Doanh nghiệp Việt hoàn toàn có khả năng trụ vững ở thị trường Việt Nam và vươn ra chinh phục toàn cầu.
Vingroup “phá đảo” ngành bán lẻ
Trong giai đoạn 2005 – 2010, Parkson từng có những năm tháng kinh doanh “rực rỡ” ở Việt Nam. Thế nhưng, mô hình kinh doanh theo hướng bách hóa tổng hợp bắt đầu bộc lộ một vài nhược điểm. Ngoài giá thuê đắt đỏ, sự thất bại của Parkson còn là do thiếu chiến lược đổi mới để phù hợp với thị trường và thói quen mua sắm của người Việt.
Xuất hiện sau Parkson vào năm 2009, nhưng Vincom Center đã nhanh chóng phát triển nhờ tập trung vào các chiến lược phù hợp với người Việt, khẳng định được vị thế trong ngành phát triển hệ thống trung tâm mua sắm và giải trí. Năm 2011, Lotte Keangnam chính thức đi vào hoạt động và kinh doanh có phần khởi sắc, nhưng đến thời điểm hiện tại cũng đã tụt sau Vincom một khoảng cách rất dài.
Báo cáo của Deloitte cho biết, hiện tại, Việt Nam có gần 200 trung tâm thương mại được điều hành bởi cả các công ty trong nước và nước ngoài. Trong đó, Vincom hiện đang chiếm 60% thị phần trung tâm thương mại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Tính đến 31/3/2019, Vingroup sở hữu 66 trung tâm thương mại, với 1,5 triệu m2 mặt bằng tại 38 tỉnh thành. Trong năm 2019, tập đoàn này dự kiến mở mới 13 trung tâm thương mại, nâng tổng số lên 79 trên cả nước. Trong khi đó, đến nay Lotte mới chỉ có 13 trung tâm thương mại, AEON Mall dừng lại ở con số khiêm tốn: 6 trung tâm.
Vingroup cũng áp đảo thị trường cửa hàng tiện lợi. Tính đến hết tháng 1/2019, Deloitte báo cáo, chỉ riêng Vinmart+ đã có tất cả 1.700 cửa hàng. Trong khi tổng cộng các cửa hàng tiện lợi thương hiệu nước ngoài (không tính Shop&Go đã nhượng lại cho VinGroup) chỉ dừng lại ở con số hơn 600.
“Ở Vinhomes, học Vinschool, mua sắm tại Vincom, có bệnh tới Vinmec, du lịch tới Vinpearl và làm việc tại Vingroup”. Sắp tới đây, “đi Vinfast” có thể sớm được thêm vào chuỗi mục tiêu này khi dự án đầu tư nhà máy sản xuất ô tô quy mô 3,5 tỷ USD đã hoàn thiện, với mục tiêu trở thành nhà sản xuất ô tô hàng đầu Đông Nam Á đến năm 2025.
Viettel vừa áp đảo sân nhà, vừa vươn ra sân khách
Các công ty nước ngoài từng tham gia cung cấp dịch vụ mạng viễn thông di động ở Việt Nam đều là những tên tuổi lớn, có kinh nghiệm mở rộng thị trường quốc tế. Hutchison Asia (hợp tác với Cổ phần Viễn thông Hà Nội xây dựng Vietnammobile) hiện đang cung cấp dịch vụ tại các nước như Ý, Anh, Thụy Điển, Đan Mạch, Áo, Indonesia và Sri Lanka.
SK Telecom là công ty cung cấp dịch vụ viễn thông hàng đầu ở Hàn Quốc, trong khi VimpelCom là một trong những nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất thế giới với thương hiệu nổi tiếng Beeline.
Nhưng Viettel có lợi thế hơn rất nhiều về cơ sở hạ tầng so với các công ty nước ngoài. Trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ viễn thông, cơ sở hạ tầng tốt hơn có nghĩa là chất lượng dịch vụ tốt hơn và độ phủ sóng cũng bao trùm khắp cả nước.
Viettel năm 2004 mới khai trương di động ở Việt Nam, năm 2006 đã tìm hướng ra nước ngoài. Đến nay, 10 công ty mang thương hiệu Viettel đang hoạt động trên 3 châu lục. Trong đó, 5 công ty con đang top đầu về thị phần thuê bao, doanh thu và lợi nhuận ở Campuchia, Lào, Burundi, Đông Timor, Mozambique.
Trong bảng xếp hạng 300 thương hiệu viễn thông giá trị nhất thế giới của Brand Finance, Viettel đứng thứ 47 (tăng một bậc so với năm 2017), xấp xỉ các nhà mạng khác như Singtel (số một ở Singapore), Ooredoo (số 1 ở khu vực Trung Đông).
Theo Báo cáo 500 thương hiệu có giá trị nhất thế giới mới nhất, Viettel đã có tên trong danh sách này, với thứ hạng 478 và mức định giá 4,316 tỷ USD, tăng hơn 1 tỷ USD so với năm 2018. Thứ hạng của Viettel đã đứng trên nhiều cái tên lớn như Lotte Group và Deutsche Bank.
Không dừng lại ở đó, Viettel đặt mục tiêu chạy xa hơn trong giai đoạn kinh doanh toàn cầu và công nghệ 4.0 từ nay đến năm 2030. Với sự kiện thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên tại Việt Nam, Viettel đã khẳng định khả năng làm chủ và triển khai những công nghệ mới nhất, ghi tên Việt Nam vào danh sách những quốc gia thử nghiệm thành công 5G sớm trên thế giới.