Theo chuyên gia phần lớn “thủ phạm” dẫn tới hỏng thận của người Việt là do tăng huyết áp và tiểu đường. Nguyên nhân nguồn gốc của vấn đề lại bắt nguồn từ các sai lầm trong ăn uống.
LTS: Suy thận mãn tính hiện nay ngày càng tăng và đang có xu hướng trẻ hóa do lối ăn uống thiếu kiểm soát, thói quen ít vận động, stress… Sự chủ quan không có ý thức bảo vệ hai quả thận, đã khiến cho rất nhiều người phải trả giá đắt.
Để giúp cho mọi người cảnh giác hơn với căn bệnh suy thận mãn tính, chúng tôi xin gửi tới quý độc giả tuyến bài: Đừng phá hỏng thận bằng sự chủ quan!
Nước nông nghiệp nhưng ăn thiếu rau
Suy thận mãn tính đang gia tăng ở người Việt và đang ngày một trẻ hóa và tăng do chế độ ăn uống thiếu khoa học, còn tồn tại nhiều nghịch lý mà người Việt chưa lưu tâm tới.
Ths.BS Nguyễn Đình Phú, Phó Chủ nhiệm khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, tại Việt Nam bệnh lý suy thận chịu hậu quả nặng nề của đái tháo đường, tăng huyết áp. Đây là, hệ quả của việc bữa ăn của người Việt đã thay đổi theo sự phát triển của kinh tế.
Kinh tế phát triển, thực phẩm trở nên dư thừa khiến cho người Việt ăn nhiều thức ăn nhiều đạm và thực phẩm chế biến hơn, ít rau. Nghịch lý nhận thấy rõ nhất Việt Nam là một nước nông nghiệp nhưng người dân không ăn đủ lượng rau theo khuyến cáo của WHO ăn 400gram/ngày.
Người Việt suy thận tăng do chế độ ăn thiếu tiết chế.
“Người Việt đang tập trung quá nhiều vào ăn thịt mà quên ăn rau, hoa quả. Điều này có thể dẫn tới rối loạn chuyển hóa gây ra các căn bệnh đái tháo đường, gút, tăng huyết áp và hệ lụy là suy thận”, bác sĩ Phú nói.
Một số báo cáo của Mỹ đã có những công trình nghiên cứu chứng minh, thịt đỏ có ảnh hưởng gián tiếp tới thận, do liên quan tới bệnh đái tháo đường.
Người Việt đang ăn rất mặn
Thói quen ăn mặn gây ra nhiều bệnh lý cho người Việt trong đó có bệnh của 2 quả thận. Một người Việt Nam trưởng thành ăn khoảng 9,4 g muối mỗi ngày, gấp hai lần so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới.
Theo nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, 81% lượng muối tiêu thụ hàng ngày tại nước ta chủ yếu là từ muối và các gia vị trong quá trình chế biến, nấu nướng và khi ăn. 11% muối từ thực phẩm chế biến sẵn, trong thực phẩm tự nhiên chỉ chiếm 7%.
Bác sĩ Phú cho hay, chỉ nên ăn khoảng 3-4gram/ngày khoảng 1 thìa cà phê. Ăn quá nhiều muối sẽ làm tăng trương lực thành mạch, ứ nước trong tế bào, tăng sức cản ngoại vi gây tăng huyết áp và tăng nguy cơ suy thận.
Nguồn muối chủ yếu người Việt ăn vào cơ thể từ bột canh, hạt nêm, nước chấm. Ngoài ra, cần tránh ăn nhiều một số thực phẩm có chứa nhiều muối như: xúc xích, thịt hộp, dưa cà muối, mỳ tôm, bánh mỳ…
Bác sĩ Phú cho biết, đối với những người đang mắc bệnh thận ăn uống đúng sẽ giúp cho bệnh nhân để làm chậm quá trình chậm tiến trình phát triển của bệnh từ độ 2 lên độ 3… Bệnh nhân sụy thận vẫn có thể ăn đạm nhưng phải tuân theo chỉ định của bác sĩ.
Trong ăn uống cần phải ăn đủ năng lượng giảm đạm và tăng cường nhóm tinh bột, đường và chất béo để tránh suy dinh dưỡng. Lượng muối nên ăn đối với bệnh nhân thận dưới 3gram/ngày. Nên ưu tiên thực phẩm đạm động vật (thịt, cá, trứng, sữa…, hạn chế thực phẩm giàu đạm nguồn gốc thực vật (đậu, đỗ, vừng, lạc).
Uống thuốc không có chỉ định
Theo bác sĩ Phú ngoài ăn uống thì thủ phạm gây ra suy thận ít người để ít tới đó chính là việc dùng thuốc không đúng theo chỉ định.
Đặc biệt, rất nhiều người đang lạm dụng dùng corticoid để chữa bệnh về khớp để lại hậu quả rất lớn. Nhất là ở những vùng quê bệnh nhân thường dùng thuốc theo lời mách của nhau dùng các loại thuốc lá có chứa corticoid kéo dài gây ra tình trạng nghiện corticoid.
Một số bệnh nhân dùng thuốc có chứa corticoid dẫn tới thay đổi nội tiết gây ra đái đường, loãng xương, cao huyết áp, suy thận…
Bác sĩ Phú khuyến cáo: “Để bảo vệ thận, cần phải bảo vệ sức khỏe chung, uống đủ nước, không uống rượu bia. Dự phòng bệnh đái tháo đường, huyết áp. Không ăn mặn, ăn hạn chế thịt đỏ. Bệnh nhân suy thận giai đoạn chưa phải lọc máu phải có chuyên gia dinh dưỡng để đưa ra chế độ dinh dưỡng”.
Ngoài ra, cần phải tăng cường vận động theo khuyến cáo nên đi bộ ít nhất 10.000 bước/ngày hoặc tập thể dục 60 phút/ngày. Tập luyện phù hợp theo độ tuổi và chú ý uống đủ nước. Dùng thuốc tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ.