Tối thứ sáu tuần tới (1/3), tập 7 chương trình Ký ức vui vẻ sẽ lên sóng trở lại sau nhiều tuần nghỉ tết, với nhiều vị khách mời vô cùng đặc biệt.
Cầu thủ Hồng Sơn tiết lộ lí do theo bóng đá sau 30 năm
Một trong những vị khách mời đặc biệt của chương trình Ký ức vui vẻ tuần tới là sự xuất hiện của Hồng Sơn – cựu danh thủ một thời từng làm mưa làm gió sân cỏ Việt.
Tại đây, anh đã lần đầu tiết lộ lí do theo đuổi bóng đá sau 30 năm khi nói:
“Vào thời điểm thập niên 80, 90, thế hệ chúng tôi có ba môn thông dụng, được yêu thích, một là chơi guitar cổ điển, hai là học võ và ba là đá bóng vỉa hè. Tôi không thích học võ, guitar thì mê quá nên có học, nhưng học được một tuần thấy đau sống lưng, vì thế cũng bỏ luôn.
Ngoài ra tôi cũng khá thích điện ảnh, nhưng tự thấy mình không qua được anh Lý Hùng nên thôi không theo nữa, bỏ qua một bên.
Cuối cùng, tôi quyết định chọn nghiệp quần đùi áo số chạy tung ôăng, thế mà thành ra lại hay. Như vậy là do tôi không chạy theo mốt được nên mới theo bóng đá“.
Tự Long nghe Hồng Sơn nói vậy liền tiếp lời: “Có một kí ức mà người dân Việt Nam không thể nào quên, đó là có một cầu thủ tuy ngheo nghiệp bóng đá nhưng lại xuất thân từ một người lính như Hồng Sơn.
Bởi vậy, mỗi khi xem Hồng Sơn đá bóng, đặc biệt là đá cho Thể Công, mỗi khi ghi bàn, mắt anh ấy sáng long lanh, chạy tới cột cờ, giơ tay lên trán chào khán giả, tôi cảm thấy máu chảy ngược về tim.
Hình ảnh đó, tất cả người dân Việt một khi xem lại vẫn luôn bồi hồi, cảm giác như hình ảnh Tổ quốc luôn trong trái tim mình“.
Sau đó, Hồng Sơn kể thêm: “Hồi đó, tôi là cầu thủ Việt Nam duy nhất được tham gia giải Merci tại London, cùng các cầu thủ tầm cỡ như Beckham… Và tôi may mắn được giải nhì trung cuộc trong giải đó“.
Hình ảnh cầu thủ Hồng Sơn được tái hiện
Nhạc sĩ Trần Tiến: “Tôi đi tìm lá diêu bông nhưng già quá rồi thì đi tìm cái con khỉ ấy”
Sau cầu thủ Hồng Sơn, một khách mời đặc biệt khác cũng xuất hiện. Đó là nhạc sĩ Trần Tiến. Tại đây, ông đã kể lại câu chuyện về ca khúc Lá diêu bông – một ca khúc kinh điển của nền nhạc Việt:
“Tôi rất hạnh phúc khi được nghe bài thơ Lá diêu bông của Hoàng Cầm. Tới 4, 5 năm sau, tôi vẫn nhớ mãi chữ “lá diêu bông” trong bài thơ, nên mới sáng tác ra ca khúc này. Nhưng phải 10 năm sau nữa, ca khúc này mới ra đời.
Có một ngày tôi lên Điện Biên hát, có một bà cụ hỏi tôi rằng, anh Tiến có thích đi tìm là diêu bông không? Tôi bảo cụ, tôi tưởng đó là bịa ra, lá này là lá huyền thoại.
Bà cụ trả lời, đây không phải lá huyền thoại, mà có thật, người dân nơi đây vẫn tìm được lá này, nhưng đi tìm được nó khó lắm. Phải vào đúng khu rừng đó chỉ được nhìn thấy lá nở dưới ánh trăng thôi, người đó sẽ hạnh phúc cả đời.
Sau này tôi có hỏi nhiều người thì người ta bảo bà cụ ấy nói đúng, trên Phong Thổ vào mùa trăng, năm đó, tháng đó, ngày đó cứ lên ấy mà tìm. Nhưng lúc đó tôi già quá rồi thì đi tìm cái con khỉ”.