Nhà sử học Dương Trung Quốc nói về Hành trình Từ Trái Tim và ‘giá trị hữu hạn quý giá nhất’ của đời người

Nếu hàng ngày, chúng ta chỉ nhìn thấy bất công, thấy nạn tham nhũng và luôn tự hỏi, tại sao những người lao động chân chính nghèo còn những kẻ tham ô lại giàu có bất hợp pháp… thì làm sao đất nước tiến lên? – ông Dương Trung Quốc nói.

Trong số nhiều nhân vật có tầm ảnh hưởng trong xã hội đóng vai trò là người truyền cảm hứng của chương trình tặng sách Hành trình Từ Trái Tim do Tập đoàn Trung Nguyên Legend phát động, nhà sử học Dương Trung Quốc ít khi xuất hiện trên mặt báo để nói những lời khen có cánh. 

Thay vào đó, ông có nhiều trăn trở, cách quan tâm sâu sắc với mong muốn dự án lớn này hiệu quả hơn, thành công hơn nữa.

Nhân một ngày giữa tháng 5, dù bận rộn, ông vẫn dành thời gian chia sẻ cùng phóng viên. Không chỉ nói về câu chuyện tặng sách mà Trung Nguyên đang làm, nhà sử học Dương Trung Quốc còn có những chiêm nghiệm sâu xa cho thế hệ trẻ đang đi trên con đường theo đuổi khát vọng lập chí, lập nghiệp.

Một thế hệ doanh nhân hoàn toàn khác biệt

Trương Thu Hường: Tôi được biết ông đã ủng hộ, đồng hành nhiều năm với Tập đoàn Trung Nguyên và dự án tặng sách Hành trình Từ Trái Tim. Không biết vì sao một nhà sử học, một Đại biểu Quốc hội… lại dành cho doanh nghiệp và dự án của họ sự quan tâm đặc biệt, lâu dài như thế?

Ông Dương Trung Quốc: Tôi gắn bó hay nói cách khác là đồng hành cùng Trung Nguyên ngay từ thời kỳ đầu họ khởi nghiệp. Nói chính xác hơn, tôi nằm trong số những người đầu tiên tham gia vào thời kỳ nhà nước bắt đầu đặt cao vai trò của doanh nhân. Trong thời gian đó, có nhiều thương hiệu đến nay vẫn rất nổi tiếng như FPT, Đồng Tâm, Trung Nguyên… 

Những người chủ doanh nghiệp khi đó là một thế hệ doanh nhân hoàn toàn khác biệt. Dù còn rất trẻ nhưng họ luôn nuôi khát vọng tìm tòi cái mới, cách thức mới để tiếp cận với doanh trường. 

Nhà sử học Dương Trung Quốc nói về Hành trình Từ Trái Tim và giá trị hữu hạn quý giá nhất của đời người - Ảnh 2.

Cách đây khoảng 7 năm, khi lần đầu nghe nói đến chương trình quảng bá thông qua giới thiệu sách của Trung Nguyên, tôi đánh giá cao và xem đó là một phương thức hết sức độc đáo. 

Thời đó, chúng tôi rất thích cảm giác được ngồi ở quán cafe thương hiệu mình thích, uống loại cafe của chính thương hiệu đó. Từ chỗ ấy, sau này Trung Nguyên len lỏi và trở thành sự lựa chọn của nhiều gia đình khi đi mua cafe. Đó là một hành trình dài đầy nỗ lực.

Phải nói rằng, những cuôc vận động về thương hiệu Việt đầu tiên chính là do Trung Nguyên và một số doanh nghiệp trẻ khác thời đó khởi xướng. Điều đáng nói nhất về họ chính là tinh thần khởi nghiệp gắn với việc dám nghĩ dám làm, dám làm cái mới chưa từng có.  

Trương Thu Hường: Như ông nói thì tôi có thể hiểu dự án tặng sách mà Trung Nguyên đang làm thật ra cũng chỉ là một cách quảng bá thương hiệu? Thế còn những giá trị khác mà nó đem lại thì sao? Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả xã hội của chương trình này?

