Đã 2 tháng 13 ngày kể từ khi các chuyên gia Nhật Bản tiến hành lắp đặt thí điểm công nghệ Nano – Bioreactor trên sông Tô Lịch. Qua nhiều “biến cố”, hiện dòng sông vẫn đen, nước vẫn bẩn nhưng giảm mùi hôi thối.
Ngày 16/5, các chuyên gia Nhật Bản đã tiến hành lắp đặt thí điểm công nghệ Nano – Bioreactor trên sông Tô Lịch (đoạn đầu cống đường Hoàng Quốc Việt giao với Nguyễn Đinh Hoàn) và một góc hồ Tây (đoạn đối diện số 161 Nguyễn Đình Thi).
Được biết, công nghệ Nano – Bioreactor được kết hợp giữa vật liệu xử lý nước thiên nhiên Bioreactor và máy sục khí Nano.
Theo chuyên gia môi trường đứng đầu trong dự án thí điểm này cho biết, công nghệ Nhật Bản này có thể xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch mà không cần nạo vét. Mùi hôi thối sẽ giảm đáng kể sau 3 ngày và sau 2 tháng, các chất thải dưới lòng sông sẽ bị phân hủy.
Theo các nhà đầu tư, những thiết bị có thiết kế nhỏ gọn này có thể xử lý nước thải với công suất lên tới 1,35 triệu m3 nước trên một ngày đêm.
Khi được đặt xuống lòng sông sẽ tạo ra oxy từ nước, giúp kích hoạt các vi sinh vật có lợi cho môi trường, gây ức chế và giảm số lượng vi sinh vật gây ô nhiễm.
Sau 3 tuần thí điểm dự án công nghệ Nhật Bản tại sông Tô Lịch, ngày 6/6, công ty cổ phần cải thiện môi trường Nhật – Việt (JVE) đã có báo cáo về kết quả thí điểm. Theo kết quả, lượng bùn và mùi hôi tại sông Tô Lịch đã được cải thiện.
Đại diện của JVE hứa hẹn sẽ có kết quả cải thiện rõ ràng hơn sau khoảng 2 tháng áp dụng công nghệ này do lượng bùn và chất thải ở dưới lòng sông Tô Lịch sẽ bị phân hủy.
Về xử lý mùi hôi bốc lên từ sông Tô Lịch, đại diện JVE cũng cho biết, bọt khí Nano phân hủy phá vỡ cấu trúc phân tử của H2S, NH3 làm cho sông hết mùi trong thời gian ngắn.
Sau hơn 1 tháng hoạt động, những chiếc máy Nano cũng được công nhân đưa lên bờ để tiến hành bảo dưỡng do có nhiều rác thải rắn bám xung quanh lưới bảo vệ máy sục Nano khiến cho công suất hoạt động của máy bị giảm.
Sau thời gian bảo dưỡng, những chiếc máy lại tiếp tục được đặt vào vị trí cũ để tiếp tục làm sạch sông Tô Lịch.
Cũng trong thời gian công nghệ Nhật Bản đang được thí điểm làm sạch sông Tô Lịch, ngày 5/7, các công nhân mang trang phục của công ty thoát nước Hà Nội vẫn tiếp tục tiến hành nạo vét bùn tại sông Tô Lịch đoạn cầu vượt Trần Duy Hưng – Láng dưới thời tiết vô cùng nắng nóng.
Theo các công nhân tại đây cho biết, công việc nạo vét bùn tại sông Tô Lịch sẽ được triển khai liên tục trong 1 tháng liên tiếp góp phần cải thiện môi trường đoạn sông này.
Đến sáng ngày 9/7, người dân Hà Nội đã vô cùng ngạc nhiên và vui mừng khi bất ngờ thấy sông Tô Lịch nước chảy trong xanh thơ mộng.
Theo đó, nguyên nhân là do Công ty thoát nước Hà Nội đã mở cửa ống xả nước ở Hồ Tây (Trích Sài, quận Tây Hồ) vào sông Tô Lịch với mục đích nhằm hạ mực nước tại Hồ Tây để “chống ngập”, đồng thời tạo dòng chảy làm sạch sông Tô Lịch.
Tuy nhiên, đến ngày 16/7, Tổ chức xúc tiến Thương mại – Môi trường Nhật Bản đã có công văn gửi Thủ tướng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND TP Hà Nội và các Sở, ngành, đơn vị có liên quan về việc lùi thời gian thí điểm thêm 2 tháng tới ngày 17/9 (tùy tình hình có thể rút ngắn hơn).
Theo công văn này, việc xả nước trực tiếp từ Hồ Tây vào đầu nguồn sông Tô Lịch nơi có khu thí điểm làm sạch nước sông Tô Lịch của dự án Tổ chức này đã làm toàn bộ hệ vi sinh vật có lợi do các tấm Bioreactor kích hoạt trong vòng gần 2 tháng thí điểm bị cuốn trôi và không còn ở khu 300 m để đánh giá nữa.
Trả lời trước báo chí về vấn đề này, lãnh đạo Công ty thoát nước Hà Nội cho biết, việc xả nước Hồ Tây đúng với quy trình lâu nay bởi khi lượng nước dâng cao đến mức nguy hiểm thì đơn vị phải tiến hành xả nước, điều tiết mực nước để đảm bảo an toàn.
Cũng theo vị lãnh đạo Công ty thoát nước Hà Nội, nhiều lần mực nước lên cao quá mức quy định nhưng đơn vị vẫn giữ lại để hỗ trợ chuyên gia Nhật thí điểm trên sông Tô Lịch nhưng lần này do mực nước tại Hồ Tây đã ở mức nguy hiểm không thể không xả nước.
Sau 5 ngày sau khi công ty thoát nước Hà Nội tiến hành xả nước từ Hồ Tây xuống sông Tô Lịch, nước sông đã đen trở lại. Đồng thời, sông tiếp tục bốc mùi cùng với cá chết nổi trắng hai bên bờ sông.
Dọc 2 bên bờ sông, cá chết nổi trắng mặt sông, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Càng về phía cuối nguồn, lượng cá chết nổi càng tích tụ nhiều. Mực nước dưới sông cũng giảm xuống thấp, một số điểm lộ rõ đáy bùn đen ngòm.
Ghi nhận vào ngày 29/7, sau 2 tháng 13 ngày kể từ khi các chuyên gia Nhật tiến hành đặt máy thí điểm trên sông Tô Lịch, dòng sông vẫn đen nhưng mùi hôi thối cũng đã giảm đáng kể.
Ghi nhận tại Khu vực trình diễn xử lý bùn đoạn đầu đường Hoàng Quốc Việt giao với đường Nguyễn Đinh Hoàn, nước sông ở đây vẫn giữ màu đen. Các máy móc được đặt tại đây vẫn hoạt động tích cực sau hơn 2 tháng.
Mực nước tại khu vực này giữ ở mức thấp, không có rác thải sinh hoạt bị đổ xuống sông trong thời gian này.
Theo người dân tại đây cho biết: “Trước đây sông có mùi hôi thối nồng nặc nên việc câu cá trên sông rất ít, gần như không có nhưng hiện nay mùi hôi thối đã giảm đáng kể nên thỉnh thoảng người dân vẫn ra đây câu cá mặc dù không mấy khi câu được con gì”.
Ghi nhận sông Tô Lịch đoạn từ phố Quan Hoa dọc về phía cuối nguồn, do thời tiết vừa xảy ra mưa lớn nên lượng nước trên sông tăng cao, nước sông cũng đỡ đen và bớt mùi hôi thối hơn.