Saddam Hussein và những cai ngục người Mỹ.
Một quản giáo nhớ lại những phút cuối cùng trong tù của Saddam Hussein: “Ông ấy nhìn quanh và nói lời tạm biệt. Ông ấy rất buồn. Một vài người trong chúng tôi đã khóc”.
Kỳ 1: Chiến dịch Bình Minh Đỏ: Sai lầm thô thiển khiến Mỹ không thể bắt được Saddam Hussein sớm hơn
Kỳ 2: Chiến dịch Bình Minh Đỏ: Lần ra dấu vết Saddam Hussein từ… một con ngựa trắng
Kỳ 3: Số phận những người cuối cùng che giấu Saddam Hussein
“Bảo mẫu” bất đắc dĩ
Chris Tasker ngồi đó, quan sát Saddam Hussein thong thả dùng bữa sáng – bắt đầu bằng trứng ốp-la, rồi đến bánh xốp đường. Chưa cần nhìn nét mặt, chỉ nhìn vào đĩa đồ ăn, Tasker đã có thể đoán biết sự hài lòng của Hussein.
8 tiếng mỗi ngày, liên tục trong nhiều tháng liền, chỉ làm một việc duy nhất là theo dõi Saddam Hussein ăn – ngủ – nghỉ, Tasker và 11 người lính khác có thể kể chính xác lịch sinh hoạt hàng ngày, thuộc lòng mọi sở thích, biết rõ Hussein thích bánh ngọt ra sao, ghét thịt bò tới cỡ nào.
Thân quen tới mức, ngay cả khi cựu Tổng thống Iraq hét lên, đòi một món ăn nào đó, thì họ cũng không cảm thấy ông đáng sợ.
5 trong số “Super Twelve” – 12 binh sĩ Mỹ thực hiện nhiệm vụ canh gác Hussein
Nhưng điều mà Tasker không thể lý giải là vì sao mình được chọn làm người canh giữ người đàn ông này.
Khi Hussein bị bắt, buổi huấn luyện cơ bản dưới trời tuyết của cậu đã lập tức được tạm dừng, chỉ để tất cả cùng tập hợp, xem tin nóng hổi phát khắp toàn cầu và hò reo sung sướng. Còn giờ thì cậu ngồi đây, là 1 trong số “Super Twelve” – nhóm 12 lính canh giữ Saddam Hussein trong những tháng diễn ra phiên tòa, đảm bảo ông yên vị tại trại giam bí mật, khỏe mạnh và thoải mái.
Nhiệm vụ này có những yêu cầu rất nghiêm ngặt: Phải đối xử với Hussein một cách lịch sự, nhưng cứng rắn khi cần. Không mở lời trước, nhưng sẽ đáp lời nếu ông hỏi. Không kể về gia đình hay cuộc sống cá nhân. Đáp ứng mọi yêu cầu của Hussein thông qua các kênh chính thức. Phục vụ ăn và lau dọn sàn. Đảm bảo nước tắm không quá nóng, không quá lạnh. Giám sát ông tập thể thao và dọn sạch giường cho ông mỗi ngày.
Và họ tuyệt đối giữ không được tiết lộ về việc đang làm.
Paco Resse, một thành viên của Super Twelve ví von: “Chúng tôi như bảo mẫu vậy. Thực sự giống ở trại dưỡng lão”.
“Ông ấy là người ngầu nhất”
Trong mắt những người lính gác, Hussein có vẻ dễ chịu hơn nhiều so với một kẻ đang bị truy tố vì tội ác chống lại loài người. Cách nói chuyện nhã nhặn, sự từng trải ở người tù nhân lớn tuổi này đôi khi làm họ nhớ tới người ông của mình.
Adam Rogerson vẫn còn nhớ rõ cảm xúc của mình đã thay đổi như thế nào: “Ban đầu, chúng tôi khá xa cách. Ông ấy cứ ngồi nhìn chằm chằm vào tôi, và tôi cũng nhìn như thế về phía ông ấy. Nhưng buổi tối, ông ấy dần thoải mái hơn. Rồi chúng tôi có thể cùng nghe nhau radio. Ông ấy ngồi bên chiếc lò sưởi nhỏ, cùng nhau giết thời gian”.
