Nhiều người chủ quan khi thấy trên da xuất hiện những đường gân, đường tĩnh mạch coi đó là bình thường. Tuy nhiên, các bác sĩ cảnh báo đó là dấu hiệu của bệnh suy tĩnh mạch.
Bà Nguyễn Thị Niên (56 tuổi, Hưng Yên) đi khám vì chân xuất hiện nhiều vết loét da và hoại tử điều trị không khỏi. Khi khám, bác Niên được bác sĩ chẩn đoán suy tĩnh mạch chi. Bà Niên vô cùng bất ngờ khi đã mang biểu hiện của bệnh hai chục năm qua nhưng không biết.
Vùng chân của bà lúc nào cũng xuất hiện những đường gân vằn vện nhưng bà nghĩ đó là do khi đẻ xong lúc tắm kỳ cọ quá mạnh. Những đường vằn vện xuất hiện bà nghĩ đó là bình thường mà không biết đó là bệnh lý về tĩnh mạch.
Trường hợp của chị Đoàn Hải Lý (Trung Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội) cũng tương tự. Chị Lý thường xuyên bị tê bì chân tay nhưng không tìm ra bệnh. Khi đi khám, bác sĩ phát hiện vùng chân của chị chi chít các ổ suy tĩnh mạch bằng những gân xanh, gân đỏ nổi lên.
Biểu hiện của suy tĩnh mạch
Lúc này, chị Lý mới giật mình vì từ trước tới nay chị nghĩ rằng do da mỏng nên nhìn rõ gân và mạch.
Trường hợp của anh Trần Tuấn Linh (42 tuổi, ở TP. Nam Định), cách đây 6 năm, anh Linh đi khám BHYT phát hiện bị giãn tĩnh mạch chân trái. Suốt thời gian đó đến nay, anh Linh uống thuốc theo đơn đều đặn và không thấy ảnh hưởng gì đến công việc hằng ngày.
Dù uống thuốc đều đặn nhưng bệnh không hề thuyên giảm, đặc biệt, vết chàm ở cổ chân ngày càng xám xịt, đi lại đau đớn. Gần đây, anh thấy cổ chân lở loét, tĩnh mạch vùng bắp chân nổi ngoằn ngoèo như ổ giun, không đi lại được, phải nghỉ làm. Lúc này, anh đi khám thì bệnh đã ở giai đoạn 6 (nặng nhất), được bác sĩ chỉ định can thiệp nội mạch bằng sóng cao tần.
Nguyên nhân của suy tĩnh mạch
PGS Nguyễn Hoài Nam – Giảng viện trường Đại học Y dược TP.HCM cho biết, bệnh lý suy tĩnh mạch chi rất phổ biến hiện nay và ở Việt Nam thực tế bệnh này chưa được quan tâm đúng mức.
Theo các thống kê ở Pháp, bệnh suy tĩnh mạch mạn tính chiếm đến 1% ở nam giới và 4,5% nữ giới ở tuổi trưởng thành, trong đó có hơn 70% là nữ và khoảng 35% ở những người đang làm việc.
Ở Việt Nam, trên thực tế bệnh cũng rất thường gặp nhưng chưa thực sự có được sự chú ý của cả thầy thuốc và bệnh nhân. Cho đến nay chưa có một thống kê đầy đủ về loại bệnh này. Tuy nhiên theo dự đoán của các chuyên gia y tế bệnh sẽ gia tăng cùng với sự phát triển của nền kinh tế và thay đổi nếp sống ở nước ta.
PGS Nguyễn Hoài Nam
Theo bác sĩ Nam nguyên nhân của suy tĩnh mạch tùy theo vị trí và nguyên nhân của tổn thương bệnh giãn tĩnh mạch chi dưới được chia làm 4 nhóm:
Thứ nhất đó là nhóm giãn tĩnh mạch tiên phát hay còn gọi là giãn tĩnh mạch vô căn: trong nhóm này, ban đầu các tĩnh mạch bị giãn và dài ra sau đó các van tĩnh mạch mất dần chức năng.
Thứ hai, nhóm giãn tĩnh mạch thứ phát, thường do viêm tĩnh mạch: Ở nhóm này các van tĩnh mạch bị mất chức năng trước, sau đó các tĩnh mạch mới bị giãn và dài ra.
Thứ ba, nhóm giãn tĩnh mạch ở người có thai, do tác dụng của nội tiết tố sinh dục nữ và chèn ép của tử cung bị to ra khi có thai.
Thứ tư, nhóm giãn tĩnh mạch bẩm sinh, nguyên nhân do bất thường của thành tĩnh mạch làm nghẹt tĩnh mạch sâu và dò động tĩnh mạch (dạng u máu hỗn hợp).
Khi có biểu hiện suy tĩnh mạch nếu không điều trị kịp thời thì gây ra nhiều biến chứng. Đầu tiên đó là người bệnh bị cẳng chân sưng to, có triệu chứng đau buốt mặt sau cẳng chân, chuột rút về đêm. Nặng hơn bệnh nhân có thể bị viêm tắc tĩnh mạch, chân nóng, sưng đỏ, các tĩnh mạch nông nổi rõ và viêm cứng.
Bệnh suy tĩnh mạch ở giai đoạn cuối cùng có thể diễn tiến đến tình trạng giãn to toàn bộ hệ tĩnh mạch, các tĩnh giãn rất lớn, ứ trệ tuần hoàn và rối loạn dinh dưỡng của da chân phía dưới gây viêm loét, nhiễm trùng rất khó điều trị.
Cục thuyên tắc có thể tách rời khỏi thành tĩnh mạch, đi về tim và gây tắc động mạch phổi, một biến chứng rất nặng có thể đưa đến tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.
Trên thực tế không phải người nào cũng có khả năng bị bệnh này, chỉ có một số người thuộc nhóm có nguy cơ cao.
– Di truyền là mẫu số chung cho những bệnh nhân này, trong thực hành bệnh viện hàng ngày bác sĩ nhận thấy có một số người về di truyền dễ bị mắc bệnh hơn những người khác, nguyên nhân do những thay đổi về enzyme trong mô liên kết.
– Nữ thường bị nhiều hơn nam do ảnh hưởng của nội tiết tố nữ, thai nghén lên thành tĩnh mạch, do phải đứng lâu trong một số ngành nghề đặc biệt như bán hàng, thợ dệt, do khối lượng cơ thấp hoặc dùng giày không thích hợp.
Tiểu Nhã, theo Trí Thức Trẻ
http://ttvn.vn/doi-song/nhung-duong-van-ven-o-chan-can-benh-nguy-hiem-nhieu-nguoi-mac-ca-chuc-nam-ma-khong-biet-820191711153736308.htm