Những tài xế gây tang thương vì rượu bia: Tỉnh lại đối mặt với sợ hãi và ân hận tột cùng trong nhà giam thì cũng đã quá muộn

Nghề tài xế gian lao và nguy hiểm là vậy nhưng tôi tin tai nạn sẽ không xảy ra với những tài xế luôn hiểu và ứng xử đúng tính chất nghề nghiệp của mình, biết từ chối mọi cám dỗ, chăm sóc phương tiện chu đáo và biết giữ gìn sức khỏe mình.

Không có nỗi đau nào làm cho người ta bàng hoàng, sững sờ hơn là nỗi đau mất mát vì tai nạn giao thông. Vừa dắt xe ra khỏi nhà đưa con đi học, dặn vợ rằng: “Đợi anh về cùng đi ăn sáng nhé”; hoặc “Con đợi đấy, mẹ sẽ đến đón con về ngay”; “Cha yên tâm, con sắp tới nơi rồi”… không ai có thể ngờ rằng đó là lời nói sau cùng của người thân mình trên cõi đời này.

Và nỗi đau mất mát ấy sẽ thấm sâu vào ruột gan người thân nạn nhân hơn bắt đầu từ đêm đầu tiên, khi đã đưa tiễn nạn nhân nằm sâu dưới lòng đất lạnh hoặc biến thành khói bụi ở đài hóa thân. Những ngày vừa qua còn có anh chị em, bà con bằng hữu an ủi chia sẻ và trong lòng còn canh cánh lo chuyện tang gia – nay còn lại một mình trong đêm tĩnh lặng… Hơi ấm, hình bóng người thân như còn đâu đây – nỗi đau ấy như lưỡi dao sắc lạnh cắt vào ruột gan.

Gửi các bác tài làm nghề múa trứng trên đầu gậy: Phía trước tay lái là sự sống của rất nhiều người và cả gia đình mình - Ảnh 1.

Gần đây có quá nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng xảy ra vì những lý do không đáng có. Ai cũng bàng hoàng, bất an khi ra đường. Đang làm việc bên đường; dừng đèn đỏ trước giao lộ; ngồi ăn trong quán; đêm ngủ trong nhà; đang thiu thiu trên xe khách… bỗng bị xe “điên” hoặc xe “mất lái” cướp mất sinh mạng chỉ vì tài xế say xỉn, phê thuốc…

Không ai muốn gây ra tai nạn cả. Tôi tin rằng những người tài xế uống rượu rồi gây tai nạn, khi tỉnh rượu sẽ đối mặt với sự sợ hãi và nỗi ân hận tột cùng trong nhà giam. Nhưng lúc đó đã quá muộn.

Tài xế – nghề múa trứng trên đầu gậy

Tôi là một tài xế từ thời bao cấp. Trải đủ cung bậc vui buồn trên vạn dặm đường với loại xe đời mới, đời cũ tôi quá thấu hiểu tính chất nghề nghiệp mình. Đó là một nghề rất dễ gây đau thương cho người khác và phải đối mặt với áp lực công việc căng thẳng hàng ngày. Không phải tự nhiên mà người ta ví von nghề tài xế là nghề múa trứng trên đầu gậy; nghề kiếm củi ba năm thiêu rụi một giây hoặc cái nghề chân trong chân ngoài cửa nhà giam.

Dù đã dày dạn tay nghề, nhưng cứ mỗi lần xe lăn bánh tôi đều không thoát nỗi lo canh cánh trong lòng. Đường sá càng trở nên chật chội từ ngày ô tô cá nhân và xe máy trở thành phương tiện đi lại chính của người dân. Nhưng người ta đi đứng tùy tiện lắm. Người đi xe gắn máy bất thần cúp cua, người đi bộ thình lình băng qua đường trước đầu ô tô mình là chuyện bình thường. Đồng nghiệp thì cũng không thiếu người lạnh lùng, hằn học tranh nhau từng tấc đường.

Gửi các bác tài làm nghề múa trứng trên đầu gậy: Phía trước tay lái là sự sống của rất nhiều người và cả gia đình mình - Ảnh 2.

Đồng nghiệp của tôi nhiều người ngồi trước tay lái mà tâm trạng nặng nề vì sự đối xử tệ bạc, không công bằng của chủ. Người thì gặp phải người chủ bắt tài chạy xe bất kể ngày đêm mà phớt lờ đồng lương ngoài giờ. Người thì vấp phải bà chủ khó tính, giận chồng, giận con… cũng đổ lên đầu tài xế. Anh bạn tôi lái xe buýt nhìn vẻ ngoài rất “đồng phục” nhưng bên trong là cả nỗi niềm nghề nghiệp. Đường sá chật chội, người ta đi lại ngang tàng, tài xế xe buýt phải có thần kinh thép mới chạy đủ chuyến, đúng tuyến, đúng giờ mà không gây tai nạn. Đi làm khi con chưa thức giấc, về đến nhà lúc con đã ngủ nên tình cảm cha con trở nên lạt lẽo.

Hai anh bạn lái xe khách và xe tải khác thì gặp phải người chủ bất cần tài xế. Cứ lễ tết là bắt xe chạy ngày chạy đêm. Xe chở quá tải mà không được chăm sóc, tài xế chạy suốt mệt đứ đừ nhưng không được chợp mắt. Đã thế xe đến này còn phải bốc dỡ hàng hóa… Có những người chủ không coi tài xế là người, cũng biết mệt mỏi.

