Những lễ khai ấn độc đáo của xứ Thanh

Trong hệ thống di sản văn hóa phong phú, đa dạng, xứ Thanh tự hào có những lễ khai ấn đặc sắc gắn với các di tích cấp quốc gia, danh nhân tiêu biểu của đất nước như: lễ khai ấn đền Trần (xã Yên Dương, Hà Trung), lễ khai ấn đền thờ Lý Thường Kiệt (xã Hà Ngọc, Hà Trung).

Những lễ khai ấn độc đáo của xứ ThanhCác cụ cao niên của xã Hà Ngọc thực hiện nghi thức tế lễ trong lễ khai ấn đền thờ Lý Thường Kiệt.

Lễ khai ấn đền Trần và dấu ấn Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn trên đất Thổ Khối, Yên Dương

Thổ Khối, xã Yên Dương là ngôi làng cổ, được bồi đắp từ nguồn phù sa Tống Giang nơi thượng nguồn đổ về. Ngôi làng có cảnh sắc sơn thủy hữu tình, vừa tựa như một thung lũng nằm ở khu vực ngã ba sông vừa được bao bọc bởi những ngọn núi. Có lẽ, chính địa thế đặc biệt mà ngược dòng lịch sử, mảnh đất Thổ Khối, Yên Dương này đã ghi đậm dấu ấn của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ 2 (năm 1285), thể hiện “Hào khí Đông A” của nước Đại Việt thời đó.

Ngưỡng mộ tài năng, cốt cách cùng những công lao to lớn ấy, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn được Nhân dân nhiều vùng xây dựng đền thờ, thành tâm chăm lo việc phụng thờ. Tại Thổ Khối, Yên Dương (Hà Trung), các thế hệ cháu con từ đời này qua đời khác đều nêu cao ý thức, trách nhiệm, chung tay gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di tích đền thờ Trần Hưng Đạo (còn có tên gọi khác là đền thờ Đức thánh Trần).

Ngôi đền thờ Trần Hưng Đạo trên đất Thổ Khối, Yên Dương mang đậm kiến trúc thời Nguyễn. Theo văn bia còn lưu giữ lại trong đền, đền được trùng tu hoàn chỉnh vào năm Tự Đức thứ 3 (1850). Theo truyền thuyết dân gian, đền có từ xa xưa, ban đầu lợp bằng cỏ tranh. Đền được thiết kế theo kiểu cuốn vòm, vừa tạo cảm giác vững chãi mà không kém phần mềm mại, uyển chuyển. Theo Dư địa chí Hà Trung miêu tả chi tiết: Ngay ở gian giữa nhà tiền đường, phần nóc nhà có thêm tầng mái thứ hai theo kiểu mái cong giống vọng lâu. Trên đỉnh tầng mái thứ hai được trang trí hổ phù đội nậm rượu các đầu đao trên mái uốn cong có tác dụng làm cho kiến trúc mềm mại, cân đối. Trên bờ nóc của chính tẩm được trang trí lưỡng long chầu nguyệt…

Không có quy mô như lễ hội khai ấn đền Trần (Nam Định) nhưng lễ hội khai ấn đền thờ Trần Hưng Đạo, xã Yên Dương mang nhiều nét đặc sắc, ý nghĩa, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài vùng tham dự. Diễn ra trong các ngày 14, 15 tháng Giêng hàng năm, lễ hội khai ấn đền thờ Trần Hưng Đạo, xã Yên Dương được tổ chức nhằm bày tỏ tấm lòng tri ân sâu sắc đến công đức của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn và các bậc tiền nhân, gửi gắm mong cầu, ước vọng về một năm mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt, mọi sự hanh thông, phát triển… Dẫu trải qua biến thiên thời gian, thăng trầm lịch sử, nhiều giá trị văn hóa truyền thống vẫn được bảo tồn và phát huy tại lễ khai ấn đền thờ Trần Hưng Đạo như: tế nam quan, rước ấn, trình tấu chúc văn, nghi thức khai ấn, phát ấn…, trong đó, khai ấn là một trong những nghi thức quan trọng, độc đáo nhất. Nghi thức khai ấn được thực hiện vào đêm 14, rạng sáng 15 tháng Giêng, chính quyền sở tại và thủ từ làm lễ đóng ấn vào giấy bản (sau này là ấn vải), sau đó người dân sẽ xếp hàng lần lượt vào đền xin ấn. Trong khuôn khổ lễ hội, nhiều hoạt động văn hóa – văn nghệ quần chúng diễn ra sôi nổi, góp phần tô đậm thêm nét đẹp truyền thống làng, xã nơi đây.

