Một cái xe chạy quá nhiều và nhanh sẽ sớm hết xăng và không thể tiếp tục chặng đường của mình. Bạn cũng chẳng thể thành công nếu bung hết sức từ sớm để rồi ngã quỵ ngay trước vạch đích.
Chúng ta luôn được dạy rằng phải chạy nhanh nhất có thể; hoặc là nỗ lực hết mình hoặc không là gì cả. Đây là một quan niệm không tốt chút nào.
Thế nhưng thái độ “được ăn cả, ngã về không” này lại là thứ đang điều khiển cuộc sống của chúng ta mỗi ngày. Chúng ta muốn hoàn thành mọi thứ ngay lập tức. Chúng ta muốn dành tối đa sức lực của mình cho công việc.
Đôi khi chúng ta nghĩ đó là một điều đúng đắn – cho đi tất cả và sử dụng đến từng giọt năng lượng cuối cùng. Để rồi sau đó, chúng ta cảm thấy mình mệt mỏi, kiệt quệ và chẳng còn tâm trí nào để làm việc dù chỉ một ngày.
Tôi cũng thường rơi vào tình trạng như thế. Có lúc tôi bắt gặp mình chạy thật nhanh, thật xa hết mức có thể, sẵn sàng đẩy bản thân tới giới hạn cuối cùng để đạt được thành tích cao nhất.
Và quả thực là tôi đã đạt được mục tiêu đề ra, nhưng là mục tiêu ngắn hạn. Tôi miệt mài chạy cả quãng đường dài chỉ để cảm thấy tuyệt vời vào lúc ấy. Nhưng khi thức dậy vào sáng hôm sau, tôi lại cảm thấy mỏi cơ, cứng khớp, và chẳng thể tiếp tục chạy trong 1 tuần tới.
Có những lúc nhận dự án lớn, tôi lại lao đầu vào làm việc để đi trước một bước. Tôi viết cả ngày lẫn đêm cho đến khi không thể thì thôi.
Rốt cuộc, tôi cũng hoàn thành xong công việc – một thành quả ngắn hạn – để đổi lấy sức cùng lực kiệt. Ngày hôm sau, chắc chắn tôi sẽ dậy muộn trong trạng thái uể oải và chẳng còn tâm trí đâu để bắt tay vào công việc tiếp theo.
Tôi không phải là người duy nhất như vậy. Ai cũng có lúc rơi vào tình trạng thế này.
Dù là lên kế hoạch kinh doanh, phấn đấu để được thăng chức hay chạy 5000m, chúng ta cũng thể chờ đợi nổi. Chúng ta háo hức muốn hoàn thành mọi thứ càng nhanh càng tốt. Và kết quả là, chúng ta sử dụng hết năng lượng của mình ngay từ ban đầu và đành phải bỏ cuộc sớm vì kiệt sức.
Chúng ta chạy hết tốc lực ngay từ vạch xuất phát, để rồi lại hết xăng trước khi đi được tới nơi mình cần đến.
Giải pháp duy nhất cho bạn là: Hãy luôn đặt mình trong trạng thái thèm muốn.
Nghệ thuật của sự kiềm chế
Thời gian là hữu hạn. Khi tìm thấy động lực, đương nhiên chúng ta sẽ muốn tận dụng nó hết mức có thể, bằng cách cố gắng làm mọi thứ.
Vấn đề là, làm như vậy đôi khi sẽ phản tác dụng.
Nỗ lực hết mình trong một khoảng thời gian ngắn có thể khiến bạn làm việc không hiệu quả về lâu dài. Chúng ta thúc ép bản thân quá mức, đến nỗi chẳng còn sức lực mà tiếp tục vào ngày hôm sau.
Cứ nhìn vào 2 ví dụ này và bạn sẽ hiểu.
Một người mới tập cử tạ đăng ký một khóa tập tại phòng gym. Thời gian đầu, anh ta chỉ nâng những quả tạ nhỏ, rồi dần dần nâng khối lượng lên mỗi tuần. Sau một tháng, phấn khởi với thành tích mình đạt được, anh ta quyết định nâng nhiều quả tạ hơn, với tốc độ nhanh hơn.