Ông Dương Trung Quốc: Cách đây 7 năm, Trung Nguyên phát động chiến dịch quảng bá thông qua tặng sách trên cơ sở tham khảo ý kiến của các chuyên gia, in một số lượng lớn, nghiêm chỉnh, chuyên nghiệp, sách có khổ nhỏ nhưng chứa đựng nội dung tốt, đề cập đúng về tinh thần khởi nghiệp… thì tôi đã cho đó là một lựa chọn thích hợp, đặc biệt là trong bối cảnh chúng ta đang phục hồi văn hóa đọc trước sự lấn lướt của văn hóa mạng.

Cách làm của Trung Nguyên phù hợp với xu thế chung nhưng để nói về hiệu quả thì ngay bây giờ, tôi nghĩ không nên đưa ra nhận định vội vàng. Muốn đánh giá xác đáng, cần có khảo sát thực tế xem chương trình đã đi vào đời sống như thế nào, các bạn thanh niên có thực sự hứng thú với dự án này hay không?

Năm nay, Trung Nguyên tiếp tục mở rộng dự án trên những địa bàn mới – khu vực mà nhà nước, xã hội đang dành nhiều sự quan tâm – là biên giới, hải đảo, vùng sâu vùng xa. Tôi nghĩ đó là điều đáng mừng. Tuy nhiên, bên cạnh bề rộng thì chúng ta cũng luôn cần chú ý đến chiều sâu, tức là tính hiệu quả của một dự án. 

Chúng ta cũng nên đánh giá chính xác xem lợi ích của chương trình mang lại. Số lượng sách trao tặng thì rất lớn nhưng quan trọng là hiệu ứng xã hội ra sao, là câu chuyện người đọc thực sự tiếp thu được gì và thể hiện kiến thức đó như thế nào trong đời sống.

Trương Thu Hường: 7 năm qua, Trung Nguyên kiên trì trao tận tay người dân mọi nẻo đất nước 5 cuốn sách: Đắc nhân tâm, Nghĩ giàu – Làm giàu, Quốc gia khởi nghiệp, Không bao giờ thất bại – Tất cả là thử thách, Khuyến học. Ông đánh giá gì về những đầu sách này?  

Ông Dương Trung Quốc: Nếu đơn thuần đánh giá về công sức thì tất cả chúng ta, từ người tham gia hay chỉ đóng vai trò quan sát có lẽ cũng đều đã thấy rõ. Tuy nhiên, muốn nói về hiệu quả thì cần có các cuộc điều tra xã hội học, thu thập ý kiến khách quan trên tinh thần thiện chí, để có những thay đổi nếu cần thiết. Chúng ta phải tính toán kỹ để làm cho tốt, hiệu quả hơn chứ không phải đánh giá để e ngại, chùn bước.

Về 5 cuốn sách mà Trung nguyên đã và đang tặng, có thể nói đó là sự chọn lựa tinh tế. Ví dụ như câu chuyện quốc gia khởi nghiệp ở Israel rất thú vị, ý nghĩa. Tuy nhiên, chúng ta cần quan tâm xem người đọc là ai, bao nhiêu người đọc, họ tiếp thu được gì từ các cuốn sách? Điều đó, tôi mong các nhà tổ chức lưu tâm để những bước đi tiếp theo của chương trình sẽ có hiệu quả hơn nữa.

Cá nhân tôi cho rằng, bên cạnh việc tiếp tục đầu tư cho chương trình này, Trung Nguyên có thể lựa chọn thêm các đầu sách mới. Câu chuyện này Trung Nguyên cũng đã thực hiện 5-7 năm rồi. Trong cuộc sống, có những giá trị rất bền vững nhưng thực tế thời cuộc lại luôn thay đổi, thậm chí thay đổi rất nhanh. 

Vì thế, nếu chương trình không thay đổi có thể dẫn tới cuộc cạnh tranh với thế giới mạng khi mà nhiều cuốn sách vừa in xong bản cứng, bản mềm đã xuất hiện tràn lan trên mạng.

Tóm lại, tôi vẫn luôn cổ vũ, khuyến khích dự án. Sự cổ vũ này không chỉ dừng lại ở Trung Nguyên mà nếu có doanh nghiệp nào khác cũng muốn cùng chung tay làm tăng sự phong phú trong đời sống tinh thần, nâng cao văn hóa đọc của người dân thì tôi cũng hết sức ủng hộ. 

Chỉ có điều làm sao không bị lãng phí, vì tôi cũng băn khoăn: Liệu có cuốn sách nào không ai đọc? Thực tế có bao nhiêu người đọc/một đầu sách?

