Nhân dân và cử tri cả nước đang mong đợi 2 quyết sách lớn trong kỳ họp lần này

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, phòng, chống dịch gắn với an sinh xã hội, nguồn lực tính toán phải dài hơi, nếu không sẽ rất khó khăn.

Sáng nay (21/10), thảo luận tại Tổ về tình hình kinh tế-xã hội và công tác phòng, chống dịch COVID-19, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thông tin: “Với tinh thần lo xa, Ủy ban Thường vụ đã tính đến việc xin đại biểu Quốc hội tổ chức thêm kỳ họp bất thường vào tháng 12 để quyết đáp vấn đề này vì nếu để đến kỳ họp tháng 5/2022 thì sẽ bị lỡ nhịp”. Bởi, theo Chủ tịch Quốc hội, phòng, chống dịch gắn với an sinh xã hội, nguồn lực tính toán phải dài hơi, nếu không sẽ rất khó khăn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, nhân dân và cử tri cả nước đang mong đợi 2 quyết sách lớn trong kỳ họp lần này. Đó là, tới đây phòng, chống dịch thế nào; phục hồi phát triển kinh tế-xã hội ra sao? Hai việc này gắn với vấn đề an sinh, trật tự an toàn xã hội.

0hgdfkjghk21.10 dbqh(9)

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên thảo luận Tổ

Để đáp ứng mong mỏi của người dân, trước Kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp trong và ngoài nước ở nhiều cấp độ để tìm lời giải tốt nhất cho hai vấn đề này. Quốc hội cũng sẽ ban hành Nghị quyết nêu rõ hai vấn đề này.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Xã hội và Ủy ban Tài chính – Ngân sách về tình hình kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước và công tác phòng, chống dịch Covid – 19. Trong đó, 3 báo cáo thẩm tra do 3 cơ quan của Quốc hội chủ trì nhưng đã có sự tham gia ý kiến của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban có tính phản biện và tính xây dựng cao, cung cấp nguồn thông tin phong phú, sâu sắc cho các đại biểu Quốc hội xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước trong năm 2022 trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả với đại dịch để phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội.

Về chương trình phục hồi kinh tế – xã hội trong và sau đại dịch, Trung ương đã bàn và hiện nay Chính phủ, Quốc hội đã triển khai nghiên cứu, xây dựng. Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, một Chiến lược tổng thể để phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội phải kèm theo điều chỉnh về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, việc phối hợp hai chính sách, tính toán nguồn lực cụ thể… Trung ương thống nhất điều chỉnh chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ theo nguyên tắc: quy mô thì phù hợp, lộ trình hợp lý và trên nền tảng phải bảo đảm được ổn định kinh tế, vĩ mô. Để thiết kế được gói chính sách đáp ứng được các nguyên tắc này không đơn giản.

Ngay sau Hội nghị Trung ương, lãnh đạo Quốc hội đã làm việc với các cơ quan của Chính phủ, các chuyên gia ở cả diện rộng và diện hẹp để thảo luận, xem xét các vấn đề liên quan; các cơ quan của Quốc hội cũng đang chủ động nghiên cứu, chuẩn bị để khi Chính phủ trình thì có thể thống nhất được ngay. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã tính đến việc báo cáo Quốc hội tổ chức Kỳ họp chuyên đề bất thường để quyết định sớm vấn đề này, không chờ đến Kỳ họp thứ Ba vì sẽ lỡ nhịp phục hồi của kinh tế thế giới”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Image-1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì buổi thảo luận tại Tổ về tình hình kinh tế-xã hội và công tác phòng, chống dịch COVID-19

Liên quan đến gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn của đại dịch Covid – 19, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tổng gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ của nước ta hiện nay là khoảng 4% GDP, chưa kể phần chi cho y tế, giảm tiền điện, nước, viễn thông… Cần tính tổng thể gói chính sách đang được thực hiện để xác định dư địa còn lại cho điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ như thế nào? Phải làm sao khơi thông, huy động được nguồn lực, có nguồn lực rồi thì xác định được sẽ phân bổ vào đâu.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, để có quyết đáp chính xác về phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế – xã hội trong thời gian tới cần phải đánh giá đúng thực trạng kinh tế – xã hội hiện nay cũng như tác động của đại dịch trong từng lĩnh vực. Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề, tại sao kinh tế giảm sâu như vậy mà nông nghiệp vẫn tăng trưởng khá, là trụ đỡ của nền kinh tế? Xuất khẩu tăng, dự kiến 10 tháng xuất khẩu tăng trưởng 24,6% so với cùng kỳ năm trước? Công nghiệp chế biến, chế tạo, dược phẩm, sản xuất thiết bị y tế… cũng tăng? Các ngành nào trong đại dịch đã chuyển từ “nguy” thành “cơ”? Do đó, cần phải phân tích rất kỹ lưỡng để thấy được dư địa tăng trưởng.

Liên quan đến lĩnh vực lao động, việc làm, Chủ tịch Quốc hội cho biết qua thống kê sơ bộ cho thấy, tổng số lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý III năm nay đã giảm so với quý II và so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên nếu như lao động trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ giảm thì lao động nông nghiệp lại tăng lên. Chỉ rõ thực tế này, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề đại dịch chắc chắn sẽ dẫn đến sự phân bổ lại dân cư, lao động và điều này sẽ tác động đến tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu lao động trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh những vấn đề trên phải có dữ liệu thông tin đầy đủ. Thông tin sai lệch thì quyết định chính sách không thể chính xác được. Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị phải nâng cao hơn nữa năng lực phân tích, dự báo tình hình. Dự báo đúng thì mới có biện pháp đúng, không bị lúng túng, bất ngờ. Do đó, trong Nghị quyết của Quốc hội cần có yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành đánh giá kỹ lưỡng tác động của đại dịch không chỉ về kinh tế mà cả vấn đề xã hội, văn hóa…, không chỉ tác động tích cực, tiêu cực mà còn cả những cơ hội.

Nêu rõ, tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp; tình hình kinh tế – xã hội của thế giới có phục hồi, tăng trưởng nhưng lại có sự phân hóa do độ bao phủ về vaccine… các chuyên gia nhận định nền kinh tế đang tăng trưởng hai tốc độ. Một số nước tăng trưởng nhanh như Trung Quốc, Mỹ, châu Âu nhưng một số nước rất chậm do bao phủ vaccine còn hạn chế.

Tuy nhiên, nếu sang năm các nước lớn lại thắt chặt chính sách tài khóa, tiền tệ thì chúng ta sẽ bị ảnh hưởng, nguy cơ lỡ nhịp phục hồi kinh tế của thế giới… Chủ tịch Quốc hội lưu ý việc nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm quốc tế. Các biện pháp điều hành đều phải trên cơ sở dữ liệu khoa học, dữ liệu dịch tễ học; ohải nghiên cứu căn cơ, khi quyết định rồi thì phải thực hiện nhất quán. Cần xác định rõ đây là “cuộc kháng chiến trường kỳ” nên phải có giải pháp tổng thể mang tính chiến lược, dài hơi hơn./.

 

Theo Bảo Yến – Quang Vũ (Pháp luật Plus, Báo Pháp Luật Việt Nam)

https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/nhan-dan-va-cu-tri-ca-nuoc-dang-mong-doi-2-quyet-sach-lon-trong-ky-hop-lan-nay-d169118.html