Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ diễn ra vào cuối tháng 6/2023. Năm nay là năm đầu áp dụng quy chế thi tốt nghiệp THPT sửa đổi, bổ sung với một số điều chỉnh so với năm trước. Để hiểu rõ hơn về kỳ thi, phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc trao đổi với đồng chí Phan Thành Công, TUV, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT). Sau đây là nội dung cuộc trao đổi.
Phóng viên: Xin đồng chí đánh giá lại những kết quả nổi bật của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 của tỉnh Ninh Bình?
Đồng chí (Đ/c) Phan Thành Công: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 trên địa bàn tỉnh đã được tổ chức an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, đúng lịch trình. Kỳ thi nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; vai trò của Ban Chỉ đạo thi; sự phối hợp trách nhiệm, hiệu quả giữa Sở GDĐT với các sở, ban, ngành có liên quan và các địa phương. Công tác chuẩn bị cho kỳ thi được tiến hành chủ động, kỹ lưỡng; lực lượng làm thi đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn, số lượng, kỹ năng, nghiệp vụ và ý thức trách nhiệm; học sinh được chuẩn bị tốt về tâm thế bước vào kỳ thi; công tác tổ chức thi khoa học, mọi tình huống nảy sinh đều được giải quyết kịp thời, đúng quy chế…
Kết quả của kỳ thi khẳng định chất lượng dạy và học của tỉnh Ninh Bình trong bối cảnh thích ứng an toàn với dịch COVID-19, thể hiện ở một số kết quả nổi bật sau: Điểm trung bình các bài thi của thí sinh tỉnh Ninh Bình là 6,98, xếp thứ 2 toàn quốc.
Các môn Toán, Vật lí, Hóa học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Tiếng Anh, Giáo dục công dân nằm trong tốp 10 tỉnh, thành phố có điểm trung bình môn cao nhất toàn quốc, trong đó có 7/9 môn nằm trong tốp 4 tỉnh, thành có điểm trung bình cao nhất toàn quốc.
Số thí sinh có điểm thi cao tăng lên rõ rệt so với năm 2021 (có 471 lượt thí sinh có tổng điểm 3 môn thi xét tuyển đại học từ 27,00 điểm trở lên, tăng 74 thí sinh; có 65 thí sinh đạt từ 28,00 điểm trở lên, tăng 26 thí sinh; có 7 lượt thí sinh đạt 29,00 điểm trở lên); 169 bài thi đạt điểm 10. Có thí sinh là thủ khoa điểm thi tốt nghiệp của cả nước.
Điểm thi để xét tuyển đại học, điểm trung bình 4 khối thi truyền thống: khối A xếp thứ 1 toàn quốc, khối B xếp thứ 2 toàn quốc, khối C xếp thứ 3 toàn quốc và khối D xếp thứ 5 toàn quốc.
P.V: Theo đồng chí, những điểm mới của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 là gì?
Đ/c Phan Thành Công: Quy chế thi tốt nghiệp được ban hành kèm theo Thông tư 06/2023/TT-BGDĐT, ngày 24/3/2023 của Bộ GD-ĐT, có hiệu lực thi hành từ 9/5/2023.
Theo đó, có những sửa đổi, bổ sung liên quan đến quy định về: Ban Chỉ đạo cấp Quốc gia; sử dụng thiết bị, phần mềm công nghệ thông tin và truyền thông; đăng ký dự thi; trách nhiệm của thí sinh; hội đồng ra đề thi; in sao, vận chuyển và bàn giao đề tại hội đồng thi; bảo quản sử dụng đề thi và bảo quản bài thi tại điểm thi; Ban coi thi; Ban làm phách bài tự luận; chấm bài thi tự luận… Những điều chỉnh chủ yếu mang tính kỹ thuật, nghiệp vụ để tăng cường kỷ cương, đáp ứng tốt hơn yêu cầu tổ chức kỳ thi an toàn.
Đáng chú ý, quy định mới không cho thí sinh mang “các loại máy ghi âm, ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin, nhưng không thể nghe, xem và không thể truyền, nhận được thông tin, tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác” vào phòng thi.
Thí sinh chỉ được mang vào phòng thi: Bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính; máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ; Atlat Địa lí Việt Nam đối với môn thi Địa lí.
Việc đăng ký dự thi được thực hiện linh hoạt 2 hình thức: trực tuyến hoặc trực tiếp tại điểm tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự thi. Hồ sơ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023 loại bỏ quy định bản sao Sổ đăng ký hộ khẩu thường trú; quy định ảnh nộp cùng hồ sơ thi là kiểu căn cước công dân, được chụp trước thời gian nộp hồ sơ không quá 6 tháng; sửa đổi quy định về điểm ưu tiên trong xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2023.