Nhà sử học Dương Trung Quốc nói về Hành trình Từ Trái Tim và giá trị hữu hạn quý giá nhất của đời người - Ảnh 3.

Nhìn vào Israel, người Việt sẽ thấy rõ khiếm khuyết của mình 

Trương Thu Hường: “Quốc gia khởi nghiệp” kể câu chuyện của Isreal, một quốc gia dân số ít, 80% diện tích là sa mạc, bị bao vây bởi thế lực thù địch nhưng vẫn vươn lên mạnh mẽ. Ở đó, người dân không chỉ “buôn bán ý tưởng khởi nghiệp”, xuất khẩu công nghệ mà còn nắm vai trò chủ chốt trong những tập đoàn lớn hàng đầu thế giới. Điều đặc biệt là những người lính luôn được xã hội đánh giá cao. Không ít sĩ quan đã khởi nghiệp, trở thành doanh nhân, nhà đầu tư nổi tiếng thế giới. Vậy, theo ông, giới trẻ Việt có thể học được gì từ những cuốn sách như thế?

Ông Dương Trung Quốc: Tôi nghĩ trước hết chúng ta đọc để biết đã, trong chừng mực nào đó, chúng ta đọc để chiêm ngưỡng những cái hay của thiên hạ. Isreal là một quốc gia chịu đựng rất nhiều thử thách dân tộc nhưng tinh thần khởi nghiệp, dám vươn lên đỉnh cao nhờ ước mơ hoài bão trên một vạch xuất phát vô cùng khó khăn của người dân là điều đáng để cả thế giới phải chiêm ngưỡng, nể phục.

Một dân tộc chịu nhiều hệ lụy lịch sử, dân số không đông, đất đai, khí hậu không được thiên nhiên ưu đãi nhưng chính trí tuệ của con người, năng lực tổ chức thực hiện và cốt lõi nhất chính là ý chí dân tộc đã giúp Isreal trở thành đỉnh cao.

Không chi có Việt Nam mà toàn thế giới phải thán phục Israel. Tuy nhiên, từ chỗ chiêm ngưỡng, thán phục cho đến việc chúng ta rút ra được bài học gì thì đó lại là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau, yêu cầu mỗi người đọc phải tự sũy ngẫm, lựa chọn xem mình nên đọc, nên học hỏi cái gì. Đồng thời, những người có trách nhiệm quản lý xã hội cũng phải học hỏi, đúc kết.

Isreal là quốc gia đề cao vai trò của người lính. Điều này xuất phát từ hoàn cảnh lịch sử bởi cho đến hôm nay, do vấn đề chính trị phức tạp ở mảnh đất Trung Đông, tay súng vẫn là người giữ vai trò quan trọng.

Có lẽ điều ấy cũng rất gần với chúng ta. Tinh thần chiến đấu của những người lính, quan trọng nhất là người đó không chỉ có lý tưởng mà còn có ước mơ, biết cách tổ chức và đánh thức được lòng tự ái dân tộc. Trong quá khứ, Việt Nam đã có nhiều tấm gương như thế. Nhưng ngày nay, sự thật là chúng ta đang phải đối mặt với nỗi lo những giá trị cũ dần mỏi mòn, không còn được phát huy. 

Nhiều người đổ vấy tất cả thực tế này cho sự phát triển của kinh tế thị trường. Tất nhiên, điều đó có phần đúng nhưng rõ ràng vấn đề cốt yếu nằm ở cách tổ chức xã hội.

Hãy nhìn vào đất nước Isreal, chúng ta xem họ tổ chức chế độ nghĩa vụ quân sự, chính sách bảo vệ và khuyến khích các sáng tạo ra làm sao? Hoàn cảnh lịch sử của hai quốc gia Việt Nam – Israel có nhiều điểm tương đồng dù thể chế chính trị rất khác nhau. Vì vậy mà tinh thần chung, tôi nghĩ chúng ta có thể học hỏi Israel và chắc chắn, khi soi vào họ, chúng ta sẽ phần nào thấy rõ những khiếm khuyết của mình.

Nhà sử học Dương Trung Quốc nói về Hành trình Từ Trái Tim và giá trị hữu hạn quý giá nhất của đời người - Ảnh 5.

