“Bạn ạ, cái nghiệp nó dạy ta, nó bắt ta phải tử tế. Không tử tế người khác khinh, chứ không phải vì ta quá yêu nghề. Vì vậy, cái đam mê, chỉ riêng với tôi thôi, là sự cay cú của cuộc đời, sự tôn trọng chính mình, mình làm cái gì tặng mọi người phải là món quà quý. Thế thôi, chứ không phải là cứ yêu nhạc, cứ đam mê cái gì rồi thành tài đâu”, nhạc sĩ Trần Tiến tâm sự.
Trong chương trình Đối thoại Trẻ tại Cà phê thứ Bảy Trẻ diễn ra mới đây tại TPHCM, khán giả đã có dịp gặp gỡ nhạc sĩ Trần Tiến, nghe ông chia sẻ về câu chuyện cuộc đời mình, về thế hệ mình và quan điểm thú vị về “chuyện nghề” của ông.
Tuổi thơ cơ cực
“Năm tôi 7 tuổi, Hà Nội giải phóng”, nhạc sĩ kể, “Từ năm 7 tuổi tôi được sống dưới mái trường xã hội chủ nghĩa. Tôi sống dưới sự lãng mạn không tưởng của một đời sống không tưởng và cực kỳ nghèo khổ”.
Do thành phần gia đình nên việc học hành của ông bị hạn chế. Năm 12 tuổi, ông làm thư ký cho một quán trọ tồi tàn trên phố Hàng Cỏ, bây giờ là phố Lê Duẩn. Công việc của ông là ghi lại tên tuổi của những người đến thuê trọ. “12 tuổi, tôi đã tiếp xúc với đủ loại người, từ khắp nơi đổ về trên những con tàu hỏa”, ông nói.
Do thời cuộc, nhạc sĩ phải lang thang khắp các ngõ nhỏ ở Hà Nội, làm bất cứ công việc gì để kiếm sống. “Kéo chở nứa ở sông Hồng lên, làm nghề sơn, nghề rửa những thùng rượu rất cao của nhà máy rượu”, nhạc sĩ kể lại.
“Ai trong cuộc đời cũng có một thời bị đày xuống đâu đó, và phải tự mình vượt lên thôi”.
Năm ông 16 tuổi, anh của ông (nhạc sĩ Trần Hiếu) liền nhờ một người bạn cho ông vào làm cho một đoàn văn công ở Hà Nội, công việc của ông là làm hậu đài sân khấu, khuân vác âm thanh.
“Thế là tôi đi theo đoàn văn công. Mà mình tuổi trẻ, mình không chịu khuất phục, tuổi trẻ nào cũng vậy. Tôi nhìn thấy những ca sĩ lên làm đơn ca của đoàn hồi đó, văn hóa lớp 3 lớp 4. Tôi thi vào đại học thì đỗ đầu luôn mà không được học. Tôi mới tức mình, mới quyết tâm học một nghề gì đó, đầu tiên là nghề hát”, nhạc sĩ nói.
Vậy là nhạc sĩ Trần Tiến vừa làm lao công, vừa tập hát. Đầu tiên ông chỉ được hát trong một ban đồng ca, sau vài tháng thì lên hát tốp ca, rồi song ca…
“Sau khi tôi vào đoàn làm hậu đài, rồi dần dần tôi được hát đơn ca. Rồi tôi đi ra chiến trường. Đi theo những đoàn quân giải phóng miền nam,” ông kể. Và ông bắt đầu sáng tác nhạc. Bài hát đầu tiên của ông ra đời năm ông 17 tuổi.
Nhạc sĩ Trần Tiến tại buổi chia sẻ. Ảnh: Fanpage Cà phê thứ Bảy Trẻ
“Tôi chỉ viết về trái tim con người”
“Tôi không viết nhạc xung phong. Tôi viết về người ở đằng sau khẩu súng, tôi viết trái tim đập ở báng súng ấy”, nhạc sĩ Trần Tiến kể.
Những bài hát như Điệp khúc tình yêu, Thanh niên ra tiền tuyến… lần lượt ra đời. Những ca khúc mà theo ông, “chỉ có yêu mọi người và yêu nước thôi”.
“Tôi chỉ viết về trái tim con người”.
