Theo ông Kính, vào thời kỳ tem phiếu, được bao nhiêu tem mua thịt, cố Tổng Bí thư Đỗ Mười lại dành dụm để gửi vào miền Nam cho vợ là bà Tạ Thị Thanh khi bà bị bệnh.
Người lãnh đạo thông cảm với những hoàn cảnh éo le của người dân
Chia sẻ với PV vào chiều 2/10, ông Phan Trọng Kính, trợ lý cố Tổng Bí thư Đỗ Mười cho biết, cụ mất vào lúc 23h12 phút tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 sau khoảng 6 tháng nhập viện điều trị và hưởng thọ 101 tuổi.
Gần 50 năm theo sát làm trợ lý, ông Kính nhận thấy một điều là cố Tổng Bí thư Đỗ Mười đã làm hết sức mình vì Đảng, vì dân. Những nơi nóng bỏng nhất, công việc khó khăn nhất cố Tổng Bí thư đều có mặt.
Theo lời kể của ông Kính, vào năm 1991, nhân dân một số xã ở tỉnh Thái Bình đã nổi lên chống lại thiểu số cán bộ, đảng viên tham ô, ức hiếp quần chúng nhiều năm liền.
Trước tình hình đó, Tổng Bí thư Đỗ Mười đã về thăm Thái Bình. Cụ thấy rằng, sự việc xảy ra rất nghiêm trọng, ở đây có tình trạng cán bộ xã tham nhũng, lộng quyền, quan liêu, xa rời quần chúng, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân.
Đồng thời, chính quyền làm việc gì, dân hầu như không biết, được bàn, nếu dân có ý kiến bị chính quyền ngăn chặn ngay tức khắc.
Cụ Đỗ Mười đã hỏi: “Để xảy ra tình trạng này, trách nhiệm của Đảng bộ xã, Đảng bộ huyện thế nào? Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách đến đâu? Những cá nhân sai phạm, tại sao Đảng bộ không đưa ra để kiểm thảo, có hình thức kỷ luật nghiêm…”.
Ông Kính kể thêm, lúc đó, cố Tổng Bí thư nghĩ rằng không những ở Thái Bình mà chắc các địa phương khác ít nhiều cũng có tình trạng như vậy.
Do đó, khi trở về, ông họp với các ngành có liên quan, cho đi kiểm tra các địa phương các cơ quan, trường học, bệnh viện, các đơn vị sản xuất, và sau đó ban hành Chỉ thị số 30 về Quy chế dân chủ ở cơ sở.
Quy chế đó đã phát huy được hiệu quả tích cực về quyền làm chủ của nhân dân.
Ông Phan Trọng Kính.
Trợ lý cốTổng Bí thư Đỗ Mười chia sẻ thêm, cụ là người lãnh đạo rất thông cảm với những hoàn cảnh éo le.
Chính vì vậy, những năm còn đương chức, mỗi ngày không biết bao nhiêu thư từ kêu oan hoặc khiếu nại, tố cáo từ các nơi gửi đến, cụ Mười đều thu xếp thời gian để nghe hoặc tiếp xúc với bà con.
Việc nào giải quyết ngay được thì cụ giải quyết, việc nào chưa giải quyết được, gọi lãnh đạo địa phương lên trực tiếp gặp gỡ bà con để giải quyết và sau đó phải báo cáo lại cho cụ biết.
Ông nhắc lại việc có bác từ Thái Bình lên Hà Nội khiếu kiện về việc đền bù giải phòng mặt bằng. Ông này đứng trước “cổng Đỏ” (cổng Văn phòng Chính phủ – PV) kêu “ông Đỗ Mười ơi”.
“Khi chúng tôi chạy ra hỏi, ông ấy nói muốn gặp Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng – PV). Hôm đó, đúng lúc giải lao nên cụ Mười ra gặp, mời vào giải quyết.
Thời kỳ đó ông Dương Văn Phúc là Chủ nhiệm Văn phòng HĐBT. Khi mời vào ông này ngang tàng, cụ nói 1 câu, ông ấy nói 2-3 câu. Lúc đó, ông Phúc nói bác nên bình tĩnh trình bày.
Tiếp đó, cụ Mười nói, bác có thư từ gì đưa cho tôi. Cụ nói với ông Dương Văn Phúc điện cho lãnh đạo tỉnh Thái Bình lên ngay. Buổi sáng gọi, buổi chiều lãnh đạo Thái Bình lên và cụ giao giải quyết dứt điểm vụ việc.
Hay có lần, trời mưa, một ông già đứng trước xe chở cụ Mười kêu khóc. Thấy vậy cụ mở cửa xe ra, tiến đến hỏi ngay có vấn đề gì đưa cho xem và mưa như thế mời ông vào nhà không ướt hết.
Sau đó, cụ lấy tập tài liệu của ông già đưa cho Vụ Thư từ của Văn phòng Trung ương Đảng ghi lại để báo cáo, giải quyết triệt để”, ông Kính nhớ lại.
Cố Tổng Bí thư Đỗ Mười và ông Phan Trọng Kính. Ảnh do ông Kính cung cấp.
