Nói một cách đơn giản, chúng ta mới chỉ nhìn bề ngoài chứ chưa nhìn sâu vào bên trong khái niệm “tốc độ” trên smartphone.
Năm 2018 là năm chứng kiến một cột mốc quan trọng của Android: từ Galaxy S9+, OnePlus 6 đến Huawei Mate 20 Pro, các mẫu Android đầu bảng liên tục đánh bại iPhone X (và XS) trong các bài kiểm nghiệm tốc độ thực tế. Cho dù là khởi động, mở ứng dụng, tải trang web hay xử lý video 4K, các mẫu smartphone Android 2018 đều có thể dễ dàng cho Apple “hít khói”. Mọi thứ đã thay đổi hẳn khi mới chỉ năm ngoái, đến cả iPhone 6s (2015) cũng có thể đánh bại Android 2017.
Màn thử tốc độ giữa Huawei Mate 20 Pro và iPhone XS Max.
Nhưng điều khiến cuộc chiến tốc độ trải nghiệm thực tế trở nên khó hiểu là ở chỗ iPhone hiện vẫn đè bẹp smartphone Android về benchmark chip. Với hiệu năng nhân đơn, smartphone Android chưa bao giờ là đối thủ của Apple trong suốt lịch sử cạnh tranh. Với hiệu năng đa nhân, kể từ khi có cơ chế Bionic cho phép kích hoạt một số nhân bất kỳ, khoảng cách giữa iPhone và Android cùng năm thường rơi vào mức 30% – 50%. Hiệu năng của chip A11 trên iPhone X hiện vẫn đè bẹp tất cả các mẫu Android đầu bảng của năm 2018.
Tại sao lại có sự chênh lệch này? Liệu rằng tất cả các ứng dụng benchmark có sai lệch khi trao ngôi vương cho những chiếc điện thoại mác Táo có tốc độ tải ứng dụng thực tế thấp hơn đối thủ Android?
Câu trả lời là “không, benchmark vẫn đúng”. Nhưng trước khi đi vào bản chất vấn đề, hãy cùng bóc tách một vài yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả thử nghiệm thực tế.
Đầu tiên, theo tùy chỉnh mặc định ứng dụng iOS không được tải ở mức nhanh nhất có thể. Nếu bạn có iPhone, hãy vào Settings, tìm Reduce Motion và bạn sẽ thấy ứng dụng được kích hoạt nhanh hơn. Lý do ở đây là bởi các nhà phát triển của Apple có chèn thêm hiệu ứng để tạo cảm giác “liền mạch” cho hệ điều hành. Mặt trái là các hiệu ứng này có thể làm tăng thêm thời gian kích hoạt ứng dụng.
Tiếp đến, iPhone đang thua kém Android rõ rệt về dung lượng RAM. Điều này cũng có nghĩa rằng smartphone Android đầu bảng của năm 2018 có thể lưu trữ nhiều ứng dụng ở trạng thái “tạm chờ” lớn hơn iPhone. Tùy vào thói quen sử dụng của người dùng/cơ chế quản lý RAM của hệ điều hành mà ứng dụng họ kích hoạt trên iOS có thể thực chất đang được tải mới lại hoàn toàn, còn Android thực chất lại “lấy” ứng dụng này từ RAM. Trong tình huống này, iPhone tuyệt nhiên không thể thắng được smartphone Android.
Nhưng cả 2 lý do “vụn vặn” này đều không quan trọng bằng một lý do cốt lõi khác: tất cả các bài thử nghiệm speed test đều không phải là thử nghiệm chip. Khi bạn khởi động máy, chip và RAM sẽ truy cập dữ liệu từ ROM trước tiên. Khi bạn khởi động ứng dụng (từ trạng thái đã tắt hoàn toàn khỏi đa nhiệm), ứng dụng này thực chất cũng được đưa từ ROM vào RAM trước khi đến lượt CPU xử lý. Áp hiệu ứng vào ảnh, xử lý video 4K v…v… lại càng liên quan đến ROM hơn. Thậm chí, nếu bạn bỏ qua khâu tải từ bộ nhớ trong vào RAM, sự khác biệt tiếp theo sẽ do dung lượng RAM (mà iPhone vốn thua kém rõ) hay cùng lắm là bus RAM, latency RAM mang đến.
