Nhìn cảnh người nằm thoi thóp, xe nát tan trước vô lăng sặc mùi rượu bia mới thấy phạt bao nhiêu cũng “rẻ”

Nghị định chống tác hại của bia rượu đang gây ra nhiều xôn xao. Tuy nhiên, hãy nhìn vào những mặt tích cực của nghị định này tác động lên một bức tranh toàn cảnh.

1. 

Trở về nhà sau khi nghe tin trượt visa du học Mỹ, cậu em tôi ngồi phịch xuống ghế trong tình trạng gương mặt và tay chân đầy những vết máu loang lổ.

Vì buồn, cậu rủ vài người bạn đi nhậu rồi chạy xe về nhà trong tình trạng không tỉnh táo. Cậu tự đâm vào một chiếc xe rác dựng ven đường.

Cậu em tôi thực ra còn may mắn chán khi biết về câu chuyện của một người anh hồn nhiên chui vào chăn ngủ sau trận nhậu say bét nhè. Anh bị đánh thức bởi tiếng hét thất thanh của cô vợ.

Hóa ra, trong lúc say mềm người, anh tự chạy xe về nhà, rồi ngã ở đâu đó. Ngón tay của anh gần như đã đứt lìa khỏi bàn tay.

Song mất chút máu hay ngay cả khi mất đi ngón tay thật ra vẫn có thể coi là may mắn khi nhận ra rằng, nhiều ma men thậm chí đã mất cả cuộc đời khắc phục hậu quả của bia rượu.

Chỉ cần vài cú click chuột đơn giản là google đã cho chúng ta cả một bức tranh tang thương về các hậu quả khủng khiếp của việc say rượu tham gia giao thông. Điển hình là vụ tai nạn kinh hoàng mà bà Nguyễn Thị Nga gây ra ở ngã tư Hàng Xanh khiến một người thiệt mạng và 5 người bị thương. Bà Nga lĩnh án 42 tháng tù chỉ vì đã lỡ quá chén trong bữa tiếc sinh nhật của con.

Nhìn cảnh người nằm thoi thóp, xe nát tan trước vô lăng sặc mùi rượu bia mới thấy phạt bao nhiêu cũng rẻ - Ảnh 1.

Vụ tai nạn chết người từng gây phẫn nộ trong dư luận

Cũng chính vì vậy khi nghị định chống tác hại của bia rượu được đưa ra, với thay đổi lớn nhất là tăng cực mạnh mức phạt dành cho hành vi lái xe trong tình trạng có nồng độ cồn trong máu, nó nhận được sự hưởng ứng tích cực của một bộ phận người dân.

Gọi là “một bộ phận” bởi vẫn còn rất nhiều người cho rằng, nghị định này còn quá nhiều điểm hà khắc và bất hợp lý.

Ví dụ như chuyện ăn vài quả vải hay uống thuốc viêm phổi cũng có thể đưa nồng độ cồn trong máu lên vượt ngưỡng 0 và theo luật mới thì cứ trên 0 là bị phạt. Điều này có hợp lý hay không?

2. 

Dư luận đang xoáy vào những chi tiết còn thiếu hợp lý để phản bác một nghị định hợp lý – một nghị định mà nếu được thực thi nghiêm túc thì bản chất của nó là bảo vệ con người chứ không chống lại ai cả.

Hãy lấy Nhật Bản làm ví dụ. Nhật Bản hiện lên trong tiềm thức của đa phần người Việt như một biểu tượng về sự chuẩn mực. Có cảm giác tất cả những gì thuộc về ý thức mà thế giới phải miễn cưỡng tuân thủ thì ở Nhật đều tự nguyện. Chuyện bia rượu có thế hay không?

Cá nhân tôi vừa góp mặt trong bữa tiệc cuối năm của công ty và cũng giống hệt như những gì diễn ra ở Việt Nam: Tôi cũng bị ép uống.

