗ lực và trưởng thành nhanh hơn.
Tôi sinh con để tự mình trưởng thành. Hãy tin tôi đi, không người thầy nào dạy bạn trưởng thành nhiều hơn con mình. Con sẽ dạy bạn nhiều điều mà bạn chưa biết, chưa khám phá hết về chính bạn.
Con cái thuộc về tương lai, chúng ta thuộc về quá khứ. Tôi không cần con cái nuôi dưỡng khi về già, tôi chỉ mong con đồng ý dẫn tôi theo đến tương lai, cho tôi được cùng đi trên những nấc thang trưởng thành của chúng.
Con tôi, con bạn là một phần của xã hội tương lai, là một công dân tương lai. Và tôi dặn mình hãy nuôi con cẩn thận từ khi đem con đến với thế giới, vì con là con tôi, (tôi tránh dùng chữ “của” như một sự sở hữu, bởi con là một thực thể tách rời), vì tôi yêu con, và cũng vì tôi đang chịu trách nhiệm cho một phần của xã hội tương lai.
Như nhiều ông bố bà mẹ, tôi cũng kỳ vọng với lũ trẻ của mình rất nhiều. Nhưng tôi sẽ thôi nhồi nhét con mình vào cái ước mơ lụn bại mà tôi chưa bao giờ đạt được, sẽ ngừng kỳ vọng quá nặng nề lên vai con với nhân danh tình yêu. Thay vì thế, tôi sẽ học cách cùng con trải nghiệm đam mê thực sự con mang xuống thế giới này, phát huy nó và đem đến cho xã hội tương lai một công dân thực sự.
Để làm được thế, khó lắm đó, và tôi phải học rất nhiều điều. Nhưng tôi nhận ra, đó là một hành trình học hỏi và nhận thức lại, hành trình trưởng thành của chính tôi, nơi tôi phải phấn đấu để hoàn thành trách nhiệm.
Tôi sinh con là để cho mình trải nghiệm tuyệt vời và thử thách, để tôi và bạn đời cùng nhận ra nhau và hạnh phúc bên nhau, cùng chia sẻ niềm vui nuôi dưỡng con và sự trưởng thành của bản thân, thông qua con, chứ không phải vì những mục đích khác!
Bạn có thể nghĩ khác, nhưng làm ơn, hãy nghĩ xem mình sinh ra con để làm gì, và hãy tìm một lý do ít ích kỷ, ít kỳ vọng, ít nặng nề nhất, để chúng được sinh ra và lớn lên thật nhẹ nhàng, không phải vác lên vai quá chừng áp lực. Và tôi tin, tự khắc lũ trẻ sẽ có hiếu, yêu thương ta thật dạ nếu ta không coi chúng như những con khỉ xiếc.