Peter Navarro, cố vấn thương mại của Tổng thống Trump, một “diều hâu” với Trung Quốc, đã bị Nhà Trắng gạt sang bên lề ngay trước thềm cuộc gặp của ông Trump và ông Tập Cận Bình.
Nội bộ chính quyền Trump lục đục
Mỹ và Trung Quốc đang tham gia một cuộc chiến thương mại trong năm nay. Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục tấn công Trung Quốc vì ăn cắp tài sản trí tuệ, hạn chế các công ty Mỹ làm ăn ở Trung Quốc và mất cân bằng thương mại.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ có cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Argentina trong tháng này để thảo luận các vấn đề thương mại.
Ông Navarro là một cố vấn Nhà Trắng rất “hiếu chiến” trong vấn đề chính sách với Trung Quốc. Tuần trước, ông đã phát biểu, thỏa thuận với Trung Quốc sẽ theo ý muốn của Tổng thống Trump chứ không phải là của Phố Wall, khiến một cố vấn khác là ông Kudlow nói rằng, phát ngôn này là không có cơ sở.
Nhà Trắng chưa bình luận về tranh cãi giữa 2 cố vấn và khả năng ảnh hưởng lên chính sách thương mại của Mỹ.
Tuy nhiên, Nick Marro, nhà phân tích tại tập đoàn cố vấn kinh tế The Economist Intelligence Unit (EIU) cho rằng, động thái này không hứa hẹn một đột phá nào tại cuộc gặp giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tại G-20.
Mỹ vẫn còn nhiều “diều hâu” với Trung Quốc
Ông Navarro không phải là “diều hâu” duy nhất trong chính quyền Tổng thống Trump. Robert Lighthizer, đại diện thương mại Mỹ, còn là một thành viên “diều hâu” hơn.
“Chúng tôi dự đoán, ông Lighthizer sẽ tiếp tục đặt áp lực lên Trung Quốc trong vấn đề chính sách công nghiệp, bởi ở thời điểm này, bất kỳ thỏa thuận thương mại nào cũng không thể giải quyết vấn đề trung tâm của tranh chấp, như là vấn đề đánh cắp tài sản trí tuệ hay buộc các công ty Mỹ phải chuyển giao công nghệ”, ông Marro nói thêm.
Dane Chamorro, đối tác cao cấp của Control Risks cho biết, bản thân Bắc Kinh cũng sẽ rất thận trọng với những động thái từ chính quyền Tổng thống Trump. Bắc Kinh từng tiến hành đàm phán với Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin nhưng sau đó các kết quả này đều bị ông Trump gạt bỏ.
Trong bối cảnh cuộc đàm phán cấp cao giữa hai nước đã bắt đầu trước cuộc họp ở Buenos Aires, Argentina, quyết định gạt ông Navarro sang một bên có thể đơn giản chỉ là một cách để kiểm soát thông tin trong thời điểm quan trọng, Rajiv Biswas, kinh tế trưởng tại IHS Markit cho biết.
“Chính quyền Mỹ đang cố gắng kiểm soát các thông tin liên lạc bên ngoài của mình để tránh làm hỏng các cuộc đàm phán song phương sắp tới”, ông Biswas nói với CNBC. Những cáo buộc của Mỹ đối với Trung Quốc vẫn còn nguyên vẹn.
“Chỉ có cải cách trong nước ở một mức độ đáng kể tại Trung Quốc mới có thể giải quyết các vấn đề để mở đường cho cả hai bên đạt được thỏa thuận”, ông Marro của EIU cho biết.