Nhà có 3 con gái thì 2 người mắc ung thư: Chuyên gia chỉ rõ nguyên nhân và việc cần làm

Một gia đình, dòng họ có nhiều người cùng một lúc mắc ung thư không phải là việc hiếm thấy. Tuy nhiên, để xác định ung thư có yếu tố gia đình và phòng tránh thì ít người biết.

2 đặc điểm để xác định ung thư có yếu tố gia đình

Bà N.T.Ng (sinh năm 1960, tại Ngọc Hồi, Hà Nội) có hai người con cùng bị mắc ung thư. Bà Ng cho biết, cách đây 10 năm cô con gái đầu của bà sinh năm 1983 phát hiện mắc căn bệnh ung thư vú khi mới 26 tuổi.

Thời điểm đó, cả nhà bà đã rất sốc vì cô còn trẻ, tương lai sự nghiệp mới bắt đầu. Tuy nhiên, cú sốc ung thư một lần nữa lại đến với bà khi cô con gái thứ 2 cũng bị mắc ung thư vú như chị vào năm (2015).

Bà Ng cho biết, bác sĩ nghi ngờ gia đình bà có yếu tố gia đình và yêu cầu các thành viên còn lại nên đi tầm soát. Bà Ng, luôn lo lắng về mối nguy cơ ung thư yếu tố gia đình cho cô con gái út.

Theo PGS.TS. Trần Huy Thịnh – Phó Trưởng Bộ môn Hóa – Sinh, Đơn vị Tế bào trị liệu – Trường Đại học Y Hà Nội, ung thư được xem là một trong những căn bệnh có tính di truyền. Tuy nhiên, tỷ lệ di truyền của các loại ung thư là khác nhau, nhưng chiếm một tỷ lệ rất nhỏ dưới 10%.

Trong đó, cá biệt ung thư vú buồng trứng có hội chứng gia đình di truyền lên tới 10-15%.

Nhà có 3 con gái thì 2 người mắc ung thư: Chuyên gia chỉ rõ nguyên nhân và việc cần làm - Ảnh 1.

PGS.TS Thịnh chia sẻ 2 đặc điểm nhận diện ung thư có tính chất gia đình.

Ung thư có tính di truyền là căn bệnh ung thư đó lưu hành trong gia đình dòng họ đó. Nhưng không phải bất cứ ai mang gen sinh ra cũng mắc ngay ung thư, mà nguy cơ tăng lên theo thời gian.

Những người ung thư có tính di truyền hội chứng gia đình sẽ có nguy cơ cao hơn so với cá thể khác trong cộng đồng.

“Ví dụ, nếu một người phụ nữ bình thường khỏe mạnh thì nguy cơ mắc ung thư vú theo các nghiên cứu trên thế giới là khoảng 12% trong cuộc đời của mình. Còn phụ nữ được xác định mắc hội chứng ung thư có tính di truyền, thì nguy có mắc ung thư vú lên tới 70-80%”, PGS. Thịnh nói.

PGS.TS Thịnh cho biết thêm: “Để xác định gia đình có bị ung thư di truyền hay không, cần căn cứ vào 2 đặc điểm: Mắc ung thư từ rất sớm khoảng dưới 40 tuổi và có ít nhất 2 thành viên trong gia đình cùng mắc một loại ung thư nhau và khởi phát sớm”.

Nhóm người có ung thư có yếu tố gia đình cần phải lưu ý tới tình trạng sức khoẻ, sàng lọc ung thư sớm ở những cơ quan mắc ung thư có liên quan tới yếu tố gia đình của mình.

PGS.TS Thịnh cho biết thêm, nhiều người đang hiểu sai loại vắc xin ung thư có thể phòng bệnh được cho nhóm có yếu tố nguy cơ.

“Tôi khẳng định vắc xin ung thư được coi là 1 trong những biện pháp điều trị ung thư, nhưng chưa phải là liệu pháp điều trị ung thư chính. Nó không phải là biện pháp để phòng mắc ung thư.

Thành phần của vắc xin được bào chế từ các chất có thành phần tương tự tế bào ung thư. Giúp cho thể có khả năng nhận diện tốt tế bào ung thư, kích hoạt hệ thống miễn dịch. Hiện nay, khoa học đang chế tạo ra những chất kích hoạt hệ thống miễn dịch tốt hơn nữa“, PGS.TS Thịnh nói.

Ung thư mắc phải chủ yếu do yếu tố ngoại cảnh

Còn theo PGS. TS. Vũ Hồng Thăng Phó Trưởng Bộ môn Ung thư, Đại học Y Hà Nội; Trưởng khoa Điều trị nội 4, Bệnh viện K khẳng định ung thư do di truyền không nhiều, chủ yếu mắc ung thư là do yếu tố ngoại cảnh, điều này đã được khoa học chứng minh.

Loại ung thư có thể di truyền do đột biến gen, người bị đột biến có nguy cơ mắc cao hơn so với người không bị đột biến, tuy nhiên không phải cứ đột biến là mắc ung thư.

Một số loại ung thư như ung thư vú, ung thư buồng trứng… trên thế giới ghi nhận khoảng 10% mắc do đột biến gen. Nếu so sánh tỉ lệ giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, người Việt có tỉ lệ đột biến mắc ung thư trong nhóm thấp nhất thế giới.

“Người bị đột biến gen nên đến các trung tâm hoặc gặp chuyên gia tư vấn di truyền ung thư để có kế hoạch phòng bệnh cho bản thân và gia đình, từ đó có biện pháp phòng ngừa phù hợp”, bác sĩ Thăng nói.

Các yếu tố ngoại cảnh tăng nguy cơ mắc ung thư có thể kể tới như:

Nhóm tác nhân hóa học: khói thuốc lá có chứa hàng chục chất gây ung thư; Chế độ ăn không hợp lý ăn, ăn các thực phẩm có chứa chất bảo quản, các thực phẩm chế biến sẵn có chất sinh ra ung thư; Ô nhiễm môi trường, tồn dư thuốc trừ sâu trong nông sản…

Ngoài ra, còn có nhóm tác nhân vật lý: Bức xạ ion hóa, tia cực tím và nhóm tác nhân vi khuẩn, vi rút…