Nhân vụ iPhone hiển thị mạng 5G E lừa người dùng: hóa ra còn có cả 5G TF, 10G… nhưng đều là chiêu trò cả

Bạn có lẽ đã nghe đến 5G. Nhưng còn 5G E, 5G TF, và…10G thì sao?

Các công ty cung cấp Internet luôn nghĩ chúng ta là một lũ đần. Họ tung ra nào là “gói cước Internet vô tận” (nhưng thực ra là fake), bắt chúng ta phải trả những khoản phí không hề tồn tại, hay đơn giản là không cung cấp đúng tốc độ Internet như đã hứa hẹn. Nhưng đó không phải là tất cả. Các công ty như Verizon, AT&T, Comcast, và Spectrum của Mỹ  thậm chí còn đưa ra những tuyên bố đầy hoài nghi và đăng ký những thương hiệu đậm chất huyễn hoặc để khiến các khách hàng rối trí trong hàng năm trời. Hiện nay, khi chúng ta đang tiến đến thời đại của Internet di động và Internet có dây tốc độ cao hơn, những trò hề marketing như muốn sỉ nhục trí tuệ loài người nói trên không những không chấm dứt mà còn ngày càng trở nên tệ hại hơn.

Trò hề mới nhất mà các công ty cung cấp Internet nghĩ ra là giả vờ như họ đã phủ sóng 5G, hay thậm chí là vượt qua cả tốc độ 5G, nhưng thực ra chẳng hề mang đến 5G cho người tiêu dùng. Đó là hành vi đổi tên một phần của mạng 4G LTE hiện tại thành 5G E của AT&T, hay Verizon tung ra một dịch vụ Internet gia đình sử dụng một chuẩn lạ hoắc mang tên 5G TF, và gần đây, hẳn bạn từng nghe đến việc ngành công nghiệp cáp vì quá “GATO” với các nhà mạng không dây đã vội vàng đăng ký và quảng cáo cho một dịch vụ không hề tồn tại được gọi là…10G.

Nhân vụ iPhone hiển thị mạng 5G E lừa người dùng: hóa ra còn có cả 5G TF, 10G... nhưng đều là chiêu trò cả - Ảnh 1.

Tất cả những cái tên đó đều chẳng có chút ý nghĩa gì. Chúng là những chiến dịch marketing cố ý gây hiểu nhầm, được thiết kế để lợi dụng sự bối rối bạn đang gặp phải với đủ loại công nghệ Internet ngày nay, và từ đó dụ dỗ bạn bỏ tiền cho những công nghệ thế hệ tiếp theo mà bạn thực ra chẳng hề có được.

Các công ty này biết rõ họ đang làm gì. CEO mảng không dây của AT&T nói vào tháng trước khi bảo vệ cho thương hiệu 5G E là: “Mọi công ty đều có lỗi trong việc tạo ra những câu chuyện về cách bạn muốn thế giới hoạt động”. Nói cách khác, điều đó có nghĩa ông này thừa nhận mọi công ty đều tô vẽ hiện thực để đưa vào các chiến dịch marketing của họ.

AT&T được chú ý nhiều nhất bởi việc lạm dụng thương hiệu 5G E, nhưng ngành công nghiệp cáp còn “gắt” hơn khi lòe thiên hạ bằng thương hiệu 10G. Các tập đoàn cáp đang hướng lái nó trở thành thứ hấp dẫn tiếp theo trong Internet có dây băng thông rộng, với tốc độ vào một ngày nào đó sẽ tăng gấp 10 lần so với tốc độ hiện nay, mở ra một kỷ nguyên công nghệ mới và huyền ảo vốn chưa hề khả thi vì chưa có 10G. 10G được cho là tốt hơn và nhanh hơn 5G, nhưng dịch vụ này về cơ bản không hề tồn tại.

Chỉ riêng cái tên của nó cũng đã gây nhầm lẫn. Dù lớn gấp đôi 5G về mặt số học, 10G không hề tương đồng. 5G ám chỉ công nghệ di động băng thông rộng thế hệ thứ 5, trong khi 10G ám chỉ tốc độ 10-gigabit – tốc độ truyền tải dữ liệu đầy hứa hẹn mà các công ty cáp hi vọng sẽ có thể mang đến cho khách hàng một ngày nào đó.

Thương hiệu 10G được khởi xướng với ý nghĩa khơi mào cho cuộc đua cung cấp tốc độ Internet siêu nhanh. Nó được công bố vào tháng trước, dưới dạng một dự án hợp tác của nhiều tập đoàn trong ngành công nghiệp cáp, bao gồm NCTA và Cable Europe, với sự hỗ trợ từ Comcast, Charter, Cox, Rogers, Vodafone, và nhiều nữa.

Nhân vụ iPhone hiển thị mạng 5G E lừa người dùng: hóa ra còn có cả 5G TF, 10G... nhưng đều là chiêu trò cả - Ảnh 2.

Nhưng trên thực tiễn, nó là một thuật ngữ marketing vô nghĩa dựa trên một tiền đề đơn giản: mạng 5G, lần đầu tiên trong lịch sử, hứa hẹn sẽ mang đến tốc độ có thể đe dọa nghiêm trọng đến Internet có dây băng thông rộng tại gia, với khả năng sử dụng dễ dàng và độ phủ sóng rộng rãi mà kết nối có dây đơn giản là không thể bắt kịp. Nếu có một thứ mà ngành công nghiệp cáp căm ghét, hơn cả các khách hàng của chính họ, đó là sự cạnh tranh.

