CNF có tiềm năng trở thành vật liệu chế tạo ô tô của tương lai.
Chỉ nặng bằng 1/5 thép nhưng lại cứng gấp 5 lần, vật liệu sợi nano xenlulozơ – cellulose nanofiber (CNF) có nguồn gốc thực vật sẽ là vật liệu chế tạo ô tô mới. Nó dẻo dai mạnh mẽ, đủ nhẹ để ô tô lướt đi trong gió; khi ứng dụng CNF vào sản xuất xe, ta sẽ loại bỏ được khoảng 2.000 kg carbon khí thải khỏi vòng đời của một chiếc xe.
CNF được làm chủ yếu từ gỗ được tách nhỏ, nghiền vụn và đun trong hóa chất để loại bỏ chất gỗ và hemicellulose; thành phẩm cuối cùng là một loại vật liệu cô đặc, dẻo dai và có thể tái chế được. Trong thử nghiệm được thực hiện hồi năm ngoái, các nhà khoa học cho thấy CNF còn dẻo dai hơn cả tơ nhện.
Thử nghiệm mới còn cho thấy ta có thể sử dụng CNF để sản xuất công nghiệp. Đổ CNF vào khuôn, ta sẽ có được những hình dáng phức tạp để rồi lắp ráp và chế tạo những mô hình nhiều mảnh ghép, xe hơi là ví dụ dễ thấy. Bộ Môi trường Nhật Bản đã nhìn ra tiềm năng của CNF, họ muốn sản xuất ô tô vừa nhẹ, vừa cứng cáp mà giảm được lượng khí thải carbon đưa ra môi trường.
Đại học Kyoto là nơi đầu tiên bắt tay vào hoàn thiện dự án sản xuất xe bằng CNF; họ dựng lên một siêu xe với khung xe, nội thất được làm chủ yếu từ CNF. Họ gọi đây là Phương tiện Nanocellulose, viết tắt là NCV, với khối lượng thấp hơn xe sản xuất bằng phương pháp truyền thống khoảng 10%.
Đội ngũ nghiên cứu đang tiếp tục thử nghiệm độ bền của NCV, nhằm đảm bảo chiếc siêu xe làm từ thiên nhiên có thể chịu được nắng mưa, va chạm. Những kết quả ban đầu mang lại nhiều tin vui, đã khiến nhiều hãng xe (trong đó có hãng xe Nhật Bản Toyota) để mắt tới. Nếu tìm được phương cách sản xuất hàng loạt với giá rẻ, đây sẽ là bước tiến hóa của ngành công nghiệp ô tô.
Tham khảo New Atlas