Ông không quên nhắc lại, khi còn làm Thường trực Ban Bí thư, cụ Mười thường dành thời gian 1 giờ đồng hồ vào buổi chiều để xuống Vụ Thư từ xem và giải quyết các đơn thư của người dân gửi đến.
Cuộc đời cụ Đỗ Mười bình dị, liêm chính
Trong đời sống và sinh hoạt hằng ngày, theo ông Kính, cố Tổng Bí thư Đỗ Mười luôn học tập, thực hiện tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
Ông kể, khi đến dự các cuộc họp, thấy bày nước suối hoặc ăn uống giữa giờ, cụ góp ý phải hết sức tiết kiệm.
“Tôi vẫn nhớ, thời điểm đó, giá nước khoáng còn rất đắt nên cụ thường nói “Một chai nước khoáng giá thành ở thị trường bằng nửa lít xăng, ta có thể thay dùng nước khoáng bằng nước chè xanh bởi vừa ngon, vừa rẻ, giải khát tốt mà lại bổ.
Còn ăn uống nên hạn chế, tránh lãng phí. Sau ý kiến của cụ, nhiều nơi đã làm theo và như ở Hà Nội, thời kỳ đó, đã sử dụng toàn bộ trà xanh”, ông Kính chia sẻ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong một lần tới thăm, chúc sức khỏe nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười. Ảnh: TTXVN.
Một lần khác, theo ông Kính, cố Tổng Bí thư Đỗ Mười dự cuộc họp bàn về thương mại ở Nam Định và hôm đó có đại biểu các tỉnh phía Bắc về dự.
Đến trưa, lãnh đạo tỉnh tổ chức bữa cơm thân mật nhưng rất thịnh soạn, bày biện không ít món và “ăn xong thừa thãi rất nhiều”.
“Khi đó, cụ Mười chỉ ăn qua loa mấy miếng bánh mỳ và trước khi ra về, ông nhắc nhở các tỉnh phải hết sức tiết kiệm, không nên lãng phí như bữa ăn trưa nay và ông rất day dứt về việc này.
Lãnh đạo các tỉnh ngồi nghe đã bảo nhau, nếu có mời Tổng Bí thư về tỉnh nên để ý và hôm đó, theo kế hoạch buổi chiều Tổng Bí thư sẽ về làm việc với tỉnh Thái Bình.
Do cuộc họp buổi sáng ở Nam Định, có đại biểu của tỉnh Thái Bình nên ông này điện về tỉnh báo nếu có mời cơm Tổng Bí thư cần để ý và bữa cơm chiều hôm ăn chỉ có rau muống luộc, bát canh cua, mấy quả cà và đĩa cá.
Anh em bảo vệ, lái xe, thư ký, bác sĩ đi theo Tổng Bí thư còn phải xin thêm nước mắm và cơm để ăn cho đủ”, ông Kính nhớ lại.
Trợ lý cố Tổng Bí thư cho biết thêm, trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của cụ Mười rất đơn sơ, giản dị.
Bữa sáng có khi ăn bát cháo hoặc nắm xôi, cốc sữa. Bữa trưa, bữa tối cùng ăn cơm với gia đình và trên mâm thường có bát canh, đĩa cá, mấy bìa đậu, một ít thịt cho các cháu, còn cụ chủ yếu ăn rau luộc, muối vừng, đậu phụ.
“Tôi còn nhớ thời kỳ tem phiếu, được bao nhiêu tem mua thịt, cụ lại dành dụm để gửi vào miền Nam cho bà Tạ Thị Thanh (vợ cụ đã mất) thời kỳ bị bệnh hen.
Đồ đạc trong nhà không có gì sang trọng, ngoài những thứ cơ quan cấp như chiếc tủ, cái bàn, giường nằm và những đồ lặt vặt khác.
Cụ ăn mặc cũng đơn giản và ngay vợ cụ có một cái áo từ ngày mua ở Cuba cũng mặc vậy thôi. Đến khi cụ bà mất, cụ Mười rất thương vợ và từ đó, ở một mình với con, cháu, anh em cảnh vệ trong nhà”, ông Kính chia sẻ.
Một điểm ấn tượng mà ông Kính muốn nhắc tới về cụ Đỗ Mười đó là người rất ham đọc sách. Sách của cụ có tới gần một vạn cuốn.
“Hàng ngày từ 4 – 6h sáng, cụ đọc sách và tôi nhớ có lần ông Vũ Khiêu tặng hai cuốn sách rất dày là Anh hùng và nghị sĩ; Trí thức Việt Nam qua những chặng đường lịch sử và chỉ trong một tháng cụ đọc hết.
Đến khi ông Vũ Khiêu tới, cụ có nói đã đọc hết hai cuốn sách và chỉ ra chỗ này chỗ này cho xem.
Ông Khiêu thấy quả thật cụ là người thông minh và rất kính trọng” ông Kính kể và cho biết thêm, thời kỳ còn khỏe, sau khi đã nghỉ công tác, vào buổi chiều cụ Mười còn thường ra vườn chăm sóc cây cảnh, quét dọn sân vườn, lá cây trước cổng ngõ cùng bà con khu phố.