Trương Thu Hường: Trong quá khứ chúng ta từng có nhiều tấm gương người lính ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng, đánh thức được lòng tự ái dân tộc, tinh thần trách nhiệm với xã hội. Tôi nghĩ đó có lẽ cũng là lý do vì sao trong nhiều năm qua, Trung Nguyên luôn nỗ lực đưa sách vào quân đội. Theo ông, liệu đó có phải là một cách hay – chúng ta học theo Israel nâng cao vị thế của người lính trong công cuộc phát triển kinh tế?

Ông Dương Trung Quốc: Nước ta tổ chức chế độ nghĩa vụ quân sự chứ không hẳn hoàn toàn phát triển bộ đội chuyên nghiệp. Vì thế những người lính hôm nay, ngày mai có thể trở lại với cuộc sống bình thường. Hơn nữa, bản thân người lính cũng rất cần có tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo bên cạnh ý thức tổ chức kỷ luật.

Dù ở thời chiến hay thời bình, chúng ta cũng cần nhìn nhận quân đội là lực lượng quan trọng của xã hội. Ngoài ra, hậu chiến tranh, xã hội có số lượng lớn những người cựu chiến binh đang rất cần 2 yếu tố: Sự đãi ngộ, lòng biết ơn cũng như những kích thích để họ vươn lên trong cuộc sống, đóng góp cho xã hội và bảo đảm cuộc sống của chính mình.

Xuất phát từ thực tế ấy, tôi cho rằng chương trình đem sách đến với bộ đội là việc hết sức ý nghĩa. Tất nhiên, chúng ta cũng phải hiểu rằng, quân đội là đơn vị đặc thù. Vì vậy, bên cạnh những giá trị chung, phổ quát mà thế hệ thanh niên ai cũng cần có thì lực lượng này cũng có yêu cầu riêng, nhất là về mặt văn hóa, tư tưởng, chính trị. 

Trung Nguyên nên quan tâm hơn nữa để có sự hài hòa, thấy được công việc mình làm là một sự bổ sung tích cực cho phẩm chất và chất lượng lực lượng vũ trang hiện nay.

Văn hóa đọc có thể giúp đánh thức tinh thần dân tộc?

Trương Thu Hường: Trong xã hội hiện nay, theo ông, làm thế nào để khơi dậy tinh thần dân tộc tiềm ẩn trong mỗi người Việt trẻ – thế hệ được cho rằng đang bị/được tác động cả mặt tích cực và tiêu cực của thế giới mạng cũng như cách mạng công nghệ toàn cầu?

Ông Dương Trung Quốc: Cho dù bây giờ chúng ta có nhìn nhận bằng con mắt lạc quan về sự thay đổi tích cực của đất nước thì tất cả cũng phải nhìn thẳng vào yếu kém đang tồn tại. Chúng ta không chỉ so sánh với thế giới về thứ bậc, về GDP, về chỉ số chất lượng sống… những điều đó tuy quan trọng nhưng quan trọng nhất vẫn là việc nhìn thấy sức mạnh cộng đồng, tính đoàn kết, nhất trí của cộng đồng đó.

Ở đây, tôi muốn nói đến vai trò của người lãnh đạo. Họ phải giương được ngọn cờ, đưa ra được cương lĩnh về lợi ích chung của đất nước, phù hợp với từng tầng lớp trong xã hội. Mỗi cá nhân khi nhìn vào đó sẽ thấy được lợi ích của mình trong lợi ích chung cũng như trách nhiệm của chính mình thì mới có động lực để phấn đấu.

Nhà sử học Dương Trung Quốc nói về Hành trình Từ Trái Tim và giá trị hữu hạn quý giá nhất của đời người - Ảnh 7.

Xã hội thời bình khác thời chiến ở chỗ, chúng ta không thể chỉ giương cao lá cờ trách nhiệm. Rõ ràng, vấn đề lợi ích là một bài toán khó cần được giải quyết. Nếu hàng ngày, người dân chỉ nhìn thấy bất công, thấy nạn tham nhũng và luôn tự hỏi, tại sao người lao động chân chính nghèo còn kẻ tham ô lại giàu có bất hợp pháp… thì làm sao đất nước tiến lên? Đó là câu chuyện của cuộc sống và nó liên quan trực tiếp đến vấn đề chúng ta đang bàn tới: Việc đánh thức tinh thần dân tộc.  