P.V: Để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, tỉnh Ninh Bình đã huy động sự vào cuộc, tham gia của các sở, ban, ngành, địa phương như thế nào, thưa đồng chí?
Đ/c Phan Thành Công: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại tỉnh có tầm quan trọng và được cả xã hội quan tâm, vì vậy việc tổ chức tốt kỳ thi là yêu cầu, nhiệm vụ và có ý nghĩa đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và của Ngành Giáo dục.
Ban Chỉ đạo kỳ thi của tỉnh yêu cầu Sở GD-ĐT, các sở, ban, ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ cùng với Sở GD-ĐT trong chỉ đạo, tổ chức các kỳ thi theo đúng Quy chế thi, quy định của Bộ GD-ĐT, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tỉnh Ninh Bình, tổ chức họp để tổng kết các kỳ thi năm 2022, triển khai phương hướng thực hiện công tác thi năm 2023; ban hành kế hoạch tổ chức Kỳ thi, phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ đạo. Các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương liên quan đã ban hành kế hoạch chỉ đạo, triển khai công tác thi.
Như Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Sở GD-ĐT nắm bắt tình hình, định hướng tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân những vấn đề cần biết và mới về kỳ thi nhằm tạo sự đồng thuận của cha mẹ học sinh và toàn xã hội.
Công an tỉnh xây dựng kế hoạch đảm bảo an ninh, an toàn cho kỳ thi. Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh cấp kinh phí để tổ chức kỳ thi, đảm bảo theo quy định. Thanh tra tỉnh chọn cử cán bộ tham gia công tác thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi theo quy định.
Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các đơn vị viễn thông trên địa bàn tỉnh đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt phục vụ cho các kỳ thi, không để xảy ra sự cố kỹ thuật, chuyển phát công văn tài liệu, hồ sơ phục vụ kỳ thi an toàn, kịp thời phục vụ tốt cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo trước, trong và sau kỳ thi…
P.V: Vậy đến thời điểm hiện nay, công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã được triển khai như thế nào?
Đ/c Phan Thành Công: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được tổ chức vào các ngày 27, 28, 29 và 30/6/2023. Công bố kết quả thi vào ngày 18/7/2023. Để Kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế và đảm bảo quyền lợi người học, Sở GDĐT đã quan tâm thông tin tuyên truyền về kỳ thi bằng nhiều hình thức, trong đó nhấn mạnh những điểm mới, điểm cần lưu ý.
Chỉ đạo tổ chức tốt ôn tập và thi thử ít nhất 2 lần để đảm bảo kiến thức và rèn kỹ năng cho học sinh; tập huấn quy chế thi cho cán bộ, giáo viên, người tham gia công tác thi và học sinh. Chuẩn bị kỹ các điều kiện và phương án tổ chức kỳ thi (cả phương án chính thức và phương án dự phòng)… Chỉ đạo xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau các kỳ thi.
Kỳ thi năm nay, tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 11.147; trong đó, THPT là 9.679 thí sinh, GDTX là 1.146 thí sinh và 322 thí sinh tự do. Sở GDĐT đang rà soát, hoàn thiện dữ liệu về kỳ thi. Toàn tỉnh dự kiến tổ chức 24 điểm thi đặt tại các trường THPT công lập trong toàn tỉnh, trong đó có 9 điểm thi có thí sinh GDTX.
Tổng số phòng thi dự kiến 475 phòng thi. Sở GD-ĐT dự kiến điều động 1.650 cán bộ, chuyên viên, giáo viên, nhân viên làm nhiệm vụ chính thức tại Ban coi thi; điều động 90 cán bộ, chuyên viên, giáo viên tham gia công tác thanh tra thi; chọn cử 270 giáo viên cấp THCS, THPT làm nhiệm vụ cán bộ coi thi dự phòng.
Phối hợp với Công an tỉnh, Công an các huyện, thành phố dự kiến điều động 250 cán bộ, chiến sĩ tham gia bảo đảm an toàn cho các Ban của Hội đồng thi và các điểm thi. Dự kiến điều động 235 cán bộ, giáo viên tham gia công tác chấm thi…
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
HỒNG VÂN (thực hiện)
Nguồn Báo Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/nhung-diem-moi-cua-ky-thi-tot-nghiep-thpt-nam-2023/d20230609083012154.htm