Rộn ràng lễ khai ấn đền thờ Lý Thường Kiệt làng Ngọc Xá, xã Hà Ngọc

Đền thờ Lý Thường Kiệt (còn có tên gọi khác là đền Lý Thái úy hoặc đền Lý Đại vương) tọa lạc trên mảnh đất Hà Ngọc (Hà Trung), là một trong những di tích độc đáo, hấp dẫn trên hành trình xuôi về vùng ngã ba bông – một tiếng gà gáy 6 huyện cùng nghe. Sách “Đại Nam nhất thống chí” – bộ sách thời Nguyễn cũng có ghi chép về ngôi đền Lý Thái úy, nơi thờ vị danh tướng Lý Thường Kiệt, làm quan đời Lý Thánh Tông, từng đi kinh lý các vùng Thanh Hóa và Nghệ An, dựng chùa Linh Xứng ở núi Ngưỡng Sơn này, sau dân nhớ ơn đức lập đền thờ.

Thái úy Lý Thường Kiệt sinh năm 1019, mất năm 1105, tên húy là Ngô Tuấn, tự Thường Kiệt, người làng An Xá, huyện Quảng Đức (nay thuộc Hà Nội). Lý Thường Kiệt sinh ra trong gia đình danh tướng, cha là Sùng Tiết tướng quân Ngô An Ngữ. Trong cuộc đời quan lộ của mình, Lý Thường Kiệt đã trải qua 3 đời vua: Lý Thái tông, Lý Thánh tông, Lý Nhân tông. Vốn thông minh hơn người, tài thao lược, phá Tống bình Chiêm, ông lập nhiều công lớn, được triều đình ban thưởng trọng hậu. Làm tới chức Thượng Trụ quốc, Thái úy, tước Khai Quốc công. Năm 1082, ông được cử về trị nhậm trấn Thanh Hóa trong 19 năm. Ông có nhiều mối liên hệ gắn bó với vùng đất Hà Trung trong thời kỳ làm Tổng trấn Thanh Hóa. Văn bia chùa Linh Xứng ca ngợi công đức của Thái úy Lý Thường Kiệt: “Làm việc thì siêng năng, điều khiển dân thì đôn hậu, cho nên dân được nhờ cậy. Khoan hòa giúp đỡ trăm họ, nhân từ yêu mến mọi người, cho nên Nhân dân kính trọng. Dùng uy vũ để trừ gian ác, đem minh chứng để giải quyết ngục tụng, cho nên hình ngục không quá lạm. Thái úy biết rằng dân lấy sự no ấm làm đầu, nước lấy nghề nông làm gốc, cho nên không để lỡ thời vụ. Tài giỏi mà không khoe khoang. Nuôi dưỡng đến cả những người già ở nơi thôn dã, cho nên người già nhờ thế mà được yên thân. Phép tắc như vậy có thể là cái gốc trị nước, cái thuật yên dân, sự tốt đẹp đều ở đấy cả”.

