Những thức quà mùa thu không thể thiếu trong đêm rằm

Cho dù thời thế có đổi thay, con người và nhịp sống hiện đại trong mùa Trung Thu nay đã khác, thế nhưng mâm cỗ đêm rằm hầu như vẫn thế, vẫn gọi về sum vầy những thức quà – bánh trái “đặc sản” nhất của tiết trời thu.

Bưởi xanh, bưởi đào

Bưởi là thứ trái cây giản dị mà thân thiết với làng quê Việt. Từ xa xưa, người ta đã tin rằng loại quả này mang lại sự may mắn và bình an. Màu vỏ xanh tươi tượng trưng cho sự mát lành, thanh khiết. Còn dáng bưởi căng tròn là thể hiện của sự toàn vẹn, sung túc, đủ đầy.

Về cơ bản, những quả bưởi có lớp vỏ bên ngoài căng, bóng, hơi ửng vàng, hình dáng tròn đều, khi cầm trên tay thấy nặng chắc thì là bưởi ngon, mọng nước, không bị khô xơ bên trong. Kiểm tra vỏ bưởi dày hay mỏng, bạn có thể dùng đầu ngón tay búng nhẹ vào vỏ bưởi, nếu nghe thấy tiếng “bốp bốp” thì trái đó có vỏ dày, còn nếu có tiếng “cạch cạch” thì vỏ bưởi mỏng nên mua. Quan sát các nốt gai trên lớp vỏ, thấy gai càng to thì trái bưởi đó càng chín, già, ngon. Không nên chọn những trái bưởi có các nốt gai nhỏ, mật độ gai dày, những bưởi đó thường non, khi ăn cho vị rất chua, không ngọt. Trên mâm cỗ Trung Thu, trái bưởi có thể được bày nguyên quả, hoặc tạo hình lật đật đáng yêu, nhưng xu hướng phổ biến nhất hiện nay của các mẹ cầu kỳ, khéo tay là tạo hình cún con bằng quả bưởi để làm nên điểm nhấn sinh động.

Những thức quà mùa thu không thể thiếu trong đêm rằm - Ảnh 1.

Hồng ngâm, hồng đỏ

Hồng ngâm hay hồng đỏ đều là những loại quả thường thấy trên mâm cỗ ngày Tết Trung Thu. Ngay kể cả trong cái thời đại mà hầu như mùa nào bạn cũng có thể ăn các loại hoa quả theo ý thích, thì hai loại quả này vẫn là thứ trái cây hiếm hoi bắt bạn phải chờ cả năm mới được ăn dăm ba lần.

Tượng trưng cho luật cân bằng âm dương của vũ trụ, mâm hoa trái đêm rằm, như quan niệm của người xưa, phải có cả quả xanh, quả chín, màu xanh của hoa quả mang tính âm, trái chín mang tính dương. Vì thế nên hồng ngâm bày lên thường vẫn còn hơi xanh, căng tràn và rắn chắc, biểu tượng cho sức sống tràn trề, trong khi đó hồng đỏ lại phải chín mọng, tươi rói, gợi nhắc đến niềm tin, niềm hy vọng của con người.

Những thức quà mùa thu không thể thiếu trong đêm rằm - Ảnh 2.

Khi chọn mua hồng ngâm, nên chọn những quả còn nguyên cuống, vỏ sáng bóng và lành lặn, không có dấu vết thâm dập. Khi bạn dùng tay ấn nhẹ, nếu thấy qủa hồng cứng chắc và không bị lõm thì là hồng tươi ngon.

Với những trái hồng đỏ, khi chín cầm mềm tay thì quả hồng mới hết vị chát, nhiều nước và có vị mát. Loại hồng to màu đỏ hoặc màu cam đậm là quả ngon ngọt nhất, vỏ mỏng và ít hột hơn. Nên chọn những quả da bóng, trơn, nhẵn và thấy “trong” là hồng đã chín tới. Tránh chọn những quả hồng có vết dơ, thâm, bị nứt và dập nhũn, hoặc bị rụng mất núm.

Cốm xanh ăn với chuối tiêu

Chuối là thứ quả có trong hầu hết các mâm cỗ thờ cúng ở miền Bắc, và với mâm cỗ Tết Trung Thu cũng vậy. Cây chuối tràn đầy nhựa sống và khi trổ buồng có dăm bảy nải, thậm chí có hàng chục nải; mỗi nải có hàng chục quả; đã vậy, xong một vòng đời, cây chuối đẻ ra năm bảy cây chuối con để… duy trì nòi giống. Do đó, cúng chuối cũng là lời cầu mong có sức sống mạnh mẽ, tươi tốt quanh năm, sinh sôi nảy nở.