Dù không được phát trên đài phát thanh, nhưng những ca khúc đó có sức lay động trong nhân dân. Chúng được lan truyền trong công chúng, được những thanh niên, sinh viên đánh đàn guitar hát cho nhau nghe ngoài đường phố…
Đó vẫn là một thời kì đầy gian khổ của đất nước. “Ăn uống các thứ là tem phiếu hết, ai mất sổ gạo là người ta nói, cái mặt như mất sổ gạo. Tức là chết đói”, nhạc sĩ nhớ lại.
Ông tâm sự: “Tôi kể cho các bạn nghe, các bạn sẽ thấy đó là một huyền thoại. Vậy mà chúng tôi lớn lên trong những năm tháng đấy. Và chúng tôi làm công việc nghệ thuật của mình cho đến như bây giờ, các bạn đang nghe những bài hát của tôi.
Tôi vô cùng cám ơn những năm tháng khủng khiếp đó, tôi vô cùng cảm ơn cái thân phận của tôi. Cám ơn vô cùng. Nếu không thì tôi không bao giờ ra được những ca khúc mà các bạn thích”, nhạc sĩ nói.
Sau khi sang Lào và sáng tác thành công bài hát Cô gái Sầm Nưa xinh đẹpcho nước Lào, về nước ông được đi học nhạc trong 8 năm. Ông học về nhạc giao hưởng, nhưng đến khi tốt nghiệp. nhạc sĩ lại xin phép thầy mình cho ông… không viết nhạc giao hưởng.
Nhạc sĩ Trần Tiến kể: “Tôi nói với thầy tôi là thầy Đỗ Đình Tấn: Thầy ạ, bây giờ làm gì có giao hưởng mà viết. Mà dù có đi nữa thì tôi cũng không chơi được.”
“Nhân dân khổ quá. Nhân dân không có bài hát viết về mẹ, về bạn bè, về đồng đội, viết về người yêu, viết về đất nước xinh đẹp của chúng ta. Thầy cho em bỏ giao hưởng, em viết ca khúc”, nhạc sĩ thuật lại.
Những ca khúc đầu tiên ông sáng tác sau khi tốt nghiệp mang chủ đề yêu nước, các sáng tác nổi bật nhất của thời kỳ này là: Giai điệu Tổ quốc, Những đôi mắt mang hình viên đạn, Vết chân tròn trên cát.
Ảnh: Internet
“Cái nghiệp nó dạy ta, nó bắt ta phải tử tế. Không tử tế người khác khinh”
Kể từ thập niên 1990, phong cách sáng tác của ông có sự thay đổi từ pop đơn thuần sang phong cách dân gian đương đại. Những sáng tác tiêu biểu cho phong cách này của ông gồm: Tùy hứng lý ngựa ô, Ngẫu hứng sông Hồng, Quê nhà.
Nhạc sĩ cho hay, trong tất cả những sáng tác của ông, chỉ có 2 bài là viết cho người khác, còn lại ông toàn viết cho riêng mình.
“Bài Chị tôi tôi viết cho chị tôi, bài Quê nhà là tôi viết cho quê hương, bài Mẹ tôi tôi viết cho mẹ tôi. Tôi viết không phải để cho mọi người nghe. Cái gì trong tim tôi hát lên thì tôi ghi lại”, nhạc sĩ nói.
Nhưng tất nhiên, ông cũng viết những bài hát được đặt hàng nữa. “Những bài tôi viết để kiếm ăn. Thì tôi phải sống chứ tôi lấy gì tôi sống”, ông cười.
“Nhà nước yêu cầu tôi viết kỷ niệm 50 năm thành lập Đảng, tôi viết Giai điệu Tổ quốc. Trung ương Đoàn phát động phong trào sinh đẻ có kế hoạch thì tôi viết Sao em nỡ vội lấy chồng. Ngày thương binh, tôi lại viết thuê, bài Vết chân tròn trên cát”, ông ví dụ.
“Thế nhưng chả có gì tôi viết thuê đâu, thật ra là tôi mượn cớ. Để tôi viết về cuộc đời của chính tôi”, nhạc sĩ nói.
