Vào tháng 6 năm nay, nhà mạng lớn nhất Hàn Quốc KT đã quyết định phủ sóng công nghệ 5G tai khu vực làng Daeseong-dong, nằm cách biên giới Triều Tiên chỉ vài trăm mét. Đây chính là bước ngoặt lớn, mang đến sự thay đổi chóng mặt cho cuộc sống của 200 người dân trong làng.
Nằm cách thủ đô Seoul (Hàn Quốc) chỉ khoảng 1 tiếng lái xe, ngôi làng Daeseong-dong là khu dân cư duy nhất nằm trên phần lãnh thổ do Hàn Quốc quản lý ở khu Phi quân sự (DMZ) tại biên giới liên Triều. Là nơi sinh sống của khoảng 200 người dân, Daesong-dong từ lâu nay thường được biết đến với cái tên “một hòn đảo trên đất liền” vì sự cô lập của nó.
Theo thỏa thuận ngừng bắn được Triều Tiên và Hàn Quốc ký kết vào năm 1953, qua đó tạm thời kết thúc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, cả 2 nước đều được phép xây dựng mỗi bên một ngôi làng, nằm ở 2 phía của đường giới tuyến.
Làng Daeseong-dong (bên trái) và làng Kijong-dong (bên phải)
Daeseong-dong, vốn được đặt biệt danh là “Làng Tự Do”, được thành lập cùng năm. Cách Daeseong-dong không quá xa, bên kia khu phi quân sự DMZ là Kijong-dong – ngôi làng do phía Triều Tiên xây dựng, vốn thường được người Hàn Quốc gọi với cái tên Làng Tuyên Truyền.
Các khu vực từ làng tới DMZ ở mỗi bên đều được bảo vệ cẩn mật và thường được nhắc đến như biên giới cuối cùng của Chiến tranh Lạnh, hay còn gọi là “nơi đáng sợ nhất trên Trái Đất”.
Mặc dù tình hình đã giảm bớt phần nào khi mối quan hệ liên Triều đang trở nên nồng ấm trong một năm trở lại đây, “chúng tôi vẫn sống trong tình trạng căng thẳng”, một người dân làng cho biết. Bất kỳ du khách hay người dân nào nếu đến gần đường phân giới chỉ cách đó 500 mét bắt buộc phải có lính hộ tống đi cùng. Thậm chí, ngôi làng vẫn duy trì lệnh giới nghiêm theo giờ, trong khi xe cộ ra vào làng thường xuyên bị kiểm tra.
Do nằm cách đường giới tuyến phân chia biên giới chỉ vài trăm mét, người dân làng Daeseong-dong thậm chí còn thể thấy được cột cờ của làng Kijong-dong (Triều Tiên)
Tuy nhiên, vào tháng 6 năm nay, nhà mạng lớn nhất Hàn Quốc KT đã quyết định phủ sóng công nghệ không dây 5G tai khu vực làng Daeseong-dong. Theo Nikkei Asian Review, đây chính là bước ngoặt lớn, mang đến sự thay đổi chóng mặt cho cuộc sống của 200 người dân trong làng.
Khi mạng 5G giúp thay đổi bộ mặt ngôi làng bị cô lập tại DMZ
Trước đây, hầu hết dân làng Daeseong-dong chủ yếu sống bằng nghề nông. Do nằm trong khu DMZ, dân làng thậm chí còn được các binh sĩ hộ tống mỗi khi đi ra trạm bơm nước phục vụ tưới tiêu cho ruộng đồng, vốn nằm cách làng 2km. Nhưng khi công nghệ mạng 5G đến với Daeseong-dong hồi tháng 6 vừa qua, người ta đã bắt đầu thấy những “cánh đồng thông minh” và “trường học thông minh”, theo Nikkei Asian Review.
Nhờ tốc độ kết nối siêu nhanh của công nghệ không dây 5G, công việc đồng áng của người dân nơi đây đã không còn vất vả. Một hệ thống phun nước đã được lắp đặt, vốn có thể có thể được bật tắt tự động nhờ các máy cảm ứng đo tình trạng của đất. Trong khi đó, cổng trạm bơm có thể được đóng mở từ xa chỉ bằng một thao tác từ trụ sở của làng, thông qua một chiếc smartphone.
Năng suất làm việc của người dân Daeseong-dong đã được cải thiện rất nhiều nhờ 5G
Không chỉ cho phép người dân Daeseong-dong cải thiện năng suất lao động, dịch vụ mạng di động thế hệ mới 5G còn góp phần nâng cấp chất lượng cuộc sống của cư dân trong làng.
TheoNikkei Asian Review, khả năng truyền dẫn tốc độ cao của công nghệ 5G đã góp phần hỗ trợ xây dựng một hệ thống phản ứng khẩn cấp cho Daeseong-dong, trong bối cảnh ngôi làng này không có bệnh viện hay trụ sở cảnh sát.
Do thiếu thốn các dịch vụ khẩn cấp, trưởng làng Daeseong-Dong phải đóng vai trò như “người phản ứng đầu tiên”. Trong khi đó, mỗi ngôi nhà trong làng đều được trang bị một nút bấm báo động để sử dụng khi cần thiết.
Trưởng làng Kim Dong-gu cho biết, công nghệ 5G đã giúp ông “tiết kiệm thời gian để dành cho gia đình”.
Tại nhà hội trường của làng, một màn hình kích thước lớn đã được lắp đặt. Trên màn hình, có khoảng 46 chấm tròn lớn màu xanh lá, hiển thị tình trạng hiện tại của 46 hộ gia đình trong làng. Hàng ngày, trưởng làng sẽ ngồi trước màn hình này theo dõi. Khi phát hiện có một chấm xanh chuyển sang màu đỏ, ông sẽ liên hệ trực tiếp với hộ gia đình vừa bấm nút báo động để hỏi han tình hình qua điện thoại.
Trường Daesong-dong trong ngày công nghệ 5G được “lên sóng’
Trường Daesong-dong, ngôi trường duy nhất trong làng, cũng được hưởng lợi từ sự xuất hiện của mạng 5G. Với tốc độ kết nối Internet siêu nhanh cùng độ trễ rất thấp do công nghệ 5G cung cấp, ngôi trường này giờ đây đã trở thành “trường học thông minh”.
Theo đó, học sinh trong trường có thể học tập cùng với những học sinh từ nơi khác nhờ sử dụng máy tính có kết nối 5G và thiết bị thực tế ảo. Thậm chí, trong các môn học thể chất, học sinh trường Daesong-dong có thể thi đấu trực tuyến với các trường khác trong các hoạt động như môn bóng ném.
Vào tháng 4/2018, mạng không dây 5G chính thức được nhà mạng KT triển khai tại Hàn Quốc. Cùng với Verizon (Mỹ), KT cũng là một trong số hai nhà mạng đầu tiên trên thế giới áp dụng công nghệ truyền dẫn không dây mới nhất này. Tính đến hiện tại, có khoảng 4,8% thuê bao của nhà mạng KT đăng ký sử dụng mạng 5G.