Cuộc sống có hiện đại, tiện nghi đến mức nào, tôi vẫn không thể nào quên được hình ảnh mẹ già bên gian bếp xưa, dưới mái tranh nghèo. Chiếc bếp củi thân thương sớm chiều tỏa khói. Nơi đó truyền đi tín hiệu của sự ấm no, hạnh phúc và sum vầy…
Ngày đó, xóm làng nghèo rơm rạ xác xơ. Điện khí hóa chưa dẫn đường cho cuộc sống văn minh len lỏi vào từng căn bếp nhỏ. Vậy nên, chiếc bếp củi chính là trung tâm của gian bếp. Đó là một nơi linh thiêng nên lũ trẻ con luôn được ông bà kỹ lưỡng dặn dò: Không được đi ngang qua đầu bếp, không được cười đùa hớ hênh khi vào bếp, càng không được bỏ vào bếp những thứ bẩn thỉu…
Bếp xưa có kiềng ba chân, để rồi dân gian có câu ca:
“Dù ai nói ngả nói nghiêng,
Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân”.
Bếp xưa có giàn bếp (giàn làm bằng tre, phía không gian trên bếp). Đây chính là nơi cất giữ các loại hạt giống, như: Đậu, mè, bầu, bí… Đây cũng là nơi hoong các vật dụng đan lát dùng trong sinh hoạt, như: Thúng, mủng, dần, sàng…, gọi là “phơi mồ hóng” (bụi đen ở bếp do khói sinh ra) nhằm chống mối mọt, tăng độ bền, bóng cho sản phẩm.
Bếp xưa có đóng tro ấm để chú mèo mun vào nằm sưởi mỗi ngày đông tháng giá. Đó cũng là nơi lý tưởng cho đàn gà “mọc đuôi tôm” tự do bới bếp mỗi lúc chủ vắng nhà. Để rồi có câu đồng dao ngồ ngộ:
“…Lạy cậu lạy mợ
Cho chó về quê
Cho dê đi học
Cho cóc ở nhà
Cho gà bới bếp…”.
Bếp xưa đón đôi bàn tay gầy của bà, của mẹ mỗi chiều đông đi làm đồng về. Vừa đến nhà, sà ngay vào bếp để hơ tay cho đỡ cóng, cho áo quần nhanh khô. Đó cũng chính là chiếc “lò sưởi” lý tưởng để cả nhà quây quần “ngồi lửa”, xua tan cái lạnh như cắt da cắt thịt khi đông về…
Bếp xưa là nơi lùi những củ sắn củ khoai bở bột, thơm ngon nóng hổi (hoặc đắng nghét vì lỡ để quên nên cháy sẹm thành than). Bếp xưa cũng là nơi cho lũ trẻ nướng vội những con đam đồng “rụng cọng rụng que, không ngo ngoe là chín”…
Bếp xưa cũng là nơi nghe thấy những tiếng khóc tức tưởi của con trẻ khi nhen mãi mà vẫn không chịu đỏ. Vì mải chơi, trời mưa củi ướt, lại thiếu mồi nhen nên trưa ngày tối bữa, nồi cơm vẫn dở sống dở chín, sợ bố mẹ làm về trách phạt đòn roi…
Bếp xưa với bao nỗi nhọc nhằn, nhưng thiêng liêng và ấm áp lạ kỳ!
Đỗ Đức Thuần
Nguồn Báo Quảng Bình: https://baoquangbinh.vn/van-hoa/202303/nhoc-nhan-bep-cui-2207980/