Làm việc tâm huyết và có những sáng tác đi vào lòng người như thế, nhưng suốt buổi chia sẻ nhạc sĩ cứ lặp lại rằng ông không thích làm nghề âm nhạc, rằng “nghề ca nhạc chỉ là nghề kiếm cơm thôi”. Khi một khán giả thắc mắc đặt câu hỏi, nhạc sĩ mới nói:
“Tôi nhớ tôi được một giấy khen của nhà trường phổ thông, ghi như thế này: Giải thưởng cho người hay hát nhất trường”, nhạc sĩ làm cả khán phòng cười ồ.
Nhưng hay hát, thích hát, thích âm nhạc là một chuyện, còn làm-nghề-âm-nhạc lại là một chuyện khác.
Theo lời nhạc sĩ, trong quá trình làm nghề âm nhạc, có nhiều điều mà ông không thích. Ông kể rằng hồi mới đi hát ở đoàn văn công, khán giả Hà Nội yêu ông vì mặt ông “rất hề”, theo lời chính ông. Và ông không thích điều đó. Ông cũng không thích hát những bài hát tuyên truyền, cho nên việc tự sáng tác cũng là cách để ông “đổi đời”. Ông cũng tự nhận mình không thích tiếp xúc với khán giả, đã về Vũng Tàu ở ẩn gần 10 năm nay.
“Tôi không thích làm nghề hát. Tôi không hề thích làm nghề. Nhưng nếu tôi không hát mà tôi cứ đi khuân vác đồ hoài, thì ngu không?”
“Cuộc sống nó quan trọng kinh khủng, không thích vẫn cứ phải làm, thì người ta gọi là nghề chọn anh”.
“Cố mà hát đi để mà sống. Làm nghề đấy”, nhạc sĩ nói. Và ông đưa ra một quan điểm thú vị về đam mê và chuyện làm nghề:
“Tôi là một người sống có trách nhiệm. Tôi đã làm thì tôi phải giỏi, tôi hát là tôi phải hát hay. Tôi sáng tác, thì tôi phải sáng tác hay.”
Ông kể vào năm 2017, ông nhận lời sáng tác bài hát cho tập đoàn Sungroup năm ông đã 72 tuổi, đã về Vũng Tàu ở ẩn gần 10 năm… “Nhưng đã viết thì phải viết hay nhất bây giờ. Tôi viết bài Những đứa con mặt trời. Cái máu nghề nghiệp nó nổi lên”, nhạc sĩ nói.
“Tôi học, tôi xem thật kỹ, tôi nghe những bài hát hit nhất của năm 2017 trên thế giới. Tôi làm được quyết tâm đó. Tôi năm nay 72 tuổi, tôi vẫn viết theo được cái nhạc trẻ nhất của năm 2017”, nhạc sĩ nói.
“Bạn ạ, cái nghiệp nó dạy ta, nó bắt ta phải tử tế. Không tử tế người khác khinh, chứ không phải vì ta quá yêu nghề. Vì vậy, cái đam mê, chỉ riêng với tôi thôi, là sự cay cú của cuộc đời, sự tôn trọng chính mình, mình làm cái gì tặng mọi người phải là món quà quý. Thế thôi, chứ không phải là cứ yêu nhạc, cứ đam mê cái gì rồi thành tài đâu.”
Kết lại buổi chia sẻ của mình, nhạc sĩ nói như tâm tình:
“Mỗi người chúng ta có một con đường để đi, chả ai giống ai. Mỗi một thế hệ của chúng ta có con đường để đi. Không thế hệ nào giống thế hệ nào, mà chẳng cần thế hệ nào dạy thế hệ nào cả. Không có một ai có thể dạy được bất cứ một ai con đường để người đó đi.”
“Tôi chỉ mong giúp được các bạn thêm hiểu biết về cái thế hệ của tôi, về cái thời tôi sống, hoặc cũng chẳng làm gì cả. Đôi khi, trong cuộc đời các bạn, đôi khi có việc gì đó, nhớ lại ông Tiến ông ấy tự vượt lên như thế để ông ấy làm, ông ấy không chịu làm kẻ thua cuộc cho đến bây giờ. Nếu câu chuyện của tôi mà giúp được các bạn, bay lên khỏi nỗi gian truân của mình để thực hiện ước mơ của mình, không chịu thua cuộc, thì đó là điều hạnh phúc của tôi”.