Gửi các bác tài làm nghề múa trứng trên đầu gậy: Phía trước tay lái là sự sống của rất nhiều người và cả gia đình mình - Ảnh 3.

Ảnh: Ann Wamack

Những lần suýt chết

Có lần do yêu cầu của hành khách trên xe mà tôi phải chạy gắng. Chạy ngày chạy đêm quá mệt mỏi, nhưng “khách hàng là Thượng đế” nên tôi phải cố gắng làm vừa lòng họ. Nhưng lực bất tòng tâm. Mắt tôi vẫn mở mà tay lái cứ đơ ra. Xe cứ thế lao thẳng hướng vào đám học trò tan trường.

May thay, lúc ấy có một hành khách ngồi ghế trước đột nhiên thức giấc và hét lên.

Thoát được một vụ tai nạn kinh hoàng trong gang tấc, tôi tỉnh ngay và run lên bần bật. Cả ngày hôm ấy tôi sống trong bần thần. Nếu người hành khách đó không thức dậy đúng lúc thì những em học sinh thơ dại ấy đã vì mình mà nằm ngổn ngang dưới đất rồi!

Một lần khác nữa, nhớ lại tôi vẫn còn bủn rủn. Buổi sáng hôm ấy trời còn mờ sương. Tôi lái chiếc xe bảy chỗ đi xa. Con đường từ Hội An ra quốc lộ 1A vừa mới làm phẳng phiu, khá vắng. Cứ thế tôi chủ quan mát ga vượt hết xe này đến xe khác. Phía trước xe tôi, giờ đây là người đàn ông cầm lái chiếc mô tô phân khối lớn chở hai bên hai sọt hàng to đùng và một người phụ nữ ngồi ở giữa. Anh ta chạy hối hả với tốc độ khá cao. Tôi không nhận ra phía trước còn có một chiếc xe máy khác chạy chậm hơn mà phán đoán chiếc mô tô ấy sẽ lách ra giữa đường để vượt lên… Thế là “cộp” một tiếng khô khốc phát ra từ vè trước bên phải xe tôi. Chiếc xe máy phân khối lớn bị xe tôi hích nhẹ vào thanh gỗ buộc hai giỏ hàng.

Chiếc xe chao đảo một đoạn rồi lật nhào ra vệ đường. Người đàn ông cầm lái nhăn nhó ôm ngực, lóp ngóp ngồi dậy. Người phụ nữ nằm bất động giữa đường, được chồng lay giật một hồi rồi cũng ngo ngoe tỉnh dậy. Chị ta véo mặt mình, sờ nắn tay chồng liên tục. Đến khi biết chắc chắn cả hai còn sống chị bỗng khóc òa, sụp lạy tôi như tế sao: “Chú có biết không, vợ chồng tôi chạy chợ để nuôi cả đàn con dại đó. Chú làm ơn hiểu như vậy mà lái xe cho cẩn thận”.

Lời nhắc nhở của người mẹ đông con ấy đã thấm vào ruột gan tôi.

Không uống bia rượu khi lái xe – nghe dễ, làm khó

Tài xế cũng còn phải đối mặt với bao cám dỗ trong cuộc sống hàng ngày. Ai cũng biết tài xế không được uống bia rượu quá ngưỡng cho phép khi ngồi sau tay lái. Tuy nhiên ngưỡng cho phép tùy cơ địa từng người, biết đâu mà lần, nên tôi chọn cách an toàn nhất là không uống.

Nghe có vẻ đơn giản nhưng thực tế đó là sự đấu tranh nội tâm không dễ dàng của nhiều tài xế. Bạn tôi có người đã không cưỡng được trước thức ăn sơn hào hải vị mà uống nước suối thì chán chết, hoặc cả nể vì lời nài ép của người khác. Và đã gây tai nạn trên đường về…

Những tài xế tương lai nhất thiết phải hiểu ranh giới sinh nghề tử nghiệp đối với nghề tài xế chỉ là cái chớp mắt. Tính nóng nảy, háo thắng, thích ăn chơi nhất thiết không chọn nghề này. Sự dễ dãi của một số trường dạy lái và những người rủ rê bán bằng giả là hại tương lai bạn đó.

Gửi các bác tài làm nghề múa trứng trên đầu gậy: Phía trước tay lái là sự sống của rất nhiều người và cả gia đình mình - Ảnh 4.

Làm tài xế hãy yêu bản thân mình trước đã. Bởi biết quý trọng bản thân tất nhiên bạn sẽ không vì chút ham vui nhất thời như bia rượu nhậu nhẹt để rồi vướng rắc rối dọc đường, gây tai nạn cho người khác. An toàn cho mình là động lực thúc đẩy, nhắc nhở bạn phải cẩn trọng trong mọi chuyến đi và trước mỗi hành vi khi ngồi sau tay lái. Vì chỉ sơ sểnh, chủ quan là gây tai nạn. Nạn nhân chết, hệ lụy đau thương cho cả gia đình, còn bản thân mình tù tội, gia đình tán gia, bại sản. Nghĩa là người tài xế phải thấu hiểu: Phía trước tay lái là sự sống của rất nhiều người và cả gia đình mình – phải lái xe cẩn thận, bằng tất cả sự tập trung.

Nghề tài xế gian lao và nguy hiểm là vậy nhưng tôi tin tai nạn sẽ không xảy ra với những tài xế luôn hiểu và ứng xử đúng tính chất nghề nghiệp của mình, biết từ chối mọi cám dỗ, chăm sóc phương tiện chu đáo và biết giữ gìn sức khỏe mình.