Lâu nay trong công tác tuyên truyền, chúng ta nói nhiều đến trách nhiệm mà bỏ qua vấn đề lợi ích. Thời chiến, khi cả dân tộc cùng chung một mục tiêu đánh thắng giặc, lập lại hòa bình thì lúc đó, tinh thần dân tộc của chúng ta rất mạnh mẽ, việc đề cao tính trách nhiệm đã đem lại hiệu quả to lớn. Tuy nhiên, chiến tranh chỉ là một khoảng thời gian trong dòng chảy lịch sử. Thời đại này, muốn xây dựng, phát triển đất nước mới là bài toán còn khó hơn thời chiến.

Giải quyết bài toán này, những nhà lãnh đạo phải biết hài hòa giữa vấn đề trách nhiệm và lợi ích để tạo động lực cho người dân thay vì khi nhìn vào bức tranh xã hội, họ chỉ thấy toàn tiêu cực, chán nản.

Trương Thu Hường: Vậy trong quá trình đó, theo ông việc đọc sách có thể giúp ích được gì không?

Ông Dương Trung Quốc: Tôi cho rằng, những câu chuyện được viết trong sách vở có thể giúp chúng ta nhận thức lại thực tiễn để người dân có cách điều chỉnh theo kiểu của người dân, nhà lãnh đạo có cách điều chỉnh theo kiểu người lãnh đạo, từ đó phấn đấu vì mục tiêu chung là phát triển đất nước hùng cường.

Bàn về đọc sách, đó là bài toán không chỉ của riêng chúng ta mà là bài toán của chung cả thế giới. Thực tế, đã có thời điểm mạng internet phát triển đến nỗi khiến chúng ta nghĩ rằng, thế giới mạng sẽ bóp chết văn hóa đọc.

Tuy nhiên, rõ ràng tình hình chung của thế giới và tại Việt Nam đã cho thấy, câu chuyện xảy ra không phải như vậy. Dù vậy, chúng ta cũng cần thay đổi, chất lượng sách cần nâng cao hơn.

Giữa đọc sách và đọc trên mạng có sự khác biệt rất lớn. Dù chúng ta có đánh giá cao tiện ích của việc sử dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ mạng thì việc tham gia vào thế giới đó vẫn đòi hỏi mỗi người phải có bản lĩnh, kỹ năng, sự lựa chọn, biết cách đầu tư thời gian (giá trị hữu hạn quý giá nhất của chúng ta) một cách có hiệu quả. Nếu chỉ lang thang trên mạng mãi mà không biết chuyện gì đang xảy ra, ai đúng ai sai thì rõ ràng, đó là sự lãng phí thời gian rất đáng tiếc.

Trong khi đó, sách vở đã được xã hội thẩm định, giúp con người có thể chủ động hơn trong việc tiếp nhận tri thức, không bị cuốn theo số đông và có thể ngồi đọc sách như đang đối thoại với người viết sách, rút ra những bài học cho chính mình. Đọc sách cũng giúp chúng ta tiếp cận hết sức cụ thể với không chỉ giá trị phi vật thể có trong sách (cuốn sách đó kể câu chuyện gì, có ý nghĩa gì) mà đôi khi chỉ cần nhìn vào ảnh minh họa cũng có thể nâng cao năng lực thẩm mỹ.

Giá trị hữu hạn quý giá nhất của chúng ta: thời gian!

Trương Thu Hường: Tôi rất tán thành điều ông nói, thời gian là giá trị hữu hạn quý giá nhất của chúng ta, nhưng cũng thấy trong cuộc sống, dường như giới trẻ lại đang lãng phí điều này. Ông có thấy vậy không? 

Ông Dương Trung Quốc: Tôi thấy có một câu chuyện rất đúng để nói về nỗi tiếc nuối lãng phí thời gian, đó là những người phải ngồi tù bị gọi là ngồi bóc lịch, mỗi tờ lịch rơi xuống tựa như xác thời gian nằm lại. 

Việc sử dụng thời gian hiệu quả rất quan trọng nhưng tôi nghĩ, đó có thể chỉ là cách nghĩ của người từng trải. Chúng ta không thể bắt người trẻ suy nghĩ giống người già, cặm cụi tiêu xài thời gian một cách dè xẻn, làm mất đi tuổi trẻ. 

