Những bước tiến mới về nhận thức

Những ngày gần đây, dư luận trong nước và quốc tế đặc biệt quan tâm đến sự kiện Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án “chuyến bay giải cứu” và thông tin Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra kết luận điều tra, đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao truy tố 38 bị can trong vụ án Công ty Việt Á. Không những thể hiện quyết tâm, nỗ lực của Đảng, Chính phủ, cơ quan chức năng trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, những vụ đại án này đã và đang minh chứng, làm sáng rõ hơn những tư duy, nhận thức của Đảng, Nhà nước ta về tham nhũng, tiêu cực, đúng như những nội dung mà đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập, phân tích kỹ lưỡng trong cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”…

Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tiêu cực (ngày 10/5/2023). Ảnh: noichinh.vn

54 bị cáo trong vụ “chuyến bay giải cứu”, trong đó có cả những người từng giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Phó Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội… bị tuyên án về các tội “Đưa hối lộ”, “Môi giới hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với mức án cao nhất là chung thân. 38 bị can, trong đó có những người từng giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ,… bị đề nghị truy tố về các tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Tham ô tài sản”, “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” với khung hình phạt cao nhất là tử hình của vụ án Việt Á. Chưa khi nào chúng ta thấy những vụ đại án có quy mô, mức độ nghiêm trọng từ đối tượng đến hành vi vi phạm lớn đến như thế. Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho quyết tâm, quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước trong chống tham nhũng: Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào. Mặt khác, hình thức, thủ đoạn tham nhũng, tiêu cực cũng đã và đang có những biến chuyển theo hướng ngày càng phức tạp, tinh vi đòi hỏi phải có những nhận thức, tư duy, chiến lược mới phù hợp mới có thể đấu tranh phòng, chống hiệu quả.

Trong bài viết “Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Một việc làm cần thiết, tất yếu; một xu thế không thể đảo ngược!”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Trước đây, chúng ta chủ yếu quan tâm đến tác hại trước mắt, về vật chất (kinh tế, tiền bạc), nay chúng ta quan tâm nhiều hơn, nhìn rõ hơn tác hại tiềm ẩn, khôn lường của tham nhũng, tiêu cực, làm hư hỏng, mất cán bộ, mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ và cuối cùng là mất chế độ như đã từng xảy ra trong thực tiễn lịch sử trên thế giới”. Là hành vi của người lạm dụng chức vụ, quyền hạn, hoặc cố ý làm trái pháp luật để phục vụ cho lợi ích cá nhân, hiện tượng xã hội gắn với sự xuất hiện chế độ tư hữu, sự hình thành giai cấp và sự ra đời, phát triển của bộ máy nhà nước và các quyền lực công cộng khác, tham nhũng, tiêu cực đã và đang tồn tại ở mọi chế độ với những mức độ khác nhau, gây ra nhiều hệ lụy phức tạp trong đời sống xã hội. Ở nước ta, ngay từ những ngày đầu mới giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân và Chính phủ; là “giặc ở trong lòng”, “giặc nội xâm”. Trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như khi đất nước được hoàn toàn thống nhất, dù phải tập trung cao độ cho việc thực hiện các nhiệm vụ nặng nề, khó khăn, cấp bách của cách mạng nhưng Đảng và Nhà nước ta vẫn không sao nhãng công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Bước vào thời kỳ đổi mới, trước tình trạng tham nhũng, tiêu cực ngày càng bộc lộ rõ nét, diễn biến phức tạp, Đảng ta đã nhiều lần chỉ rõ: Tham nhũng “làm giảm lòng tin của quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của các cơ quan nhà nước” (Đại hội VI); “đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước” (Đại hội XI); “là thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước” (Đại hội XII). Đặc biệt, từ Hội nghị giữa nhiệm kỳ Đại hội VII (tháng 01/1994), tham nhũng được Đảng ta nhận diện là một trong bốn nguy cơ đối với Đảng và cách mạng Việt Nam, đến Đại hội IX đã trở thành “một nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ ta” và đến nay “vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ” (Đại hội XIII).

