Nỗi buồn làng rắn

Đã có thời được coi là nghề “thu trứng vàng”, “bán một được hai”… nhưng từ nhiều năm nay, những người nuôi rắn ở hai làng nghề nuôi và chế biến rắn trong tỉnh lại như đứng bên bờ vực thẳm vì giá rắn tụt thê thảm, đầu ra bấp bênh. Nhiều người phá đàn, bỏ nghề, chỉ còn số ít vẫn quyết tâm bám trụ và sống chết với nghề được gọi là “làm bạn với tử thần” này.

Nỗi buồn làng rắnÔng Oanh từng có hai chuồng nuôi rắn, số lượng lên tới vài nghìn con nhưng giờ chỉ giữ một chuồng vài trăm con.

Vàng son ngày cũ

Theo chân ông Trần Ngọc Oanh – Trưởng làng nghề nuôi và chế biến rắn Khuân Dậu (khu 7, xã Trung Giáp, huyện Phù Ninh), chúng tôi đi thăm chuồng nuôi rắn nằm sát vách nhà ở của gia đình ông trên đỉnh đồi. Bên trong, hơn 300 ô vuông xây bằng gạch được đậy lại bằng những tấm gỗ ghép lưới sắt và khóa chốt cẩn thận. Không khí thoang thoảng một thứ mùi gây gây, khăn khẳn. Tiếng phì phì không ngớt của đàn rắn vừa lọt tai đã gây ám ảnh, rờn rợn.

Ông Oanh đeo đèn pin lên đầu, một tay nhấc tấm gỗ, tay kia cầm gậy thò xuống dưới chuồng, thản nhiên nhấc lên một khối tròn đen sì, to như cái lốp xe máy. Con rắn lớn dài cả đôi mét ngóc đầu, bành mang lên phì phò. Tôi đứng ngây người, mồm há hốc, cảm giác gai lạnh chạy dọc sống lưng, rùng cả mình. Ông Oanh trấn an: “Đứng xa rồi thì không sợ đâu. Đây là con rắn hổ mang bành, loại cực độc nhưng lại được các hộ ở đây nuôi chủ yếu vì giá trị cao. Trước kia khi nghề còn thịnh, trong chuồng nhiều con rắn to như thế này. Nhưng giờ nghề suy, chuồng vài trăm ô mà số lượng rắn lớn còn lại không đáng mấy”.

Theo lời kể của ông Oanh, nghề nuôi rắn ở Khuân Dậu được hình thành từ đầu những năm 2000, đến năm 2011 thì được công nhận làng nghề. Thời kỳ cực thịnh từ năm 2010 trở về trước, trong làng nghề có gần 100 hộ nuôi rắn được Chi cục kiểm lâm huyện cấp phép, mỗi hộ nuôi từ vài trăm đến vài nghìn con, chủ yếu là rắn hổ mang bành và rắn hổ trâu. Không chỉ nuôi thương phẩm, người dân còn học hỏi được cách nuôi rắn sinh sản để xuất bán trứng và rắn con. Những năm đó, có thời điểm rắn thịt có giá bán ra lên tới 1,2 triệu đồng/kg, trứng rắn có giá 100-150 nghìn đồng một quả, nhiều người còn ví trứng rắn như… trứng vàng. Mỗi năm, làng nghề xuất bán cả trăm tấn rắn cùng hàng vạn quả trứng theo thương lái từ khắp nơi đưa sang Trung Quốc tiêu thụ. Bỏ một vốn được hai lời, con rắn độc đem lại lợi nhuận “khủng” nên nhiều nhà đổi đời, phát tài, có tiền xây nhà tầng, mua xe máy, ô tô và những vật dụng đắt tiền phục vụ đời sống.

Ông Oanh cho biết, nuôi rắn không khó, không quá vất vả nhưng phải đầu tư lớn và chấp nhận mạo hiểm. Tính riêng thời gian ấp trứng, đến lúc nuôi rắn con trưởng thành để đem xuất bán, nhanh thì cũng hai năm, còn lâu cũng phải mất ba năm. Những người mới vào nghề chưa có kinh nghiệm đều phải trả “học phí” rắn chết, ít thì vài chục con, nhiều tới cả trăm. Rắn ăn ít và không cầu kỳ, chủ yếu là cóc, gà vịt thải, cứ cách 4-5 ngày mới cần cho ăn một lần. Mùa lạnh, chúng có thể ngủ đông đến vài tháng mà không cần ăn uống gì. Chuồng trại nuôi rắn được xây bằng gạch thô, không cần sơn trát, chỉ cần đảm bảo sạch sẽ, mát mùa Hè, ấm mùa Đông.

