Trẻ khuyết tật sinh ra vốn đã bị thiệt thòi bởi những khiếm khuyết cả về thể chất lẫn trí tuệ. Đến với ngôi nhà chung của Phòng Giáo dục trẻ khuyết tật, Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh, trẻ được các cô ở đây chăm sóc, giáo dục, yêu thương như sống trong ngôi nhà của mình. Bằng tình yêu nghề, yêu trẻ, “những người mẹ hiền”, “những đóa hoa thầm lặng” của ngành giáo dục và đào tạo tỉnh ngày đêm âm thầm cống hiến, lặng lẽ hy sinh để mang lại những nụ cười hạnh phúc cho trẻ kém may mắn.
Cô giáo Hoàng Thị Lan Dung dạy trẻ khuyết tật tập tô. |
8 tuổi nhưng em Tô Bảo Kim, khu II, thị trấn Pác Mjầu (Bảo Lâm) rất chậm nói, nhận thức chỉ bằng trẻ lên 2 – 3 tuổi. Sau khi được khám sàng lọc, gia đình mới biết em bị mắc bệnh khuyết tật trí tuệ. Đầu năm 2022, Kim được bố mẹ đưa đến học tại Phòng Giáo dục trẻ khuyết tật, Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh. Ban đầu em khá nhút nhát, thu mình. Sau hơn 1 năm được chăm sóc, giáo dục tại đây, Kim tiến bộ rất nhiều. Em đã nói nhiều hơn, ghép được các từ thành câu, kể được chuyện…
Cùng với Tô Bảo Kim, em Đàm Nhật Lâm (sinh năm 2016), xã Quốc Toản (Quảng Hòa) bị khiếm thính bẩm sinh. Ban đầu đến với Trung tâm em không hợp tác, khóc đòi về, bản thân không tự ăn uống, tắm giặt, vệ sinh nên các cô rất vất vả. Song, bằng tình thương yêu, sự kiên trì, nhẫn nại, các cô dạy cho Lâm các kỹ năng cơ bản thường ngày như tự ăn, uống nước, vệ sinh cá nhân, tự mặc quần áo… Đến nay, Lâm đã học được bảng chữ cái qua các ký hiệu; chủ động thể hiện tình cảm của bản thân; vui vẻ, tự tin và hòa đồng với mọi người.
Cô giáo Hoàng Thị Lan Dung có hơn 15 năm gắn bó với Trung tâm chia sẻ: Dạy một học sinh bình thường đã khó, dạy một trẻ khuyết tật còn khó khăn hơn gấp nhiều lần. Do đó, để trở thành một giáo viên dạy trẻ khuyết tật, ngoài kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm thì điều quan trọng người dạy phải kiên trì, nhẫn nại và dành tình thương yêu cho trẻ. Ở đây, mỗi học sinh có một dạng khuyết tật ở mức độ khác nhau, đòi hỏi giáo viên phải vừa trong vai người mẹ, vừa trong vai người thầy. Vì vậy, khi thiết kế giáo án cần xây dựng chi tiết; từng lời nói, cử chỉ luôn ân cần và thao tác được lặp đi lặp lại nhiều lần để trẻ ghi nhớ, làm theo.
Cô giáo Hoàng Thu Hương chia sẻ: Trẻ khuyết tật gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhất là trong ăn uống. Đặc biệt, những cháu bị bại não khó ăn, khó nuốt nên chúng tôi thường xuyên đề xuất thay đổi thực đơn ăn trong ngày phù hợp, ăn như thế nào để trẻ tăng cân, ăn hết khẩu phần; luôn giữ ấm cơ thể cho trẻ trong mùa đông. Nhờ đó các con không bị ốm, không phải nhập viện vì những bệnh nặng. Bên cạnh việc chăm sóc thể chất, chúng tôi còn quan tâm đến đời sống tinh thần của các con thông qua các hoạt động vui chơi ngoài trời, làm đồ dùng, đồ chơi dạy cho trẻ thực hành các kỹ năng cơ bản, cách khám phá cuộc sống và phát huy khả năng của bản thân…
Chị Hoàng Thị Nguyệt, xóm Bản Láp, xã Quý Quân (Hà Quảng) có con vào Trung tâm từ đầu năm 2023 chia sẻ: Con tôi bị bại não, suy dinh dưỡng thể nhẹ, đã 6 tuổi nhưng chưa biết đi. Sau khi vào Trung tâm, có chế độ luyện tập, tập phục hồi chức năng hợp lý, đến nay cháu đã có biến chuyển tốt, gia đình tôi rất biết ơn sự tận tình chăm sóc của các cô giáo ở đây.
Phòng Giáo dục trẻ khuyết tật hiện đang nuôi dạy 67 trẻ, trong đó có 4 lớp tiểu học, 3 lớp mầm non và 1 lớp phục hồi chức năng. Không như các lớp học bình thường, dạy trẻ ở đây mỗi lớp một trò, một cô và thời gian không thể tính bằng tiết mà tính bằng năm, bằng tháng nhưng không vì thế mà các cô nản lòng. Hằng năm, đơn vị phối hợp với các trường học trong tỉnh, nhất là khối mầm non tổ chức khám sàng lọc, phát hiện sớm các trẻ có biểu hiện phát triển không bình thường, lập danh sách đưa vào cơ sở để can thiệp kịp thời. Ngoài ra, hỗ trợ về chuyên môn cho các trường mầm non, tiểu học có trẻ học hòa nhập cộng đồng.
Cô Tô Thị Nga, Phó Giám đốc phụ trách Phòng Giáo dục trẻ khuyết tật, Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh cho biết: Nhiều trẻ khuyết tật trước khi đến đây không tự chủ được hành động của bản thân, thường quậy phá, tự kỷ, không tiếp xúc, khó khăn về vận động, chậm về nhận thức, khiếm thính, khiếm thị. Hành trình hòa nhập của mỗi trẻ khác nhau, tùy mỗi dạng tật mà trẻ có thể tiếp thu nhanh hay chậm; có trẻ cả một thời gian dài cũng không có sự biến chuyển. Song, ở đây cả giáo viên và phụ huynh đều nỗ lực hết mình tìm các phương pháp giáo dục, chăm sóc, can thiệp với hy vọng đem lại sự biến chuyển và tiến bộ cho trẻ.
Với tâm huyết của đội ngũ cán bộ, giáo viên, sự chung tay của cộng đồng xã hội, hầu hết các trẻ được giáo dục và nuôi dưỡng tại đây đều có sự tiến bộ rõ rệt. Nhiều em được hòa nhập, học tập tại các trường phổ thông và trở thành người có ích cho xã hội. Đó là niềm vui, là động lực tiếp sức cho các cô giáo thêm yêu và gắn bó với nghề. Các cô như những bông hoa dịu dàng tô thắm thêm rừng hoa muôn màu sắc, song rất đỗi bình dị và luôn tỏa sáng giữa đời thường.