Nhìn cảnh người nằm thoi thóp, xe nát tan trước vô lăng sặc mùi rượu bia mới thấy phạt bao nhiêu cũng rẻ - Ảnh 2.

Mời, ép uống rượu, bia trên bàn tiệc đã trở thành thói quen khó bỏ của người Việt

Tuy nhiên, ở Nhật, có một cách cực kỳ phổ biến để từ chối các lời mời uống rượu/bia là: Tôi phải lái xe. Sẽ chẳng có bất kỳ ai, thậm chí là sếp của bạn, ép bạn uống nếu biết rằng bạn phải lái xe.

Thậm chí khi bạn có lòng tốt mời đồng nghiệp một viên socola, anh bạn kia cũng sẽ rất cẩn thận hỏi lại: Trong socola có rượu hay không? Tôi không thể ăn nó vì tôi phải lái xe.

Về lý thuyết mà nói thì có lẽ gần như không có ai say đến mất kiểm soát chỉ vì một chút rượu trong viên socola. Tương tự là một ly rượu hay ly bia nhỏ. Nhưng tại sao người Nhật không dám dù chỉ là nhấp môi nếu phải lái xe? Họ thượng tôn pháp luật đến vậy sao?

Cũng không hẳn đâu. Vì hình phạt dành cho tội say rượu lái xe ở Nhật thật sự là quá khủng khiếp. Bạn có thể phải nộp phạt tới 1 triệu yên (200 triệu VNĐ) và ngồi tù tới 5 năm nếu say rượu lái xe.

Trong trường hợp bạn chưa say, nhưng nồng độ cồn là 0,15 mg/lít khí thở (tương đương với 1 ly bia), bạn vẫn phái bóc lịch 3 năm và nộp phạt 500.000 yên (100 triệu).

Án phạt nặng chính là nỗi ám ảnh lớn nhất với người Nhật và nỗi ám ảnh này gò họ vào khuôn khổ.

Nếu bạn theo dõi bóng đá Anh thường xuyên chắc cũng không còn lạ gì với những tin bên lề về chuyện một cầu thủ nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng lớn bị tước bằng 2 năm, phạt lao động công ích 6 tháng vì say rượu lái xe.

Một hình tượng lâu năm có thể bị sụp đổ nếu say rượu lái xe ở Anh, Singapore, Hàn Quốc…

Đó là những quốc gia cho chúng ta thấy một điều: Án phạt có thể nặng, nhẹ khác nhau nhưng thái độ của quốc gia đó với chuyện say rượu lái xe là vô cùng quyết liệt.

Nhìn cảnh người nằm thoi thóp, xe nát tan trước vô lăng sặc mùi rượu bia mới thấy phạt bao nhiêu cũng rẻ - Ảnh 3.

Trở lại với Việt Nam. Nghị định mới ban hành có thể sẽ là đòn knock-out giáng vào một thói quen đã ăn sâu bám rễ vào nhiều người Việt: Thói quen uống rượu, bia. Vậy nên những phản ứng tiêu cực là hết sức bình thường.

Tuy nhiên, nếu án phạt nặng có đủ sức răn đe để về lâu về dài tạo thành một nỗi ám ảnh gò người dân vào khuôn khổ thì mức phạt bao nhiêu cũng vẫn là rẻ. Bởi suy cho cùng thì mạng người mới là quý giá nhất.

Và có lẽ chúng ta cũng đừng tấn công vào tiểu tiết làm gì. Bởi tôi tin rằng cảnh sát có thể phân biệt được một người say vì bia rượu với một người đang ốm phải uống thuốc ho hay vừa ăn mấy quả vải giải khát.

Bảo Nam , theo Trí Thức Trẻ

http://ttvn.vn/doi-song/nhin-canh-nguoi-nam-thoi-thop-xe-nat-tan-truoc-vo-lang-sac-mui-ruou-bia-moi-thay-phat-bao-nhieu-cung-re-8202041144547151.htm