Anh ta lại đến phòng tập, lần này nâng những quả tạ nặng hơn và ép bản thân vượt qua mọi giới hạn, đến mức toàn bộ cơ bắp đều mỏi nhừ. Để rồi, khi thức dậy vào sáng hôm sau trong đau đớn, anh ta mới biết mình bị rách cơ ngực và sẽ không thể tập gym trong 1 tháng tới.
Hoặc một cô sinh viên nọ đang trong quá trình ôn thi.
Cô luôn dậy từ tờ mờ sáng và dành 8 tiếng/mỗi ngày để học, cứ như vậy trong suốt 1 tuần. Và đến cuối tuần, cô kiệt sức.
Cô dành toàn bộ hai ngày thứ 7 và Chủ nhật để đi uống với bạn bè, ăn vặt và xả đống stress vốn tích tụ từ 5 ngày trước. Để rồi, khi thức dậy vào sáng thứ 2, cô chẳng còn chút năng lượng nào, không thể tập trung hay làm việc gì.
Giá như hai người họ nỗ lực từ từ và dàn trải năng lượng, những gì họ nhận được sẽ còn nhiều hơn nữa.
Tuy nhiên, dường như chúng ta chẳng bao giờ chịu làm điều đó.
Hãy luôn đặt mình trong trạng thái thèm muốn
Khi đối mặt với deadline, bạn có chia nhỏ công việc ra để làm dần dần hay dồn hết tới phút cuối?
Khi nhìn vào danh sách những việc cần làm, bạn thực hiện từng nhiệm vụ một, hay cố làm nhiều thứ cùng lúc?
Khi tập thể dục, bạn cố gắng có chừng mực hay tìm cách để phá vỡ mọi giới hạn của bản thân?
Bằng cách đặt ra những câu hỏi này, bạn sẽ nhận ra rằng chúng ta đều hành động giống nhau. Chúng ta nghĩ thế là hay, nhưng đó chính là nguyên nhất khiến chúng ta bỏ cuộc từ sớm.
Bạn có thể nỗ lực hết mình ngay bây giờ, nhưng điều đó có nghĩa lý gì khi bạn không còn đủ sức để tiếp tục làm việc vào ngày mai? Hay ngày hôm sau? Đây liệu có phải là con đường vững chắc để đạt được mục tiêu lâu dài?
Ngày nào đó chúng ta sẽ phá kỷ lục, để rồi sau đó chúng ta còn chẳng bò nổi ra khỏi giường.
Liệu sử dụng từng chút một năng lượng có khiến bạn làm việc hiệu quả hơn, hạnh phúc hơn và ít căng thẳng hơn không? Câu trả lời là có.
Kiềm chế không hề dễ dàng, nhưng là việc cần thiết. Nếu không biết kiềm chế bản thân, bạn sẽ chẳng còn tí năng lượng nào để tiếp tục.
Leo Babauta đã từng nói: Hãy làm ít thôi và để dành số còn lại. Tận hưởng những điều ít ỏi sẽ khiến chúng ta làm việc hiệu quả hơn.
Điều quan trọng nhất bạn cần ghi nhớ
Thay vì chạy nhanh hết mức có thể, tôi quyết định chạy với 70% sức lực của mình. Tôi sẽ để dành chút năng lượng còn lại trong bình – để có thể tiếp tục chạy vào ngày mai. Và cả ngày hôm sau nữa.
Khi gặp deadline hay dự án mới, tôi sẽ không chờ “nước đến chân mới nhảy” mà chia nhỏ việc ra và dành vài tiếng mỗi ngày để làm.
Hãy luôn đặt mình trong trạng thái thèm muốn. Càng làm ít, bạn sẽ càng để dành được nhiều hơn. Bạn sẽ gặt hái những thành quả về lâu dài thay vì vắt kiệt bản thân trong thời gian ngắn.
Đừng bung hết sức ngay từ ban đầu, vì sẽ chẳng còn lại gì để bạn nỗ lực tiếp trong tương lai. Làm ít thôi, và luôn đặt mình trong trạng thái thèm muốn.
Bài chia sẻ của Adrian Drew – biên tập viên mục Mind Cafe trên trang chia sẻ Medium.
theo Medium