Thực tế, ai cũng cần có thời kỳ hồn nhiên, thời kỳ tưởng như là lãng phí, thời kỳ thử nghiệm, phải làm đi làm lại… Có nhiều người nhìn vào liền thốt lên “ôi anh này lãng phí thời gian” nhưng bản chất đó là những việc rất tự nhiên của cuộc sống.

Dù vậy, ai cũng nên có ý thức về thời gian sao cho phù hợp với môi trường, hoàn cảnh, tuổi tác… Ý thức để lựa chọn cách tiêu xài thời gian có hiệu quả chứ không phải là than vãn, tiếc nuối.

Ý thức ấy cũng đặc biệt quan trọng với người khởi nghiệp bởi thời gian với họ là cơ hội, không nắm bắt nhanh cơ hội có thể trôi qua. Doanh nhân hay người nuôi chí lập thân, lập nghiệp đều phải có ý thức chạy đua với thời gian.

Nhà sử học Dương Trung Quốc nói về Hành trình Từ Trái Tim và giá trị hữu hạn quý giá nhất của đời người - Ảnh 9.

Trương Thu Hường: Thời gian quý như vậy, dễ dàng trôi qua như vậy thì không biết trong cuộc đời mình, ông có điều gì tiếc nuối không?

Ông Dương Trung Quốc: Có nhiều tiếc nuối chứ (cười). Tiếc nuối nhất và đến giờ khó sửa nhất là ngoại ngữ mình kém. Bây giờ nhìn các bạn trẻ tung tẩy đi khắp nơi, tôi lại tiếc. Ấy là còn chưa kể tới chuyên môn của mình. Đó cũng là vấn đề mà tôi muốn nói rằng trong thời đại này, chúng ta không chỉ cần có ý thức công dân đất nước mà còn cần có ý thức công dân toàn cầu.

Ngày xưa, chúng ta nói rất nhiều đến vấn đề độc lập. Trong thời đại này, chúng ta cần nói nhiều hơn đến vấn đề liên lập bởi sự tồn tại của một cá nhân hay rộng hơn là của đất nước có bền vững hay không dựa trên cơ sở mối quan hệ của cá nhân đó với mọi người, của quốc gia đó với các quốc gia khác có bền vững hay không.

Mối quan hệ được xây dựng trên cách ứng xử. Chọn cách sống biệt lập để không ai đụng chạm đến mình là sai lầm. Thế giới ngày nay lấy sự liên kết làm trọng. Giữa cá nhân hay giữa các quốc gia, khi có xung đột cần tìm cách giải quyết, dung hòa lợi ích.

Những người trẻ đóng vai trò là chủ nhân tương lai của đất nước càng cần phải hiểu rõ vấn đề này. Trong những năm tháng còn trẻ phải tìm cách trau dồi tri thức, đạo đức, ý chí, khát vọng để đưa đất nước ngày một tiến lên, phát triển hùng cường hơn.

Trương Thu Hường: Xin cảm ơn những chia sẻ rất tâm huyết của ông!

Ý chí vĩ đại tạo nên dân tộc vĩ đại!
KHI CÙNG NHAU, KHÔNG GÌ LÀ KHÔNG THỂ!

photo-1

“Hành trình Từ Trái Tim – Hành trình Lập Chí Vĩ Đại – Khởi Nghiệp Kiến Quốc cho 30 Triệu Thanh Niên Việt” do Tập đoàn Trung Nguyên Legend khởi xướng nhằm kiến tạo Khát Vọng Lớn, Chí Hướng Vĩ Đại cho thế hệ Thanh Niên Việt Nam; xây dựng Trí Huệ và sự Minh Triết toàn diện cho 30 triệu Thanh niên Việt thông qua việc trao tặng hàng chục triệu cuốn sách quý đổi đời tới Thanh niên Việt để có sức mạnh tri thức đúng đắn và toàn diện, để từ đó chuyển hóa thành sức mạnh tinh thần, sức mạnh vật chất và sức mạnh thể chất, tạo nên sức mạnh của Quốc gia.

