VFF đang trong quá trình đàm phán hợp đồng với HLV Park Hang-seo và tiền không phải yếu tố duy nhất tạo nên sự đồng thuận.
Hai yếu tố cơ bản nhất một người cần nghĩ đến khi ra quyết định chọn nơi làm việc là tài chính và môi trường. Thu nhập tốt đi kèm điều kiện làm việc thoải mái, có khả năng thăng tiến là mơ ước của mỗi cá nhân, không loại trừ HLV Park Hang-seo.
Trong thời gian hơn 1 năm rưỡi gắn bó với bóng đá Việt Nam, HLV Park Hang-seo đã có nhiều niềm vui và vinh quang. Nhưng môi trường tại Dải đất hình chữ S liệu có phải toàn thuận lợi với ông thầy người Hàn Quốc?
Nếu thật sự thuận lợi, có lẽ thầy Park đã không cần phiền muộn, nổi nóng trước thềm King’s Cup 2019. Rõ ràng, môi trường bóng đá Việt Nam vẫn tồn tại những điều khiến HLV Park Hang-seo kém vui mà nếu không sớm khắc phục sẽ dần dần đẩy chiến lược gia này đi xa.
Đẩy quá nhiều trách nhiệm lên HLV Park Hang-seo
Trong hợp đồng hiện tại ghi rõ, HLV Park Hang-seo sẽ nắm cả ĐTQG và U23 (U22) Việt Nam. Bởi thế về tình về lý, chẳng có gì sai khi chúng ta yêu cầu thầy Park ôm đồm cả ĐTQG đá vòng loại World Cup 2022 lẫn SEA Games 2019, dù 2 giải đấu có phần trùng lịch nhau ở nửa sau tháng 11.
NHM Việt Nam khao khát thành tích khi chúng ta đã “đói” danh hiệu quá lâu. Điều ấy khiến mọi hy vọng đều được treo lên cái cọc vững chắc nhất hiện tại là thầy Park.
Nhiều ý kiến cho rằng, thôi thì thầy Park hãy cố nốt năm nay, ra sức gì bóng đá Việt Nam rồi sau này sẽ khác. Nhưng liệu sau này có khác hay không thì… chưa ai biết. Vậy nên nếu không đưa ra những lộ trình cụ thể, cam kết về một lịch trình làm việc nhẹ nhàng hơn, VFF khó lòng giữ chân HLV Park Hang-seo lâu dài.
Dĩ nhiên, khi giảm tải cho thầy Park, chúng ta cũng cần xây dựng các phương án khác, các nhân sự khác để gánh trách nhiệm. Phương án tốt nhất sẽ là đẩy mạnh việc cho các HLV trẻ, cựu cầu thủ lên học hỏi kinh nghiệm cầm quân của thầy Park, hoặc mang về thêm các HLV ngoại chất lượng khác.
Sự chuẩn bị chưa như ý HLV Park Hang-seo
Trước vòng loại VCK U23 châu Á 2020, HLV Park Hang-seo từng than phiền rằng ông có quá ít thời gian hội quân để chuẩn bị tốt nhất cho giải đấu.
“…Tôi chưa hài lòng lắm với Liên đoàn bóng đá Việt Nam, bởi thời gian tập trung, tập huấn hơi ngắn. Từ nay về sau tôi và VFF phải làm việc chặt chẽ hơn, để VFF có thể hỗ trợ tốt hơn, quyết liệt hơn các yêu cầu của tôi”.
Ngay sau đó, Phó chủ tịch chuyên môn VFF Trần Quốc Tuấn đã lên tiếng giãi bày:
“Thực sự những việc này đều đã được TTK Lê Hoài Anh trao đổi và làm việc trước với HLV Park Hang-seo, để chuẩn bị cho các giải đấu mà các ĐTQG tham dự trong năm nay rồi. Các giải VĐQG của Thái Lan hay Indonesia cũng vậy thôi, họ cũng vừa kết thúc để U23 tập trung.
