Qua trung tuần tháng Hai (nhuận), khí hậu bỗng ấm hẳn lên, tiện xe của một người bạn, tôi quyết định ngược đường thăm Lũng Cú (Đồng Văn), chủ yếu là khảo sát lại bản văn hóa Lô Lô Chải theo yêu cầu của một tòa soạn.
Một góc thôn Lô Lô Chải. Ảnh: PV |
Từ trụ sở UBND xã Lũng Cú lên bản Lô Lô Chải mất 15 phút đi bộ. Là phần đất “tột Bắc” của Tổ quốc, nhưng Lô Lô Chải thấp hơn so với Séo Lủng ở phía trái (nếu lấy Mốc 422 làm tâm điểm). Là vùng quê lâu đời của cộng đồng dân tộc Lô Lô Hà Giang còn lưu giữ được giá trị văn hóa truyền thống hầu như còn nguyên vẹn. Bởi vậy, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Hà Giang đã đầu tư nguồn kinh phí đáng kể để bản Lô Lô Chải bảo lưu, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Trưởng thôn Lô Lô Chải Sình Dỉ Gai tâm sự: Bản có hơn 100 hộ, trong đó có 10 hộ đồng bào Mông sống xen kẽ. Lô Lô Chải hiện còn giữ được 37 ngôi nhà trình tường, mái lợp bằng ngói âm dương, có nhiều ngôi nhà trên 100 năm tuổi, là điểm đặc biệt thu hút nhiều du khách đến trải nghiệm…
Qua một số nguồn sử liệu cho thấy, dân tộc Lô Lô có mặt ở Việt Nam từ rất sớm, ít ra là khoảng thế kỷ thứ 8 (đời nhà Đường ). Đồng bào đến Việt Nam nhiều đợt thiên di, bởi ở quê hương của họ có chiến tranh, loạn lạc, hoặc bị mất mùa đói kém, dịch bệnh… Họ là người có công khai khẩn đất đai vùng này. Do vậy, ngày nay người Mông, người Tày ở Hà Giang, Cao Bằng khi làm ruộng, nương vẫn còn phong tục cúng ma Lô Lô. Đặc biệt ở vùng Tày Bảo Lạc (Cao Bằng), trong Lễ hội Lồng tông hiện giờ vẫn có mâm cỗ cúng ma Lô Lô là người có công khai ruộng đầu tiên…
Người dân thôn Lô Lô Chải giữ gìn nghề thêu trang phục dân tộc. |
Đồng bào Lô Lô Chải vẫn còn bảo lưu, gìn giữ được bộ trống đồng từ thời văn hóa Đông Sơn, nhưng đây là thế hệ trống đồng Đông Sơn muộn. Điều đó khẳng định, trống đồng là di sản văn hóa của người Lô Lô rực rỡ và độc đáo, qua một số truyền thuyết còn cho thấy, trống đồng là báu vật cứu sống được dân tộc Lô Lô thoát khỏi nạn đại hồng thủy, để duy trì nòi giống và phát triển thành cộng đồng lớn mạnh như bây giờ.
Tiếng trống đồng không những là biểu tượng giao hòa trong 3 cõi khi đưa hồn người chết về với Tổ tiên, đồng bào Lô Lô còn dùng trống đồng để cúng thần trời và thổ thần vào tháng 4 và tháng 6 (âm lịch). Còn là nơi gửi gắm, nỗi niềm của trai gái qua nhịp điệu trầm hùng, sâu lắng. “Quê nàng trống nơi nào/Mà tiếng nàng vang vọng/Quê chàng trống ở đâu/Mà tiếng chàng ngân xa… Nàng trống xinh thật xinh/Chàng trống đẹp thật đẹp”…
Do vị trí và ý nghĩa của trống đồng trong đời sống tinh thần của đồng bào Lô Lô, nên trống được coi là báu vật của bản làng, chỉ người đức độ, có uy tín mới được bảo quản. Khi lấy lên sử dụng phải có lễ vật gồm: Rượu, đôi gà lông trắng và bài cúng, như vậy tiếng trống mới vang vọng được hết mọi cung bậc, mới thể hiện được mơ ước khát vọng của đồng bào Lô Lô, giúp con người vượt qua mọi khó khăn, trở ngại.
Khi làng bản có người qua đời, người chủ gia đình bắn ba phát súng báo hiệu (nếu là nam), bốn phát (nếu là nữ). Sau đó ra ngoài sân gọi thật to: “Mời khách ở gần xa hãy mau cùng về đây/Để đưa hồn người chết”. Sau lời khẩn cầu trời đất, Tổ tiên, ông bà, họ mời tiếp thầy cúng đến xin phép Tổ tiên gọi hồn trống để đem trống ra dùng.