Các bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” tại phiên toà xét xử sơ thẩm. Ảnh: Nam Anh

Rõ ràng, tổn thất về kinh tế, tiền bạc, thậm chí là sức khoẻ, tính mạng người dân trong hai vụ đại án “chuyến bay giải cứu” và “Việt Á” là đặc biệt nghiêm trọng, không gì có thể bù đắp, nhưng nghiêm trọng, đau xót hơn là sự suy thoái về đạo đức, lối sống, thể hiện qua sự táng tận lương tâm, không những vô cảm với nỗi đau, bất hạnh của đồng bào trong dịch bệnh mà còn lợi dụng để trục lợi cá nhân của một số cán bộ, đảng viên. Trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nguy hiểm, lợi dụng chủ trương tổ chức các bay đưa công dân về nước rất nhân đạo, nhân văn của Chính phủ, một số cá nhân có thẩm quyền ở các bộ, ngành đã gây khó khăn, nhũng nhiễu, làm khó doanh nghiệp tổ chức chuyến bay, tạo cơ chế xin – cho, buộc doanh nghiệp phải nâng giá vé máy bay và nhiều khoản phát sinh khác để chi tiền “bôi trơn”, đưa hối lộ với tổng số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng. Trong đó, riêng đối tượng Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) đã nhận hối lộ 253 lần, tổng số tiền hơn 42 tỷ đồng. Cũng trong thời điểm cả dân tộc đang gồng mình chống dịch với những khó khăn, tổn thất chồng chất, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã nhận hối lộ 2,25 triệu USD (tương đương hơn 51 tỷ đồng); Nguyễn Huỳnh, cựu Phó trưởng Phòng Quản lý giá thuốc, Cục Quản lý dược Bộ Y tế (nguyên Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) nhận hối lộ hơn 53,9 tỷ đồng, trong đó đã chuyển cho ông Nguyễn Thanh Long hơn 49,9 tỷ đồng và giữ lại cho cá nhân 4 tỷ đồng để can thiệp, tác động và chỉ đạo giúp Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành kit test COVID-19, hiệp thương giá và kiểm tra giá hiệp thương trái quy định của pháp luật, không có căn cứ, để Công ty Việt Á tổ chức sản xuất, tiêu thụ kit test theo đơn giá mà doanh nghiệp nâng khống, thu lời bất chính số tiền đặc biệt lớn…

Không chỉ là con số khổng lồ về tiền bạc, những hành vi này đã gây nên sự phẫn nộ của cộng đồng, suy giảm niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, mầm mống phát sinh những hệ luỵ khôn lường. Do đó, theo đồng chí Tổng Bí thư: “Trước đây, chống tham nhũng, lãng phí chủ yếu chỉ tập trung vào các hành vi: Tham ô, chiếm đoạt, nhận hối lộ, đưa hối lộ, làm thất thoát tài sản nhà nước. Nay không chỉ trong khu vực nhà nước mà còn mở rộng ra cả khu vực ngoài nhà nước. Đặc biệt, không chỉ phòng, chống tham nhũng, lãng phí mà còn gắn phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Bởi nguyên nhân sâu xa của tham nhũng là do chủ nghĩa cá nhân, do sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo cấp cao. Vì vậy, phải chấn chỉnh, uốn nắn từ suy nghĩ, nhận thức mới có thể phòng, chống từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc tình trạng tham nhũng”.

Đảng ta đã nhiều lần khẳng định phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Hiệu quả, thành công của nhiệm vụ này có ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín, vai trò, vị thế của Đảng, nhà nước, sự tồn vong của chế độ, thịnh suy của dân tộc. Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, cơ chế, chế tài phòng ngừa, xử lý chặt chẽ, nghiêm minh thì bước tiến mới về nhận thức đầy đủ, đúng đắn, phù hợp với thực tiễn cuộc sống sẽ là nền tảng vững chắc để cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục thu được những thắng lợi mang tính chất quyết định, củng cố, nâng cao niềm tin của Nhân dân; thiết thực xây dựng Đảng vững mạnh, đất nước phát triển, dân tộc trường tồn.

Cẩm Ninh
Nguồn Báo Phú Thọ: https://baophutho.vn/xay-dung-dang/nhung-buoc-tien-moi-ve-nhan-thuc/197710.htm