Vấn đề là năm nay chúng ta có quá nhiều giải đấu phải tham dự. Trong khi V.League và Cúp Quốc gia vẫn diễn ra song song nên quỹ thời gian dành cho U23 Việt Nam không được như mong muốn. Nhưng như thế cũng đã là tạm ổn rồi”.
Lời chia sẻ của Phó chủ tịch Trần Quốc Tuấn chẳng sai mà lời than phiền của thầy Park… cũng đúng. Vấn đề nằm ở chỗ ông Park đang chịu quá nhiều áp lực, phải tham gia quá nhiều giải đấu mà lúc nào cũng có chỉ tiêu cao. Dĩ nhiên để đáp ứng các chỉ tiêu, ông cần sự chuẩn bị kĩ càng nhất có thể.
Đến đây cũng là cái khó ngược trở lại cho VFF khi phải thu xếp lịch trình cả năm thật hợp lý, có những tác động thích hợp đến các CLB.
“Trong các giải đấu sắp tới, sẽ phát sinh những vấn đề tương tự, như tranh chấp giữa Liên đoàn và các CLB trong việc trả quân. Chúng ta phải ngồi với nhau để giải quyết rốt ráo”, vẫn lời HLV Park Hang-seo.
Thực tế những CLB tại Việt Nam vốn vẫn luôn ưu ái nhả quân lên các cấp ĐTQG nhưng khi VFF gọi người liên tục, dĩ nhiên mâu thuẫn với đội bóng chủ quản cũng dần tăng lên.
Trong tương lai, VFF sẽ cần làm tốt hơn công tác lên lịch trình để chuẩn bị cho các giải đấu mà điều quan trọng nhất là cần có những thông báo sớm, họp bàn cùng HLV Park Hang-seo cũng như các CLB liên quan để tránh xảy ra bất đồng không đáng.
Sự “nhiệt tình” quá mức của báo giới
Sự nổi tiếng sẽ thu hút báo giới và mặt trái của nó là những chuyện hay dở đều bị săm soi kĩ càng. Tuy nhiên, không phải ở nơi nào, cách tiếp cận của báo giới cũng giống nhau.
Ví dụ như truyền thông Thái Lan thời gian qua có không ít bài chỉ trích đội U23 hay ĐTQG, nhưng đấy là khi họ thật sự rơi vào tuyệt vọng. Còn thông thường, báo chí Thái Lan vẫn khá nhẹ tay trước các thất bại nhỏ của đội tuyển, thậm chí có các góp ý theo hướng tích cực.
Tuy nhiên, ở Việt Nam mọi thứ gay gắt hơn không ít. Một thành công có thể được tung hô, nhưng thoáng cái sẽ bị dìm xuống khi thất bại.
Mới nhất, chỉ là danh sách triệu tập 23 cầu thủ đá King’s Cup đã khiến HLV Park Hang-seo nhận rất nhiều sự soi mói, tra hỏi và khiến ông thật sự phiền lòng. Sẽ như thế nào nếu một ngày nào đấy, thầy Park không thể vung lên đũa phép, vẽ ra một khung cảnh thần tiên mà phải nhận thất bại?
Dĩ nhiên, vai trò của báo chí, những sự phân tích, mổ xẻ là bình thường và cần thiết. Nhưng mọi thứ đều nên lấy lợi ích chung làm đầu và cần tôn trọng người làm chuyên môn.
Nói như BLV Quang Huy, báo chí lên tiếng là không sai, nhưng ít nhất hãy đợi HLV Park Hang-seo thi đấu xong King’s Cup hãy “phán”, hơn là đổ hết hàng loạt chất vấn lên đầu ông ngay khi giải đấu sắp bắt đầu.
Cho tới hiện tại, những phiền muộn của thầy Park ở Việt Nam may là còn nhỏ lẻ và chưa thật sự tạo nên mâu thuẫn lớn. Nhưng nó rồi sẽ tích tụ dần và có ngày bộc phát nếu chúng ta không sớm tìm cách cải thiện.
Mối quan hệ giữa bóng đá Việt Nam với HLV Park Hang-seo rồi sẽ có ngày phải chia tách, nhưng hy vọng đừng kết thúc bằng từ “Địa ngục” như có lần HLV Park Hang-seo đã nói.