Căn cứ vào nội dung văn bia, “đời vua Lý Anh tông năm đầu tiên hiệu Thiệu Ninh sức cho các quan trấn sứ lập đền thờ, giao cho hai tổng Hoàng Xá và Ngọ Xá phụng thờ, mãi mãi là đền quốc tế, về sau các kỳ đảo đều có linh ứng”. Trải qua thời gian, việc tế lễ có thời điểm bị phai mờ nhưng thần tích còn liệt kê các kỳ tế lễ như sau: “Hàng tổng chỉ có đảo vũ mở hội tế ở đền này, hàng xã có 7 làng mỗi năm một lần hội tế vào ngày 25 tháng Giêng, hàng binh thì mỗi năm có xuân thu nhị kỳ, còn các tiết lễ khác giao cho 3 làng thờ tự”. Theo sách Địa chí huyện Hà Trung: Có nhiều nơi lập đền thờ ông nhưng “duy có ở Thanh Hóa, làng Ngọc Xá (Hà Ngọc, Hà Trung) là vẫn còn đền cũ và bia ký. Và đây mới là đền chính – đền quốc tế mà các triều đại phong kiến từ Lý – Trần – Nguyễn đều thực hiện.

Theo các cụ cao niên trong vùng, thời kỳ Lý Thái úy trị nhậm, Nhân dân được nghỉ Tết Nguyên đán từ ngày mùng 1 cho đến 25 tháng Giêng mới bắt đầu quay trở lại với guồng quay công việc. Vì thế, trong ngày nghỉ cuối cùng (ngày 25 tháng Giêng), Lý Thái úy cho tổ chức lễ khai ấn để báo hiệu kết thúc kỳ nghỉ lễ, bắt đầu lao động sản xuất cho một năm no ấm, đủ đầy. Và đây cũng là ngày triều đình khao quân. Sau này, để tưởng nhớ công đức của ngài, chính quyền và Nhân dân địa phương tiếp tục gìn giữ, phát huy nghi thức khai ấn. Vào ngày 25 tháng Giêng hằng năm, khi sắc xuân còn đượm, đông đảo các thế hệ Nhân dân xã Hà Ngọc, Hà Trung và nhiều nơi lân cận háo hức, rộn ràng tham dự lễ khai ấn đền thờ Lý Thường Kiệt. Ngay từ sáng sớm, theo đoàn múa lân, Nhân dân các thôn đã chuẩn bị chu đáo rước lễ lên đền. Lễ khai ấn đền thờ Lý Thường Kiệt thường bắt đầu bằng màn trống hội, lễ dâng hương. Phần lễ chính là lễ tế truyền thống do hội người cao tuổi xã Hà Ngọc đảm nhiệm. Khi tiếng chiêng vang lên, các nghi thức tế lễ bắt đầu trong không khí trang nghiêm. Phần hội diễn ra tại không gian khuôn viên trước đền với các trò chơi dân gian.

Lễ khai ấn đền thờ Lý Thường Kiệt với ý nghĩa nhân văn lớn lao là cầu cho quốc thái dân an, mọi người chung hưởng lộc ấn “tích phúc vô cương”, mùa màng bội thu… Đây là dịp để bày tỏ lòng biết ơn, tri ân sâu sắc đối với các bậc tiền nhân, công đức vô lượng với dân với nước. “Trải qua bao thế kỷ, ấn cũ không còn nhưng lễ khai ấn vẫn được các thế hệ cháu con xã Hà Ngọc duy trì, phát triển, trở thành một mỹ tục trong dòng chảy văn hóa truyền thống nơi đây. Trong mạch nguồn lịch sử – văn hóa, tâm linh ấy, mỗi cán bộ, đảng viên tự soi lại mình về nhân cách, đạo đức, lối sống, tự soi lại mình trong thực hiện nhiệm vụ, nêu cao tinh thần, trách nhiệm phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Phát huy tiềm năng, lợi thế, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Hà Ngọc quyết tâm đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực vươn lên, ổn định về chính trị, vững mạnh về kinh tế, văn hóa – xã hội phát triển, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra” – ông Nguyễn Minh Tấn, Chủ tịch UBND xã Hà Ngọc chia sẻ.

Bài và ảnh: Thảo Linh

Nguồn Báo Thanh Hóa: https://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/nhung-le-khai-an-doc-dao-cua-xu-thanh/180286.htm