Trong khi đó, nhắc đến mùa thu Hà Nội là người ta lại có thể nhớ ngay được đến cốm. Cốm là kết tinh quý giá của đồng lúa thôn quê, chứa căng đầy mùi vị thanh thanh, thơm mát của lúa non và lá sen ấp kín. Ngày nay, chẳng phải đợi mùa thu mới được ăn cốm. Cốm có quanh năm, suốt tháng. Nhưng đúng là cốm chỉ ngon nhất khi được ăn vào những ngày mùa thu, khi gió thì dịu mát còn ánh nắng sóng sánh ươm vàng, và trong không khí thì thoảng hương trái chín.

Những thức quà mùa thu không thể thiếu trong đêm rằm - Ảnh 3.

Ăn chuối tiêu trứng cuốc chấm với cốm, cái ngọt sắc của chuối quyện vào vị dẻo bùi của cốm chẳng gì khác chính là một món quà dành cho đám con trẻ hảo ngọt. Ấy là một thức quà thu giản dị đã đi vào bao nhiêu những ký ức tuổi thơ lung linh trong những mùa Trung Thu xưa cũ, mặc dù thời gian đã lùi xa nhưng những cảm xúc hồ hởi, rạng rỡ thì dường như vẫn vẹn nguyên đọng tròn.

Ở Sài Gòn, tiết Trung Thu không được ưu ái rõ rệt đến thế, không cốm, không chuối trứng cuốc, không gió mùa se lạnh nhưng thay vào đó đã có bánh gai lá xanh, có hoa trái đủ đầy mùa nào thức nấy, dưa hấu, dứa, thanh long được cắt tỉa hình cá, hình thỏ, hình heo, hình công vui mắt, ngộ nghĩnh.

Bánh nướng, bánh dẻo

Rất tự nhiên, bánh nướng và bánh dẻo truyền thống từ lâu đã trở thành một phần linh hồn không thể thiếu của ngày Tết Trung Thu. Vỏ bánh nướng thơm mùi trứng, dầu mè, mềm tan trong miệng cùng hương vị từ mỡ đường giòn sần sật thơm nức. Lại còn vị bùi của mứt sen, mứt bí, hạt dưa, lạp xưởng đỏ au quyện cùng lá chanh…. Vỏ bánh dẻo đặc trắng muốt, tinh khôi, dậy mùi hương nước hoa bưởi, quyện với mùi bột nếp, nhân đậu xanh bùi bùi thêm mấy hạt vừng rất vừa miệng. Khi cuộc sống đã đủ đầy, bánh Trung thu trở thành món ăn bình thường, quen thuộc nhưng chắc chắn sẽ không hề mai một vì nó lưu giữ một nét gì đó rất riêng, hương vị rất riêng, cùng với cả một bầu trời kí ức.

Những thức quà mùa thu không thể thiếu trong đêm rằm - Ảnh 4.

Ngày nay, chiếc bánh được sáng tạo với muôn hình vạn trạng, đủ thứ hương vị đặc sắc để dễ dàng hơn trong việc “bắt nhịp” với khẩu vị và nếp sống của con người hiện đại. Chẳng hạn, trong mùa Trung Thu 2018 năm nay, “nhà bánh” Kinh Đô đưa ra thị trường tới hơn tám chục loại. Bánh Trung Thu thượng hạng Trăng Vàng với thức nhân là các sản vật quý: bào ngư, sò điệp, cua bát bửu… Bánh Trung Thu mới lạ lấy cảm hứng từ bánh mochi Nhật Bản, bánh tuyết Hồng Kông, bánh Trung Thu Oreo kết hợp hài hòa phong vị Á-Âu… Bánh Trung Thu Xanh, bánh Trung Thu Tâm An không đường thuần khiết và thanh tịnh với những thức hạt lành tính bố dưỡng: mè đen, hạnh nhân, chia, maccadamia…

Trong tháng 9 này, các hoạt động tư vấn, ăn thử bánh mới tại các gian hàng giới thiệu bánh Trung Thu Kinh Đô cũng vì thế mà có phần tấp nập hơn.