“Tủ sách nền tảng đổi đời” gồm hơn 100 đầu sách quý được CHỦ TỊCH Tập đoàn Trung Nguyên Legend ĐẶNG LÊ NGUYÊN VŨ tâm huyết, cẩn trọng tuyển chọn từ hàng triệu cuốn sách, từ hàng ngàn tấm gương danh vĩ nhân thành công nhất của nhân loại. Tủ sách thấm đẫm tư duy biện chứng, tuần hoàn liên thông từ lập thuyết đến thực hành, hợp nhất tinh hoa của toàn nhân loại để giúp học hỏi toàn diện và đúng đắn về 12 lĩnh vực căn cốt nhất: Khoa Học, Triết Học, Huyền Học, Y Học, Võ Học, Kinh Tài Học, Chính Trị Học, Đạo Đức Học, Xã Hội Học, Mỹ Học, Âm Thanh Học và Ngôn Ngữ Học. Trong đó, 5 cuốn sách “Nghĩ Giàu Làm Giàu”, ‘Khuyến Học”, “Quốc Gia Khởi Nghiệp”, “Đắc Nhân Tâm”, “Không Bao Giờ Là Thất Bại – Tất Cả Chỉ Là Thử Thách” là những cuốn sách mở đầu của “Tủ Sách Nền Tảng Đổi Đời”.

Từ năm 2018 – 2023, “Hành trình Từ Trái Tim” mong muốn trang bị đến hơn 20 triệu hộ gia đình, mỗi hộ gia đình là một thư viện ánh sáng tri thức toàn diện; từng “Tủ Sách Nền Tảng Đổi Đời” đến 11.085 nhà văn hoá xã; 212 nhà văn hoá quận; 1.642 nhà văn hoá huyện, thị trấn; 1.135 nhà văn hoá phường; thư viện của 713 đơn vị hành chánh gồm: 68 thành phố trực thuộc tỉnh, 50 thị xã, 49 quận và 546 huyện; trang bị toàn bộ hệ thống thư viện các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội,… và 30 triệu thanh niên trên mọi miền Tổ Quốc.

Số lượng sách dự kiến đạt tới trên 200 triệu cuốn, với nguồn lực chi phí cần có là gần 5 tỉ đô la. Trung Nguyên Legend hy vọng và tin rằng, Hành trình sẽ nhận được sự hưởng ứng, hội tụ, đoàn kết, lan tỏa và được tổ chức sâu rộng hơn, rộng khắp hơn trên mọi miền đất nước; cùng sự đồng hành ủng hộ của các cơ quan, tổ chức, đoàn thể xã hội, các doanh nghiệp, các mạnh thường quân, các nhân vật ảnh hưởng, giới tinh hoa, truyền thông…vì một Chí Hướng Lớn, vì một Khát Vọng Vĩ đại, Khởi Nghiệp Kiến Quốc không chỉ cho 30 triệu thanh niên Việt mà cho mọi gia đình, mọi công dân Việt Nam. Với nguồn lực còn hạn chế về nhân lực, vật lực… nhưng Tập đoàn Trung Nguyên Legend sẽ thực hiện bằng Tâm Thiện Lành và trách nhiệm cao nhất.

Đến nay, “Hành trình từ Trái Tim – Hành trình Lập Chí Vĩ Đại – Khởi Nghiệp Kiến Quốc cho 30 triệu Thanh niên Việt” đã có sự đồng hành của Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo Dục & Đào Tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung ương Đoàn – Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam…cùng nhiều cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, các nhân vật ảnh hưởng trong nước và quốc tế; cùng các cơ quan truyền thông: Một Thế Giới, Thanh Niên, Soha, Tiền Phong…Hành trình đang tiếp tục tổ chức các chương trình hoạt động dành cho học sinh, sinh viên, thanh niên quân đội…tại hệ thống các trường Đại học, Học Viện, Cao đẳng, phổ thông trung học; hệ thống các nhà thư viện, nhà văn hóa… trên khắp cả nước và vùng biển đảo xa xôi nhất của tổ quốc.

Thông tin chi tiết về ‘Hành trình từ Trái tim – Hành trình Lập Chí Vĩ Đại – Khởi Nghiệp Kiến Quốc cho 30 triệu Thanh niên Việt” liên tục được cập nhật tại www.hanhtrinhlapchividai.com hoặc https://www.facebook.com/lapchividai

Triệu con tim chung một tấm lòng, vì khát vọng một Việt Nam hùng mạnh và ảnh hưởng toàn diện thế giới!