Nói chung, bộ nhớ trong mới là nút thắt cổ chai chứ không phải là những con chip. Các bài speed test cho kết quả ngược lại với benchmark bởi về bản chất chúng đem bộ nhớ ROM trên các mẫu smartphone ra đấu với nhau. Có thể khẳng định gần như chắc chắn rằng lý do iPhone X/XS thua speed test trước smartphone Android là bởi tốc độ truy/xuất bộ nhớ ROM trên iPhone những năm gần đây có vẻ thấp hơn tốc độ ROM trên smartphone Android. Và đây cũng là một sự thua kém không quá khó hiểu, bởi Apple chỉ dồn công sức vào phát triển chip chứ hiếm khi nhắc đến tốc độ ROM (hay RAM).
Nói ví von, các bài thử nghiệm speed test trên YouTube cũng giống như là mang hệ thống Core i5 16GB RAM và Evo 970 ra so sánh với Core i7 8GB RAM dùng Evo 850 vậy. Nếu bạn đo tốc độ khởi động hệ điều hành hay tốc độ khởi động ứng dụng, sự chênh lệch về sức mạnh chip tuyệt nhiên chẳng có vai trò gì cả.
Speed test trên YouTube và benchmark bởi thế không mâu thuẫn nhau. Sức mạnh chip của Apple vẫn vượt trội Android – các bài benchmark vẫn là những thử nghiệm được chuẩn hóa rõ ràng và không thể nào tạo ra kết quả sai lệch (trừ khi các nhà sản xuất gian lận).
Vậy thì khi nào sự chênh lệch giữa A11 và A12 so với Snapdragon, Exynos hay Kirin được thể hiện rõ ràng? Nói một cách đơn giản nhất, các nhà phát triển ứng dụng sẽ phải bằng cách nào đó tạo ra các tình huống sử dụng giống như các ứng dụng benchmark: tách rời vai trò của CPU và GPU ra khỏi vai trò của RAM và ROM. Hãy nhớ rằng Geekbench 4 chỉ đo CPU (đơn nhân/đa nhân), AnTutu chỉ đo CPU và GPU còn 3D Mark chỉ đo GPU mà thôi.
Đào sâu hơn, trong tình huống nào thì chúng ta mới có thể tận hưởng sức mạnh “tách rời” này? Đáng tiếc rằng câu trả lời này có lẽ sẽ không bao giờ được trả lời, bởi Android và iOS là 2 hệ điều hành có cơ chế xử lý hoàn toàn khác biệt nhau. Ngay đến cả thư viện đồ họa hay runtime ứng dụng của 2 bên cũng khác nhau, do đó dựa vào sức mạnh chip/RAM/ROM để suy luận ra chất lượng trải nghiệm thực tế cũng ngớ ngẩn chẳng kém gì dựa vào số nhân/xung nhịp mà nói chip này mạnh hơn chip kia.
Xu thế hiện tại của smartphone nói riêng và ngành công nghiệp hi-tech nói chung sẽ càng khiến cho các phép so sánh chip trở nên vô nghĩa. Với sự trỗi dậy của AI cùng các nhân neural, các con chip (hay nói đúng hơn là SoC – System on a Chip) sẽ càng ngày càng phức tạp, ngày càng xa rời các phép tính toán truyền thống và cũng ngày càng… khó hiểu với người dùng phổ thông. Chênh lệch 2-3 giây khi mở ứng dụng sẽ là cực kỳ vô nghĩa khi các nhà sản xuất sẽ “ăn thua” bằng những tính năng không tưởng như chụp ảnh bokeh bằng camera đơn hoặc dịch giọng nói theo thời gian thực. Điểm benchmark hơn kém cũng sẽ là vô nghĩa, bởi AI không (nên) được thực hiện trên CPU “thường” như ứng dụng truyền thống.
Bởi thế, chúng ta có thể yên tâm bỏ mặc các điểm số benchmark hay các bài speed test nhan nhản trên YouTube. Chúng đơn giản là không đại diện cho các yếu tố quan trọng nhất trong trải nghiệm người dùng hiện tại, trái lại thứ duy nhất chúng làm là “đánh” vào tâm lý “fanboy” để một nhóm nhỏ người dùng có thể “ảo tưởng” về bản thân dựa trên chiếc điện thoại mà họ mua về mà thôi.