Hơn 20 năm “ăn ngủ cùng tử thần”, ông Oanh may mắn chưa bị rắn cắn lần nào, một phần cũng vì tính ông cực kỳ cẩn thận. Trong làng nghề Khuân Dậu đã có nhiều người nuôi bị rắn cắn, ít thì một lần, nhiều thì ba bốn lần nhưng cũng may chưa ai tử vong. Những năm sau này, người dân học hỏi được các bài thuốc dân gian, hộ nào cũng tự trồng vài cây thuốc trong vườn nhà, bị rắn cắn là hái lá nhai, nuốt nước lấy bã đắp vào vết thương, sẽ giảm được nguy cơ tử vong. “Chính anh trai tôi cũng từng bị con rắn lao ra đớp vào gót chân, phải đưa đi Bệnh viện Bạch Mai cứu chữa, vết sẹo chỗ ấy giờ tê liệt, không còn có cảm giác gì nữa. Tôi từng biết nhiều trường hợp không mất mạng vì rắn thì cũng mất một phần cơ thể, nhất là những tay chuyên đi bắt rắn giúp người dân chuyển hàng đi cửa khẩu để xuất sang Trung Quốc. Có người thì mất vài ngón tay. Có anh còn cụt cả 10 đốt ngón tay ấy chứ. Sinh nghề tử nghiệp, vì miếng cơm, manh áo, muốn có của ăn của để thì phải đánh đổi thôi”, ông Oanh kể.

Nỗi buồn làng rắnNghề nuôi rắn từng đem lại lợi nhuận “khủng” cho các gia đình ở Trung Giáp và Tứ Xã.– Loại rắn hổ mang bành được các hộ ở làng nghề Khuân Dậu nuôi chủ yếu.

Mòn mỏi đợi thời

“Vàng son là thế, mà hơn ba năm nay vì COVID-19 mà không bán được rắn, các hộ trong làng nghề gần như vỡ nợ” – Ông Oanh chùng giọng xuống, thở dài. Nỗi niềm của ông, cũng là nỗi buồn khôn xiết của hơn 60 hộ còn nuôi rắn ở hai làng nghề Khuân Dậu và Tứ Xã.

Thời kỳ hoàng kim, làng nghề nuôi rắn Tứ Xã đạt tổng doanh thu từ 40-50 tỷ đồng/năm với hơn 400 hộ làm nghề, nhà nhà, người người nuôi rắn. Vậy mà đến nay sau hơn một thập kỷ, số hộ còn lại chưa đến một phần mười. Rắn mất giá, đầu ra bấp bênh do thị trường tiêu thụ trở nên khó khăn, thương lái chủ yếu mua gom, xuất sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Trung Quốc đóng cửa các cửa khẩu thì thị trường cũng đóng băng theo, rắn thương phẩm và trứng rắn của làng nghề không xuất đi được. Trong khi đó, nhu cầu trong nước lẻ tẻ và không cao. Giá rắn tụt thê thảm, con rắn mà cân nặng dưới 1,5kg thì giá thu mua chưa bằng một cân thịt lợn. “Trước đây, cách 4-5 ngày chúng tôi cho đàn rắn ăn một lần, còn bây giờ thì nửa tháng mới cho ăn một bữa. Với giá gà, vịt thải, cóc từ 25.000-40.000 đồng/kg và tần suất cho ăn một tháng hai lần như hiện nay thì mỗi năm chúng tôi coi như đang “ném qua cửa sổ” cả trăm triệu tiền thức ăn mà rắn vẫn cứ hao cân, mỗi năm tụt đi vài ba lạng. Con nào sống được thì may, có những con chỉ còn da bọc xương, không ít con yếu đã chết trong chuồng từ bao giờ. Lúc được thì tính từng con mà đến lúc mất thì mất cả trăm, cả nghìn con. Chưa bao giờ những người nuôi rắn lại lâm vào cảnh khốn khó như vậy” – Ông Nguyễn Hữu Thuật – Trưởng làng nghề nuôi rắn xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao than thở.

Bỏ đàn thì mất vốn, nhưng cũng không thể tiếp tục vay mượn để nuôi rắn ăn chờ ngày giá lên vì quá tốn kém, tiến thoái lưỡng nan, những hộ non vốn đều đã chán nản mà bỏ mặc đàn rắn tự chết rũ trong chuồng rồi chuyển sang nuôi lợn, gà, làm rừng, đi xây,… Dẫu vậy, một số hộ vẫn quyết tâm sống chết với nghề, cố gắng giữ đàn rắn nuôi hy vọng chờ ngày giá lên. “Nghề nuôi rắn đã theo tôi bao năm, đánh đổi cả mạng sống và bao của cải tiền bạc vào đàn rắn rồi, không thể bỏ được. Tôi vẫn cố gắng duy trì đàn rắn, nhưng nhiều khi vào cho ăn thấy rắn gầy đi hay phát hiện có con chết thì đứt từng khúc ruột. Những người còn theo nghề như chúng tôi rất cần sự hỗ trợ từ địa phương và Nhà nước về vốn và đầu ra để tiếp tục giữ nghề” – Ông Nguyễn Quốc Việt, người còn nuôi số lượng rắn lớn nhất- hơn 1.000 con ở làng nghề Khuân Dậu than thở.

Đầu năm nay, Trung Quốc đã mở cửa trở lại các cửa khẩu. Lác đác một vài thương lái đã về hai làng nghề để tìm mua rắn. Tuy giá rắn chưa được như mong đợi, chỉ ở mức hơn 400.000 đồng/kg đối với loại từ 1,8kg trở lên nhưng những người nuôi rắn ở hai làng nghề nuôi, chế biến rắn Khuân Dậu và Tứ Xã lại nhen nhóm hy vọng thị trường sẽ sớm phục hồi, để thời đến, và giá rắn sẽ lại lên.

Cẩm Nhung

Nguồn Báo Phú Thọ: https://baophutho.vn/phong-su-ghi-chep/noi-buon-lang-ran/191500.htm