Mặc dù người đi khám bệnh không bị ung thư nhưng các phòng khám Trung Quốc làm giả kết quả siêu âm, phim ảnh mắc bệnh ung thư.
Trong phiên chất vấn ngày 5/12 của kỳ họp thứ 12 của HĐND TP HCM khoá 2016-2021, đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm đặt câu hỏi gửi đến Giám đốc Sở Y tế TP về phòng khám liên quan đến người Trung Quốc điều hành, lừa đảo bệnh nhân trong một thời gian dài.
Cụ thể, đại biểu Tố Trâm còn nêu tên phòng khám đa khoa Trung Trực trên đường Nguyễn Văn Luông, quận 6 đã tồn tại nhiều năm nay. Phòng khám này sử dụng người không phải là bác sĩ, tư vấn, khám chữa bệnh trái quy định nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp xử lý.
“Vì sao các phòng khám này tiếp tục hoạt động bát nháo, quảng cáo công khai, gạ gẫm bệnh nhân nhưng không bị xử lý triệt để? Trách nhiệm chính trong quản lý các phòng khám này, nhất là khi xảy ra sai phạm, thuộc về ai?” – Bà Tố Trâm nói.
Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, ông Nguyễn Tấn Bỉnh thừa nhận việc xử lý vi phạm của các phòng khám Trung Quốc còn nhiều bất cập. Sở đã nhận được ý kiến tố giác liên quan 12 phòng khám do người Trung Quốc điều hành trên địa bàn thành phố. Ngoài ra còn có hàng chục phòng khám có yếu tố nước ngoài khác hoạt động.
Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm có những chất vấn liên quan sai phạm của phòng khám Trung Quốc.
Theo ông Bỉnh, qua công tác kiểm tra, Sở phát hiện các sai phạm của các phòng khám Trung Quốc là thiếu nhân lực, thực hiện khám bệnh cho người dân thì thiếu bác sỹ thực hiện, hồ sơ khám chữa bệnh cho bệnh nhân đều không có. Trong năm 2018, Thanh tra Sở Y tế đã đình chỉ 3 cơ sở, phạt 39 trường hợp với số tiền hơn 1,2 tỷ đồng.
Người đứng đầu Sở Y tế TP HCM cho rằng các phòng khám Trung Quốc sử dụng những phương thức tinh vi kể cả về công nghệ thông tin để lừa gạt các bệnh nhân. Các phòng khám còn sử dụng quảng cáo để gạ gẫm các nạn nhân, hiện chưa có quy định xử phạt các hành vi quảng cáo này.
Ông Bỉnh cũng thông tin, đơn vị phát hiện có phòng khám Trung Quốc làm giả kết quả siêu âm, chụp phim. Người bệnh không có khối ung thư mà bản phim, siêu âm thì có.
“Họ chiếu lên màn hình bàng quang bị ung thư nhưng thực tế đó không phải hình ảnh của người bệnh nhưng rất khó để phát hiện ra. Ngay cả cán bộ tới kiểm tra cũng không biết được”, ông Bỉnh trình bày. Ông cho biết đoàn phải mời bác sĩ có nghiệp vụ để phát hiện ra.
Ông Bỉnh còn cho rằng, nhiều bác sỹ người Việt cũng tham gia tiếp tay cho các hoạt động lừa đảo của các phòng khám này. Họ thực hiện việc ghi tên cộng tác với phòng khám nhưng thực tế không hề làm việc tại đây.
Giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, trong năm 2018 đã họp các đơn vị liên quan, đề ra mức xử lý mức cao nhất đó là có thể rút giấy phép hành nghề các bác sĩ nếu tiếp tay cho phòng khám Trung Quốc.
Về giải pháp trước mắt, ông Bỉnh cho hay, Sở Y tế đang tập trung vào việc xử lý 12 phòng khám có yếu tố nước ngoài là các phòng khám Trung Quốc.
Tuy nhiên, việc xử phạt các phòng khám Trung Quốc hiện nay còn nhiều bất cập, như mức phạt quá nhẹ, không đủ sức răn đe.
“Sở đã cho đình chỉ 3 phòng khám từ bốn tháng rưỡi đến 6 tháng. Tuy nhiên, sau sáu tháng thì họ mở lại. Có khi đình chỉ thì họ lại mở phòng khác để người khác đứng tên. Nếu rút giấy phép hành nghề của bác sỹ Trung Quốc vi phạm thì họ lại đưa người khác sang”, ông Bỉnh nói về cách phòng khám Trung Quốc đối phó.