Theo các BS khi nhiệt độ thấp, lòng mạch bị co hẹp, lượng tưới máu thấp đi thì nguy cơ đột quỵ xảy ra rất cao. Thời điểm lúc nửa đêm và sáng sớm là “điểm đen” hay xảy ra đột quỵ.
Gia tăng đột quỵ
Bệnh nhân Nguyễn Thị H (67 tuổi, Văn Giang, Hưng Yên) được người nhà đưa vào Bệnh viện 108 cấp cứu do nhồi máu não. Theo người nhà bà H bà dậy đi vệ sinh lúc 4h sáng và bị ngã quỵ ở ngoài cửa. May mắn chồng bà H thấy vợ đi vệ sinh lâu nên theo sau và phát hiện vợ bị ngã quỵ.
Bà H được con cái đưa thẳng vào Bệnh viện Trung ương quân đội 108. Khi vào viện, bà H bị liệt nhẹ nửa người trái, miệng méo, cấm khẩu. Các triệu chứng nghi ngờ bị đột quỵ nên các bác sĩ nhanh chóng cấp cứu. Bà H đến sớm nên các bác sĩ đã sử dụng thuốc tiêu sợi huyết, sau 24 giờ tình trạng liệt đã giảm hoàn toàn, bệnh nhân tỉnh táo
Bà Vũ Thị Th. (60 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) có thói quen dậy sớm tập thể dục và đi chợ về nấu ăn đồ ăn sáng cho chồng con đi làm. Như mọi khi, thời tiết lạnh hay nắng bà đều thức từ hơn 4h lên sân thượng thể dục.
Khi mọi người trong gia đình thức giấc lên sân thượng đã thấy bà Th ngã quỵ ở sân thượng và được đưa đi cấp cứu kịp thời. Theo anh Tuấn con trai của bà Th mẹ anh bị có tiền sử tăng huyết áp và mỡ máu nhiều năm.
Bệnh nhân đột quỵ gia tăng
Thống kê của Trung tâm đột quỵ não Bệnh viện Trung ương quan đội 108 cho thấy thời tiết lạnh số ca đột quỵ càng tăng lên.
Đột quỵ có 2 thể diễn biến do nhồi máu não (tắc mạch) làm ngừng trệ dòng máu lên nuôi não, hoặc chảy máu não (vỡ mạch) làm cho máu trong lòng mạch thoát ra bên ngoài tràn vào mô não phá hủy và chép ép mô não. Đột quỵ là căn bệnh cấp tính, đột ngột, có tính chất nguy hiểm cao.
Thời điểm “đen” của bệnh
Theo nghiên cứu đánh giá của các bác sĩ khoa cấp cứu Bệnh viện Trung ương quân đội 108, trong số gần 4000 bệnh nhân cấp cứu tại Bệnh viện trong hai năm 2016, 2017 thì có tới hơn 62% bệnh nhân đột quỵ xảy ra vào thời gian buổi sáng từ 5h đến 8h.
Trung bình số bệnh nhập viện vì đột quỵ vào mùa lạnh các năm tăng từ 15% đến 30%. Đặc biệt, khi thời tiết lạnh sâu hay rét đậm, rét hại các ca bệnh càng tăng cao bất thường. Không chỉ các ca mới, những người tiểu sử bị đột quy, tai biến cũng có nguy cơ tái phát cao hơn.
Tình trạng đột quỵ chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố, trong đó thời tiết thay đổi, chuyển lạnh cũng bất ngờ làm khởi phát tình trạng này.
Đột quỵ đa phần xảy ra vào sáng sớm
TS. Nguyễn Văn Tuyến – Giám đốc Trung tâm đột quỵ não, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 tình trạng gia tăng bệnh nhân tim mạch trong mùa lạnh là do cơ chế sinh học, dưới ảnh hưởng của thời tiết lạnh giá, mạch máu giảm tính đàn hồi, lòng mạch bị thu hẹp khiến lưu lượng máu đến não giảm 1/5 so với bình thường.
Mặt khác, trời lạnh các mạch máu dễ co lại làm tăng huyết áp, tăng áp lực trong lòng mạch. Với người đã có biến chứng xơ vữa động mạch hay huyết khối, mạch máu dễ bị tắc, thậm chí có thể vỡ mạch máu dẫn đến xuất huyết não, đột quỵ với nguy cơ tử vong và các biến chứng vô cùng nặng nề.
“Đối với người già trong thời điểm lạnh, nhiệt độ thay đổi thất thường, lưu lượng máu qua não rất thấp, chức năng cơ thể suy yếu nên khó thích nghi với những thay đổi của thời tiết, nguy cơ bị đột quỵ nói riêng và các bệnh về tim mạch nói chung cao hơn”, BS Tuyến nói.
TS.Tuyến khuyến cáo, cần chú ý giữ ấm cơ thể, ngủ trong phòng kín; tránh để nhiễm lạnh đột ngột khi ra khỏi chăn ấm, đi ra ngoài; nên lưu ý những thời điểm “đen” khiến cơn đột quỵ dễ xảy ra như: rạng sáng, nửa đêm. Khi dậy đi vệ sinh nhất là những người ở quê nhà vệ sinh xa hết sức cẩn thận khi đi ra ngoài vào thời gian “đen” đó.
Người cao tuổi ở Việt Nam có thói quen dậy sớm 5 – 6 giờ sáng đi ra ngoài tập thể dục điều đó là rất nguy hiểm, khi thời tiết lạnh sâu rất dễ xảy ra đột quỵ.
Bên cạnh đó, người mắc bệnh mãn tính cần kiểm soát các yếu tố nguy cơ như huyết áp, mỡ máu, đường huyết, stress, giữ cân nặng hợp lý, tập thể dục thể thao thường xuyên.
Đặc biệt, tránh lạm dụng rượu bia bởi nếu uống nhiều trong thời tiết giá lạnh khiến chất cồn lưu lại trong máu lâu do khả năng bài tiết qua đường mồ hôi giảm khiến huyết áp tăng cao, dễ dẫn tới đột quỵ.