Ảnh minh họa.
Ít ai ngờ rằng, địa điểm này chính là nơi mà mọi người ít đề phòng nhất và sẵn sàng bộc lộ đúng bản chất con người thật của mình.
Có không ít người sau khi đi vệ sinh xong, vì ngại nút bấm của nhà vệ sinh công cộng không sạch sẽ, cuối cùng thản nhiên bước ra mà không hề dội nước.
Lại có nhiều người chê bồn cầu ở các WC chung bị bẩn, nhưng lại không muốn dùng giấy của mình lau, sau cùng lựa chọn cách ngồi xổm hoặc thậm chí giẫm thẳng lên bồn cầu.
Cũng có những người vứt giấy lung tung, khạc nhổ khắp nơi, thậm chí có người còn thuận tay lấy đi không ít giấy trong nhà vệ sinh công cộng để đem ra ngoài dùng.
Chắc hẳn bạn cũng đã không ít lần chứng kiến những hành động thiếu ý thức ấy ở các khu vệ sinh chung.
Trên thực tế, có một bộ phận không nhỏ những người bình thường hay tỏ vẻ chê bai, khinh thường kẻ vứt rác lung tung. Thế nhưng khi bước vào nhà vệ sinh công cộng, họ lại chỉ chú ý đến sự sạch sẽ của cá nhân mình mà chẳng hề quan tâm tới người khác.
Sự thực là ở trong những hoàn cảnh càng riêng tư, càng kín đáo, người ta càng dễ dàng tháo bỏ lớp mặt nạ ngụy trang của chính mình.
Đó cũng là lý do mà những phòng vệ sinh công cộng chỉ rộng vẻn vẹn mười mấy mét vuông lại trở thành nơi bóc trần bộ mặt thật của không ít con người sở hữu vẻ ngoài nho nhã, lịch thiếu nhưng lại cất giấu bên trong một tâm hồn nghèo nàn, thiếu ý thức.
Vì vậy, có thể nói nhà vệ sinh chung chính là nơi tiết lộ rõ nhất về nhân cách và giáo dục của mỗi người.
Từ lời chửi thề vô tình ở nhà vệ sinh chung…
Nhà vệ sinh công cộng chính là nơi mà nhiều người vô tình tháo bỏ lớp mặt nạ của mình để bộc lộ con người thật. (Ảnh minh họa).
Có người từng nói: “Văn hóa, đạo đức là sự lo liệu của người đi trước, là sự cẩn thận của người đến sau, mỗi chi tiết nhỏ trong cuộc sống đều là một bức tượng mang đầy bài học giáo dục”.
Ở một nơi riêng tư nhưng lại có nhiều người dùng chung như nhà vệ sinh công cộng, chúng ta càng dễ dàng khảo nghiệm trình độ tiếp thu giáo dục của một người.
Một lần khi đi vệ sinh tại công ty, tôi từng gặp phải tình huống như thế này:
Ở căn buồng bên cạnh có một người đàn ông đang gọi điện nhưng không hề chú ý tới âm lượng, giọng nói cũng vô cùng nóng nảy.
Hóa ra anh ta đặt mua trên mạng một chiếc máy tính, khi tự tiến hành lắp ráp thì xảy ra lỗi. Vì lý do này mà anh gọi điện trách móc và yêu cầu bên bán hàng phải giải quyết.
Từ căn buồng sát vách, tôi có thể nghe rõ giọng nói thiếu kiên nhẫn và đầy bực tức của người ấy:
“Tôi chưa nói tới việc sách hướng dẫn của các người có vấn đề, chỉ cần các người mua hàng mà gặp phải một chiếc máy như vậy, các người có tức giận hay không?”.
“Đừng có nói là lỗi do tôi. Hôm nay tôi đã kiểm tra rất kỹ rồi. Các người cứ chờ mà xem”.
Ngay cả khi đã cách nhau một bức vách, tôi vẫn bị giọng nói đầy phẫn nộ của người ấy hù dọa.
Lần khác, tôi có dịp tới tham quan một công ty. Công ty này nằm trong một tòa cao ốc, mỗi tầng đều chỉ có nhà vệ sinh chung.
Vì căn phòng vệ sinh duy nhất của tầng có mùi không mấy dễ chịu, nên có một nhân viên vì khó chịu mà gấp gáp gõ cửa thúc giục người bên trong.
Khi không nghe thấy tiếng đáp lại, anh chàng ăn bận lịch sự này thuận miệng buông một câu chửi tục tĩu.
Tôi lại nhìn tầng lầu ấy, khắp nơi đều là những người mình khoác âu phục, chân đi giày da, bộ dạng lịch thiệp nho nhã, không ngờ lại có thể bắt gặp cảnh tượng này.
Nhà vệ sinh chung đã bẩn, nhưng những con người đầy học thức lại vì lý do này mà sẵn sàng thốt ra các câu từ chẳng mấy sạch sẽ.
Ngược lại, nếu ở nơi đông người, đa số họ sẽ không thể hiện sự bất mãn của mình một cách thô bạo như vậy.
Có lẽ, họ nghĩ rằng nhà vệ sinh công cộng là một nơi vừa an toàn, vừa bí mật, nên họ sẵn sàng bộc lộ con người thật khác xa lúc bình thường của mình.