Dân tộc Lô Lô có quan niệm để giảm bớt đau thương, mất mát khi có người ngã xuống, đồng bào thường tổ chức múa quanh thi hài người chết, có tiếng trống đồng điểm nhịp. Tùy theo không gian rộng hẹp của ngôi nhà, người chủ lễ bố trí người múa nhiều hay ít, không kể nam hay nữ, trên 30 điệu múa được thể hiện mô phỏng từ cuộc sống lao động, vỡ đất, gieo trồng, thu hái, se lanh, dệt vải… trống đồng được treo ở cửa ra vào gồm trống đực và trống cái quay mặt vào nhau, nhịp trống lúc chậm rãi, lúc nhộn nhịp náo nức. Bước chân tiến lùi, toàn thân người rung động, những cánh tay vươn lên trời bừng bừng như ngọn lửa tạo thành vũ điệu cao nguyên độc đáo, nối quá khứ với hiện tại và mở ra mai sau với khát vọng cháy bỏng của cộng đồng…
Trước khi đưa thi hài người chết về với Tổ tiên. Lúc này bỗng xuất hiện một đoàn người từ trong rừng đi ra, trên mình dắt đầy cỏ lá, tượng trưng cho Tổ tiên người Lô Lô về đón người quá cố, họ hòa vào đoàn người và múa, sau đó xuất hiện màn múa phồn thực tượng trưng cho sự tiếp nối, phát triển không ngừng của cộng đồng Lô Lô…
Tôi đã từng chứng kiến những đêm múa như vậy, là ở nét tinh tế, độc đáo và thấm đẫm chất nhân văn, đến giờ còn ngỡ ngàng, kinh ngạc… và để hiểu đầy đủ rằng tại sao cố nghệ sĩ ưu tú dân tộc Lô Lô Vương Ngọc Vấn đã dành cả đời để nghiên cứu về văn hóa truyền thống của dân tộc mình, đặc biệt là về nghệ thuật múa.
…Vàng Guấn là tên thật của cố nghệ sĩ Vương Ngọc Vấn, chị có gần 30 tuổi Đảng, là đại biểu Quốc hội khóa III. Chị là phụ nữ Lô Lô duy nhất có nghề biên đạo múa, sáng tác âm nhạc, sử dụng thành thạo đàn Piano, Ắc coóc đê ông, chị thuộc gần 40 điệu múa dân gian… chị đã về với Tổ tiên của người Lô Lô, nhưng tác phẩm của chị còn sống mãi với công chúng Hà Giang và bạn bè, đồng nghiệp. Đó là tác phẩm múa “Mùa hoa của người Lô Lô”, “Đêm trăng”. “Tế trời”. Ca khúc “Tiếng hát người cày nương”, “Nữ dân quân biên giới” tinh tế và sâu lắng.
Là người con của quê hương Mèo Vạc, Tiến sỹ Dân tộc học dân tộc Lô Lô Lò Giàng Páo, hiện công tác ở Hà Nội. Mặc dù bận mọn với nhiều công việc, nhưng anh Páo đã dành tình cảm đặc biệt cho quê hương với nhiều công trình nghiên cứu có giá trị như “trống đồng cổ với các tộc người ở Hà Giang”, “Dân ca trong lễ hội của người Lô Lô”.
Những đỉnh núi cao phương Bắc đã chìm khuất trong sương mù, có cảm giác hoàng hôn trên đất Lũng Cú về sớm hơn. Chúng tôi tạm biệt Lô Lô Chải mà lòng đầy xốn xang với nhiều ý nghĩ tốt lành về vùng đất. Vui mừng vì Lô Lô Chải đang có sự khởi sắc, chuyển mình cùng quê hương, đất nước trên con đường đi đến ấm no hạnh phúc. Ngoài những gì tôi đã bày tỏ, Lũng Cú còn ẩn chứa trong lòng nhiều điều cần được khám phá, bởi vì ở đầu mây, đỉnh trời này tại sao hình tượng rồng lại được đề cập một cách phong phú đến vậy, nào là Đường Rồng, Mắt Rồng, Hang Rồng, Núi Rồng… và tôi không ngần ngại nói về Lô Lô Chải là vùng đất thiêng, nơi giữ hồn sông núi…
Bút ký của CAO XUÂN THÁI
Nguồn Báo Hà Giang: http://www.baohagiang.vn/van-hoa/202305/noi-giu-hon-song-nui-8d30aa3/