Lý do duy nhất cho sự tồn tại của 10G dường như là để khiến người ta lầm tưởng ngành công nghiệp cáp đã vượt qua cột mốc 5G bằng cách đặt một con số lớn hơn vào trước chữ G. Trên thực tế, các công ty cáp đã và đang gặp khó khăn trong việc mang đến cho người dùng tốc độ còn chậm hơn 5G rất nhiều, chứ chưa nói đến tốc độ gần bằng 10Gbps trên quy mô lớn (một vài ISP đã đạt được tốc độ này, nhưng trên một quy mô cực kỳ nhỏ). Tốc độ download trung bình mà khách hàng băng thông rộng tại Mỹ có được là 72Mbps tính đến cuối năm 2017, tức chỉ bằng…0,72% so với tốc độ mà 10G hứa hẹn.

10G có lẽ được sinh ra trong sự sợ hãi trước 5G, nhưng ngay cả các thành viên của ngành công nghiệp không dây cũng sợ bị đánh bại bởi 5G của các đối thú, khiến họ phải tung ra các chương trình 5G fake, với những cái tên fake không kém.

Có lẽ không nên ngạc nhiên khi mà AT&T đứng đầu danh sách những công ty sử dụng “mưu hèn kế bẩn” như vậy. Họ giả vờ như đã phủ sóng được 5G trên toàn nước Mỹ. Bạn cứ nghĩ rằng biểu tượng 5G E xuất hiện trên góc phải của các điện thoại do AT&T bán ra – bao gồm cả iPhone – và một logo xuất hiện ở cuối các quảng cáo gần đây của AT&T – là minh chứng cho việc công ty đã triển khai thành công mạng 5G. Không phải đâu.

Thay vào đó, AT&T đã quyết định đổi tên bản nâng cấp LTE gần đây thành “5G Evolution”. Tệ hơn nữa, cả T-Mobile và Verizon đều đánh bại AT&T khi triển khai xong bản nâng cấp này từ nhiều tháng trước.

Nhân vụ iPhone hiển thị mạng 5G E lừa người dùng: hóa ra còn có cả 5G TF, 10G... nhưng đều là chiêu trò cả - Ảnh 3.

Ngay cả bản thân cái tên 5G E cũng được thiết kế để dễ bị…nghe nhầm, với chữ G trong 5G khi đọc vốn đã kết thúc bằng một âm “E”.

Bạn có lẽ cũng từng nghe Verizon tự hào về việc là nhà mạng đầu tiên cung cấp 5G. Lại xàm đấy. Công ty này về cơ bản đã triển khai một mạng 5G fake để lòe thiên hạ mà thôi.

Verizon từng tung ra một dịch vụ Internet gia đình mang tên 5G hồi tháng 10 năm ngoái, nhưng họ lại triển khai 5G theo một hướng khác so với cả ngành công nghiệp. Ngay cả Verizon cũng không có dự định sử dụng phiên bản 5G này, vốn được biết đến với cái tên 5G TF, cho mạng di động của họ. Họ thực ra sẽ sử dụng 5G NR, một tiêu chuẩn đã được thỏa thuận.

Chưa đủ kì quặc, Verizon còn dự định thay thế phần cứng 5G TF hiện tại (cả trên các cột sóng và của người tiêu dùng) với phần cứng dựa trên các chuẩn 5G. Verizon sẽ không mở rộng phạm vi phủ sóng dịch vụ 5G gia đình cho đến khi phần cứng mới được sẵn sàng, khiến chúng ta càng thấy rõ hơn rằng việc triển khai ban đầu chỉ để biểu diễn mà thôi.

Nhân vụ iPhone hiển thị mạng 5G E lừa người dùng: hóa ra còn có cả 5G TF, 10G... nhưng đều là chiêu trò cả - Ảnh 4.

Đối với cả AT&T và Verizon, những thương hiệu chẳng có ý nghĩa gì của họ hiệu quả bởi nó lợi dụng sự bối rối của người tiêu dùng xung quanh những công nghệ mới này. Dịch vụ 5G E của AT&T quả thực có sử dụng những công nghệ có sẽ lợi cho 5G sau này, bởi 5G được phát triển trên nền tảng LTE. Dịch vụ 5G TF của Verizon sẽ sử dụng nhiều công nghệ mà sau này sẽ được sử dụng cho 5G NR. Nhưng xét cho cùng, cả hai công ty đang xóa nhòa lằn ranh của một tiêu chuẩn được thống nhất trên toàn cầu, và những gì họ đang sử dụng không phải là tiêu chuẩn đó. 5G E vẫn là LTE, và 5G TF không tương thích với phần còn lại của thế giới 5G.

Các nhà cung cấp Internet đã từng thử những mánh khóe đặt tên trước đây. Ví dụ, trong quá trình chuyển tiếp sang LTE, AT&T từng một mực gọi tốc độ HSPA+ tăng cường của 3G là 4G. T-Mobile cũng vậy. Và có lẽ mọi người đều sẽ bị lừa, nếu không những công ty này đã không tiếp tục đầu tư thời gian và tiền bạc vào các website và các mẫu thiết kế.

Sẽ mất thêm một hoặc vài năm nữa trước khi quá trình triển khai 5G thực sự bắt đầu tại Mỹ, cũng như để các điện thoại 5G xuất hiện phổ biến và rộng rãi trong người tiêu dùng. Tốc độ 10-gigabit thậm chí còn lâu hơn nữa mới trở thành một tùy chọn cho mọi người. Cho đến lúc đó, chúng ta có lẽ sẽ thấy thêm nhiều thương hiệu ngớ ngẩn khác xuất hiện, khi mà các nhà cung cấp Internet tiếp tục tìm cách đối chọi lẫn nhau trong cuộc chiến liên quan đến tốc độ Internet nhanh hơn (nhưng là tốc độ…fake).

Tham khảo: TheVerge