… đến câu chuyện về sự vô ý nhỏ và hậu quả nghiêm trọng do lòng ích kỷ
Không gian vệ sinh chung chính là tấm gương phản ánh ý thức của những người sử dụng. (Ảnh minh họa).
Cách đây không lâu, một người bạn từng gặp tôi tâm sự chuyện gia đình.
Cô ấy kể rằng có lần đưa mẹ mình vào siêu thị và để bà đi vệ sinh một mình. Lúc đó, trong nhà vệ sinh có một người mẹ trẻ đang rửa tay cho người con khoảng 3, 4 tuổi của mình.
Nhưng điều đáng nói là người ấy không để đứa trẻ rửa tay trong bồn mà thản nhiên đổ chai nước suối lên tay cậu bé, sau đó thản nhiên dắt con rời đi, để lại trong nhà vệ sinh một vũng nước tung tóe.
Không may sau đó, người mẹ của bạn tôi vừa từ buồng vệ sinh đi ra, đang muốn bước tới chỗ rửa tay thì lại giẫm ngay vào vũng nước đọng.
Người cao tuổi xương khớp vốn không tốt. Mẹ của cô ấy vì tai nạn lần đó mà phải nằm nhà gần nửa tháng trời.
Chúng ta thường dùng câu nói “trẻ con không biết gì” làm cái cớ. Nhưng dù trẻ con không hiểu chuyện, thì lẽ nào người mẹ kia cũng không ý thức được mình đang làm gì hay sao?
Thực tế, người mẹ trẻ ấy hoàn toàn có thể nhờ người khác bế con để giúp bé rửa tay trong bồn, hoặc chí ít sau khi đổ nước ra sàn thì cũng nên lau sạch.
Thế nhưng sự thực là người mẹ trẻ ấy không hề làm hai việc này. Có lẽ, cô ấy nghĩ rằng nhà vệ sinh công cộng ai cũng sử dụng nên không cần thiết phải phí công suy nghĩ cho người khác…
Trần Đạo Minh từng nói một câu như thế này: “Giáo dục và văn hóa lại hai chuyện khác nhau. Có người có văn hóa nhưng lại làm ra những hành động thiếu giáo dục. Ngược lại, có người dù học thức không cao, nhưng hành động lại rất biết chừng mực, rất có lễ nghĩa”.
Nhà vệ sinh công cộng vốn là nơi dùng chung, nhưng nếu chúng ta chỉ chăm chăm làm việc có lợi cho mình mà không suy nghĩ cho người khác, thì điều đó thể hiện sự ích kỷ tới nhường nào?
Người đến trước thể hiện ý thức vốn không phải việc khó, nhưng người đến sau có đủ tự giác để giữ ý thức mới là điều đáng trân quý hơn cả.
Và cái giá âm thầm phải trả của những người thiếu ý thức
Chỉ một hành động nhỏ trong nhà vệ sinh chung cũng sẽ bộc lộ phần nào nhân cách của bạn. (Ảnh minh họa).
Dạo gần đây, bác lao công ở công ty chúng tôi thường xuyên than phiền về việc có người buổi tối ở lại tăng ca nhưng khi đi vệ sinh lại không tắt đèn, khiến bác bị phạt trừ tiền lương.
Trong khi đó, mỗi buồng vệ sinh ở công ty đều đã dán giấy ghi rất rõ ràng: “Buổi tối sau 10 giờ dùng nhà vệ sinh xong làm ơn tắt đèn”.
Cho tới một ngày nọ khi tôi ở lại tăng ca, vừa khéo nhìn thấy người đồng nghiệp đã tăng ca cả chục ngày hôm nay bước ra khỏi nhà vệ sinh, và căn buồng vệ sinh phía sau cậu ấy vẫn sáng đèn.
Tới lúc đó, tôi mới biết được rằng người đồng nghiệp vốn rất ưu tú và nhiệt tình trong công việc ấy lại chính là nguyên nhân khiến bác lao công bị trừ lương.
Tắt đèn chỉ là một thao tác rất nhỏ, tiện tay ấn nút một cái, thậm chí còn chẳng tốn đến 1 giây đồng hồ. Tiếc rằng người đồng nghiệp của tôi thà bỏ qua chứ cũng chẳng nỡ nhón tay làm việc ấy.
Từ sau lần đó, hình tượng của người đồng nghiệp ấy trong mắt tôi cũng khác nhiều so với trước đây. Bởi lẽ, năng lực làm việc dù có cao tới đâu cũng khó mà bù đắp sự thiết sót về mặt tư cách.
Tranh minh họa.
Thế giới bên trong nhà vệ sinh công cộng hết sức chân thực. Ở nơi này, mọi người sẽ cởi bỏ dáng vẻ thường ngày của mình, tháo xuống những lớp vỏ hoa lệ, từ đó biểu hiện ra bằng những hành động hoặc là văn minh, hoặc là thô thiển của mình.
Nếu một người ở nơi này làm ra hành động khiến người khác phải bao dung, hay thậm chí khiến họ chán ghét tới nỗi muốn kỳ thị, đó quả thực là một việc đáng buồn biết bao…