Hussein không gặp khó khăn để nhớ tên những người quản giáo của mình. Ông thích nói chuyện, sẵn sàng viết thơ tặng họ, dù bằng thứ tiếng Anh pha tạp. Câu chuyện cuộc đời của người đàn ông từng ở đỉnh cao quyền lực có nhiều điều khiến các binh sĩ ngoài 20, đa phần mới chỉ tốt nghiệp khóa huấn luyện cơ bản và chưa từng nếm trải nhiều cay đắng, cảm thấy thú vị.
“Có lần, ông ấy xem lại những bức ảnh mình hút xì gà ban đêm ở Cohiba. Tôi chỉ muốn kiểm tra xem ông ấy đang làm gì – Đó là bức ảnh chụp cùng một nguyên thủ khác trên thuyền. Và rồi tôi ngồi đó, chỉ để nghe ông ấy kể về việc hút xì-gà với vị lãnh đạo kia. Ai cũng có những câu chuyện thật ngầu. Nhưng có lẽ ông ấy là người ngầu nhất”, Rogerson khẳng định.
Bị giam giữ biệt lập, “không có nhà, không có gia đình”, 12 chàng lính trẻ lúc đó chẳng khác nào gia đình của Hussein. Hay ít nhất, là ông khiến họ cảm thấy như vậy. “Ông ấy thường xuyên gọi chúng tôi là con trai, là người anh em, là bạn bè”. Ngay cả cái cách Hussein lắng nghe và đưa ra lời khuyên cho những vấn đề của những lính gác quanh mình cũng mang tới sự gần gũi của một “già làng”.
“Cậu phải tìm một người phụ nữ tốt. Không quá thông minh, không quá lầm lì. Không quá già, không quá trẻ. Một người có thể nấu nướng và dọn dẹp”, Hussein đã nói như vậy khi nghe Sean O’Shea tâm sự chuyện tình cảm.
Joseph, người đảm trách nhiệm vụ phiên dịch cho Hussein chia sẻ: “Tôi có nhớ về ông ta như một kẻ độc tài tàn bạo không ư? Tất nhiên là không. Tôi sẽ nhớ những buổi tối ngồi cùng ông ấy – một con người. Thực sự là vậy”.
Nỗi mặc cảm vì tù nhân đã chết
Sợi dây được cho là từng được dùng để treo cổ Saddam Hussein tại ngôi nhà của một bác sĩ, người chứng kiến vụ tử hình
Adam Rogerson chưa thể quên những gì đã diễn ra khi họ tiễn người tù nhân của mình đi tới cái chết. “Ông ấy nhìn quanh và nói lời tạm biệt. Ông ấy rất buồn. Một vài người trong chúng tôi đã khóc. Thật điên rồ. Tôi đã từng tham chiến, đã trải qua bom đạn, nhưng lại chẳng được chuẩn bị trước cho tình huống này xảy ra”.
Cho tới nhiều năm sau này, những người lính trẻ ngày nào vẫn chưa thực sự vượt qua sự đau buồn – thứ cảm xúc khi mất đi một người thân quen, chứ không phải một kẻ thù địch. Vài người trong số họ thực sự rơi vào trạng thái căng thẳng sau chấn thương. Có người mang trong mình mặc cảm vì đã gián tiếp giết một người thân của mình. Những cơn ác mộng vẫn đôi lần tìm đến họ.
“Điều đó không thực sự tác động tới chúng tôi cho tới khi thời gian đẩy xa mọi chuyện. Khi tất cả đã lắng xuống, bạn nằm trên giường buổi tối, tâm trí bạn sẽ quẩn quanh và nghĩ: Mình đã thực sự làm vậy sao? Chúng tôi đã quá gần gũi với ông ấy. Tôi thấy mình đã làm ông ấy thất vọng”, Adam Rogerson giãi bày.
“Về một mặt nào đó, tôi coi ông ấy như một người bạn. Với một chàng thanh niên 22 tuổi, “đó là thứ tình bạn có thể hy sinh vì nhau. Tôi tin rằng nếu một trong những chiếc trực thăng của chúng tôi bị bắn hạ và lực lượng nổi dậy tới giải cứu ông ấy, ông ấy cũng sẽ không làm chúng tôi bị thương”.
(Còn tiếp)